Việt Nam được gì khi gia nhập UB Di sản thế giới?
- Cập nhật: Thứ năm, 5/12/2013 | 8:20:00 AM
Việt Nam đã trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới từ ngày 20/11, đây là tín hiệu mừng nhưng cũng mang lại thách thức.
Bảo vệ những di sản phi vật thể như Ca trù là công việc cần được chú trọng.
|
Sự kiện này khẳng định vị trí của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế về công tác quản lý, bảo tồn di sản thế giới. Những vấn đề chuyên môn quan trọng nhất của UNESCO liên quan tới việc công nhận các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, đánh giá tình trạng bảo tồn các Di sản Thế giới trên toàn cầu; quyết định về chủ trương, đường lối, cũng như định hướng phát triển của Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới (gọi tắt là Công ước Di sản Thế giới)... từ nay sẽ có tiếng nói của Việt Nam. Trách nhiệm lớn lao ấy đòi hỏi chúng ta ngày càng phải củng cố vị trí và uy tín cả trong và ngoài nước.
Cũng như việc gia nhập vào các tổ chức quốc tế khác, sự kiện Việt Nam trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới được xem là tín hiệu mừng. Từ nay, Việt Nam chính thức nắm trong tay 1 phiếu trong những cuộc bình chọn giá trị văn hóa, một tiếng nói để bảo vệ cho bản sắc và con đường đi tới những danh hiệu cao quý do UNESCO công nhận.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh - ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia thì khoảng 10 năm trở lại đây, hàng chục di sản văn hóa của Việt Nam được quốc tế công nhận, hàng nghìn di sản văn hóa được công nhận cấp quốc gia, cấp địa phương, tiến tới chọn lựa công bố di sản văn hóa đặc biệt cấp quốc gia, bảo vật quốc gia hàng năm.
Theo tiến trình như vậy, ngày càng có nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được vinh danh. Việc đề cao giá trị văn hóa là cần thiết nhưng việc bảo tồn và phát huy nó lại càng khó hơn. Trong bối cảnh có không ít sai sót trong công việc bảo tồn chúng ta đã gặp phải trong một vài năm trở lại đây thì việc nâng cao ý thức của người dân và nhà quản lý văn hóa là điều vô cùng cần thiết trong lúc này.
GS Ngô Đức Thịnh cho biết: “Thiếu sót lớn nhất hiện nay chúng ta cần phải làm đó là nâng cao ý thức của nhân dân, các nhà quản lý đối với di sản, cũng là nâng cao vai trò của văn hóa đối với phát triển xã hội. Hai là, có ý thức rồi phải trang bị kiến thức. Vì bảo vệ di sản là một khoa học, đòi hỏi chúng ta có tri thức. Việc phá vỡ di tích để xây mới là một bài học kinh nghiệm hay như hát quan họ mấy nghìn người là hành động thừa tình yêu nhưng lại thiếu tri thức.”
Trong thực tế, những giá trị di sản văn hóa sau khi được vinh danh đang gặp phải thực trạng chưa được bảo tồn theo nguyên tắc và tiêu chí của Công ước quốc tế về Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới, ra đời năm 1977. Hội chứng làm mới hát Xoan, hát quan họ Bắc Ninh hay xây mới đàn tế Nam Giao ở Thành Nhà Hồ, làm mới một số công trình thuộc khu di tích cố đô Huế cho thấy sự ấu trĩ trong tư duy quản lý và bảo tồn văn hóa.
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan- người tâm huyết với nghệ thuật ca trù từng chia sẻ: “Đối với các giá trị văn hóa sau khi được tôn vinh, mặc dù các cấp quản lý văn hóa đã có những động thái quan tâm nhưng dường như những công việc ấy chưa đủ, chưa thỏa đáng. Chưa có những chính sách, ứng xử đối với bản chất của nghệ thuật cho nên chưa được cộng đồng đánh giá cao. Đơn cử với thực trạng của ca trù sau 4 năm được thế giới công nhận, thật khó để thoát khỏi tình trạng “cần được bảo vệ khẩn cấp”.
Theo Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, Việt Nam gia nhập Ủy ban Di sản thế giới là cơ hội để chúng ta học hỏi, phát huy vai trò và tiếng nói của mình. Ông cũng nhấn mạnh: “Hiện nay chiến lược hội nhập của Việt Nam muốn phát huy hình ảnh thì phải vào các tổ chức chuyên môn, trong đó có Ủy ban Di sản”.
Ngay sau khi gia nhập, mỗi năm Việt Nam sẽ cùng với các nước thành viên tham gia xét duyệt các hồ sơ di sản được tất cả các nước đệ trình lên Ủy ban Di sản (khoảng 40-60 hồ sơ mỗi năm). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “thực lực như cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng”. Nếu thực lực của chúng ta không mạnh thì tiếng nói với bên ngoài cũng không thể vững, không đủ sức thuyết phục.”.
(Theo VOV)
Các tin khác
Chiều 4-12, tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, diễn ra lễ ra mắt Câu lạc bộ các khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.
Sau thời gian triển khai hành trình tìm kiếm, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam (lần 1 - 2013). Danh sách được sắp xếp theo thứ tự a,b,c… theo tên các tỉnh. Cốm xanh - Hà Nội
Nặng hơn 138 tấn, cao 6,6m ngồi trên đài sen bằng đồng 3,3m đặt trên bệ rồng đá ở độ cao 920m, bảo tượng đồng nguyên khối trị giá 75 tỷ đồng tại đỉnh Yên Tử (Quảng Ninh) vừa được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 705 năm vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập cõi niết bàn.
Ngày 3-12, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 phố Nguyễn Thái Học) đã khai mạc triển lãm điêu khắc sành (terracotta) với tổ hợp “Di cư” - một trích đoạn trong “Con đường Phật” mà nhà điêu khắc Nguyễn Tuấn đang theo đuổi như một kêu gọi bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn cầu.