Yêu biết mấy quê mình!
- Cập nhật: Thứ hai, 2/12/2013 | 9:52:52 AM
YBĐT - Nghĩa Lộ - Mường Lò giờ đã thay da đổi thịt rất nhiều. Con đường dưới chân dốc Đỏ đã rộng hơn, thoải mái hai làn xe qua lại nhưng tôi vẫn nhớ đến con đường rợp bóng mát của hàng xà cừ cổ thụ khi xưa hơn.
Nghĩa Lộ phố hôm nay. Ảnh: Nguyễn Thu Phong
|
Mỗi khi có dịp đến với Nghĩa Lộ - Mường Lò, nhiều người thường nghĩ đến câu ca “Muốn ăn gạo trắng nước trong / Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò”. Cũng có những người đã quá quen với cung đường quanh co đèo dốc ấy và gợi nên cảm hứng viết thành những câu thơ: “Đường vào Nghĩa Lộ mờ sương / Mây giăng đèo Ách, nắng vương Cửa Nhì” (Lê Vân).
Với riêng tôi, lần nào về đến đầu dốc Thái Lão - con dốc cao thẳng tắp đổ dài xuống giữa cánh đồng rộng mênh mang lớn thứ nhì Tây Bắc là tôi lại cảm thấy khoan khoái và bình yên đến lạ khi được đắm mình trong mùi hương rất đỗi thân quen. Đó là mùi thơm nồng nàn của hương lúa và mùi ngai ngái của rơm rạ, bùn đất. Trên con đường lộng gió thênh thang giữa cánh đồng, tôi cứ hít hà mãi cái mùi hương quen thuộc ấy và bao nhiêu lo toan, mệt mỏi dường như tan biến. Rồi tôi cứ tự hỏi, sao bất kể vào mùa nào và dù thời tiết nắng hay mưa, tôi cũng đều cảm nhận được mùi hương ấy!
Có lẽ bởi tôi cất tiếng khóc chào đời vào một ngày cuối tháng 5 nắng vàng rực rỡ. Khi ấy, Mường Lò đang vào mùa gặt thật hối hả và vui tươi bởi hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Phải chăng, hương lúa chín nồng nàn và ấm no ấy đã hòa quyện với hương thơm ngọt ngào của sữa mẹ, cùng nuôi lớn tôi và cả tâm hồn tôi!
Thấm thoắt cũng đã 28 năm kể từ mùa gặt ấy và cũng đã tròn 10 năm tôi xa Mường Lò yêu dấu. Trong 10 năm ấy tôi đi học xa rồi có một công việc và gia đình nhỏ của mình. Thế nhưng, những hình ảnh thân thuộc, bình dị của quê hương luôn ở trong trái tim tôi và hễ có thời gian là tôi lại tìm về để được hít hà hương lúa, hương đất nồng nàn ấy.
Nhớ về Mường Lò, tôi luôn nhớ về một thời tuổi thơ khó nhọc nhưng thật êm đềm, hạnh phúc với một người cha nghiêm khắc, ít nói nhưng rất mực yêu con; một người mẹ tần tảo không khi nào có chút thời gian rảnh rỗi cho riêng mình mà dành tất cả cho gia đình; một đứa em gái bướng bỉnh, nghịch ngợm vô cùng nhưng cũng rất đáng yêu. Ở đó còn có mái nhà tranh nhỏ bé từng bị tốc mái đến 3 lần vì giông bão nhưng vẫn là mái nhà thân thương tôi luôn muốn trở về.
Hồi đi học cấp I, tôi thích nhất ngày thứ 5 vì hôm đó là ngày được nghỉ học. Không như học sinh bây giờ được nghỉ liền 2 ngày thứ 7 và chủ nhật; khi ấy chúng tôi còn có 1 ngày nghỉ giữa tuần. Thứ 5 là ngày bố mẹ tôi vẫn phải đi làm nên tuần nào tôi cũng được theo bố hoặc mẹ đến cơ quan.
Thường là tôi theo bố nhiều hơn vì mẹ làm ở bệnh viện, khi nhiều bệnh nhân thì mẹ không thể để mắt đến tôi được. Vì thế, chỗ làm việc của bố có hẳn một góc nhỏ dành cho tôi. Bố làm việc ở khu nhà Vòm - cái tên đúng như ngôi nhà to ấy vì nó có một mái vòm cao lên rất đẹp.
Sau này lớn lên tôi mới biết nơi tôi vẫn gọi là nhà Vòm ấy là một công trình kiến trúc đặc biệt của thị xã, được mô phỏng theo kiến trúc nhà sàn của người Thái.
Còn khi ấy, trong tâm trí non nớt của tôi, nhà Vòm như một cung điện nguy nga còn tôi là “công chúa”. Thứ 5 nào bố cũng đặt “công chúa” của bố ngồi giữa phòng làm việc, đưa cho một cây bút, vài tờ giấy và dặn tôi không được chạy lung tung. Tôi cũng không có hứng thú phá phách gì trong căn phòng rộng chồng chất các tập giấy tờ của bố, chỉ mải mê ngồi nhìn ra ngoài khung cửa kính sáng loáng.
Thế giới của bầu trời xanh với những cánh chim chao liệng yên bình, của những bông hoa bằng lăng tím ngắt khiến tôi mê mải rồi lăn ra ngủ lúc nào không biết. Có hôm thì tôi say sưa đọc những tập san Văn Chấn - Mường Lò tìm thấy trong ngăn bàn của bố. Cũng vì ngày ấy làm gì có nhiều truyện tranh màu sắc hấp dẫn như bây giờ nên tôi lớn dần lên với những sự tích về rêu đá, ngòi Thia; với câu chuyện tình hoa ban đẫm nước mắt; với những ngày lễ tết mang đậm sắc màu văn hóa của người Thái, người Tày như Tết Xíp xí, lễ hội Xuống đồng, lễ mừng nhà mới…; với câu chuyện vượt ngục táo bạo mà dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng trong Căng - Đồn Nghĩa Lộ…
Chính bởi thế, mà tôi đã quen thuộc với những cái tên Bùi Huy Mai, Trần Cao Đàm từ thuở nhỏ nên sau này khi được gặp các tác giả có nhiều tâm huyết nghiên cứu văn hóa đất Mường ấy thì tôi có cảm giác thân thiết vô cùng.
Cũng chẳng biết có phải bởi tuổi thơ tôi được thấm đẫm trong những câu chuyện như thế hay không mà tôi trở thành một người đa cảm, mơ mộng và thích nghiệp văn chương. Chồng tôi thường bảo nếu được chọn lại thì “chả lấy người học khối C làm gì” để trêu chọc những lúc tôi đang thả hồn đi đâu đó. Nhưng cuối tuần được nghỉ, chính anh lại là người khởi xướng những chuyến đi về Nghĩa Lộ. Không chỉ đơn thuần là về thăm ông bà ngoại mà tôi biết anh cũng đã yêu mảnh đất quê hương giàu đẹp ấy qua những câu chuyện tôi thường kể.
Nghĩa Lộ - Mường Lò giờ đã thay da đổi thịt rất nhiều. Con đường dưới chân dốc Đỏ đã rộng hơn, thoải mái hai làn xe qua lại nhưng tôi vẫn nhớ đến con đường rợp bóng mát của hàng xà cừ cổ thụ khi xưa hơn. Tuy hai bên đường đã được trồng mới hàng cây hoa Ban nhưng trong ký ức những ai đã gắn bó với Nghĩa Lộ từ thuở gian khó thì không gì có thể thay thế được vẻ đẹp của con đường cũ ấy. Phục vụ nhu cầu của khách du lịch nhiều năm nay tìm về khám phá đất Mường, các khách sạn, nhà hàng đã mọc lên khang trang, hiện đại; nhiều món ăn dân dã như cơm lam, cá suối nướng, thịt trâu sấy, rêu đá, bọ xít, dế mèn… đều trở thành đặc sản đãi khách.
Nhiều bản làng cũng đã trở thành điểm du lịch cộng đồng, khiến cuộc sống của bà con Mường Lò khác trước rất nhiều nhưng thật vui khi bản sắc văn hóa đất Mường vẫn được gìn giữ nguyên vẹn và được bạn bè, du khách biết đến nhiều hơn; con người đất Mường vẫn giản dị, thật thà, đôn hậu và mến khách…
Đó cũng là nét văn hóa sâu đậm của đất Mường không dễ gì mất đi được. Và tôi tin, sẽ còn rất nhiều người muốn đến với đất Mường, “muốn vào Nghĩa Lộ với em” bởi cái tình, cái nghĩa của mảnh đất, con người nơi đây.
Anh Thư
Các tin khác
Đại lễ tưởng niệm 705 năm ngày mất của đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông sẽ kéo dài trong 3 ngày, từ 1-3/12.
Khai mạc vào ngày 2/12, phiên họp của UNESCO tại Azerbaijan về các vấn đề Di sản Văn hóa Phi vật thể sẽ chính thức quyết định số phận của Đờn ca tài tử Việt Nam trong lộ trình trở thành Di sản Thế giới.
Ngày 1-12, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Hội Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) tổ chức lễ trao giải và khai mạc Triển lãm Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 7 tại Việt Nam - năm 2013.
Khai mạc triển lãm và trao giải“Liên hoan ảnh nghệ thuật Hà Nội lần thứ 3” Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Công an HN vì nhân dân phục vụ - Vì Thủ đô bình yên” 48 tác phẩm xuất sắc được tôn vinh tại Lễ trao giải Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 7 tại Việt Nam năm 2013 (VN-13) do Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức ngày 1/12.