Lời tình yêu trong “Khúc hát mùa xuân” của Hồng Thanh Tâm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/12/2013 | 2:39:49 PM

YBĐT - Hồng Thanh Tâm - tôi mới chỉ gặp chị một lần nhưng đã đọc thơ chị rất nhiều. Giữa con người ấy và những vần thơ như có một sự giao hòa thật đặc biệt mà khó có thể phân biệt đâu là thật, đâu là cái mơ hồ ảo tưởng của thơ văn. Tôi được biết công việc hiện tại của chị không liên quan gì đến văn chương vậy mà những vần thơ ấy vẫn thật bay bổng và gợi tình.

Bén duyên. (Ảnh: Hoàng Nhâm)
Bén duyên. (Ảnh: Hoàng Nhâm)

Dù biết, mùa xuân là mùa của cây trái đâm chồi nảy lộc, mùa của muôn hoa đua nở và nhựa sống sinh sôi, mùa của cái nghĩa tình say đắm, nó cũng là mùa để cho lòng ai phải xao xuyến, bâng khuâng. Nhưng khi đến với mùa xuân trong “Khúc hát mùa xuân” của Hồng Thanh Tâm, tôi không thể nào kìm nén được xúc cảm của mình. Mùa xuân trong bài thơ vừa quen lại vừa lạ,  như mùa của tình yêu, mùa của phiên chợ tình cho người con gái phải lưu luyến gọi mãi tên người yêu.

“Ơ…ơi người trai em thương…
Ơ...ơi người trai em nhớ…”

Trong bài thơ không chỉ một lần cô gái mời gọi người yêu của mình mà nó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một lời bầy tỏ tình yêu đắm say của cô gái: Yêu anh em gọi mãi chỉ để hỏi: “Anh có thích em không?”. Cái mới lạ của bài thơ chính là câu hỏi rất chân thành và thẳng thắn ấy. Từ xưa đến nay, những lời này thường chỉ được cất lên từ miệng của những chàng trai đang yêu, vậy mà lần này câu hỏi ấy lại được nói ra từ một cô gái không ngại ngùng, e thẹn.

“Nếu anh thích, mình làm bạn cùng nhau.
Cái bụng em ưng anh
Quả pao anh ném,
Em bắt được, ném trả anh rồi.
Ống hát đã trao,
Cuộn dây chỉ ngắn như hơi thở.”

Đọc đến đây người đọc nhận ra cô gái trong bài thơ là một cô gái Mông đang đi dự hội xuân tìm chồng. Đâu có một vần thơ nào miêu tả về vẻ đẹp của cô nhưng người đọc lại có thể cảm nhận được sự trẻ trung, tươi tắn và chân thật của cô chỉ qua lời cô mời gọi bạn tình. Với cô, giữa mùa xuân mơn mởn thì lòng cô cũng đang rạo rực và ngây ngất say men tình. Quả pao kia, ống hát này anh trao em, em đã trao lại và cuộn dây chỉ kia cũng đã ngắn rồi, như hơi thở của em: “Cái bụng em ưng anh” nhưng “Cái miệng không dám nói”.

Ở đây, Hồng Thanh Tâm đã thật tài tình. Mở đầu bài thơ, chúng ta thấy hình ảnh một cô gái Mông thật trẻ trung không ngại ngần bày tỏ cảm xúc với người mình yêu, vậy mà ở đây hình ảnh ấy lại như biến đổi thành một thiếu nữ Mông đằm thắm, dịu dàng và đầy e thẹn. Thì ra, tất cả chỉ là lời cô gái đang tự nói với chính mình, lúc nào trong cô cũng luôn ấp ủ tình yêu ấy nhưng lại không thể bày tỏ với chàng trai. Tác giả phải là một con người thật tinh tế và giàu tình cảm mới có thể viết nên những dòng thơ hay mà đầy ẩn ý đến vậy.

Thương lắm, yêu lắm thì cô gái mới trăn trở khi đêm về xa hội chợ tình xuân:

“Thương anh,
Nhớ anh
Đêm em không ngủ được,
Gió lùa vào lưng
Gió len trong ngực…”

Đọc bài thơ, chúng ta đang được tác giả kể cho nghe một câu chuyện tình yêu thầm kín của chính mình, nếu không sao trong cô gái ấy lại có nhiều xúc cảm đến vậy, nếu không sao cô gái ấy lại nồng nàn và say đắm đến nhường kia. Phiên chợ mùa xuân tan rồi nhưng nhớ với thương vẫn còn nguyên vẹn trong lòng cô gái Mông chân thành ấy. Xa anh, em chỉ biết mơ theo tiếng sáo, gửi lòng mình theo gió ngàn bay, để em vẫn thấy như anh đang bên em thật gần gũi và ấm áp, như sợi lanh trên tay em và chiếc lù cở trên lưng em: “Ơ…ơi người trai em thương…/ Ơ…ơi người trai em nhớ…/ Chợ phiên tan rồi/ Tiếng sáo anh còn theo gió/ Gần gụi/ Như sợi lanh em se trên ta,/ Chiếc lù cở nhẹ tênh/ Em cõng lời của gió…”

Vẫn chỉ là một câu hỏi thật như tấm lòng mà cô gái muốn trao ai: “Anh có thích em không?/ Nếu anh thích, mình làm bạn với nhau”. Sao chỉ có cô gái gọi hỏi mà không thấy chàng trai trả lời. Phải chăng, đây chỉ là một tình yêu đơn phương từ cô gái hay là chàng trai cũng yêu nhưng cũng như cô: “Cái bụng em ưng anh/ Cái miệng không dám nói”. Điều đặc biệt mà tác giả tạo ra cho người đọc chính là đây, chúng ta như mơ hồ lạc vào một thế giới khác mà ở đó chỉ còn có tình yêu. Tình yêu làm cho con người ta thay đổi và thiếu nữ người Mông trong bài thơ cũng không phải là trường hợp ngoại lệ:

“Con đường vẫn như mọi ngày,
  Sao bước chân em bíu ríu”

Hồng Thanh Tâm đã mượn nhịp điệu một khúc hát của dân tộc Mông để gửi gắm lòng mình vào đó, kể cho người đọc một chuyện tình xuân chan chứa yêu thương. Trong khúc ca ấy có những đoạn ngân vang réo rắt như nỗi lòng nhớ thương của cô gái gửi tới người yêu. Có những đoạn lại ngắt nhịp như tiếng nấc lòng của cô gái mỗi đêm nhớ tới người yêu của mình. Để rồi kết thúc bài thơ cũng là một lời hát bỏ lửng như đang tìm câu trả lời cho câu hỏi của cô gái:

“Chợ phiên tan lâu rồi,
Tiếng sáo anh còn theo em,
Thì thầm lời của gió:
“Con chim có đôi
Con người cũng có đôi…”

Khánh Dung

Các tin khác
Bàn ăn truyền thống Nhật Bản.

UNESCO đã chính thức công nhận Văn hóa muối Kimchi Hàn Quốc và Ẩm thực truyền thống Nhật Bản là Di sản văn hóa phi vật thể.

Dệt vải, thêu thùa, may vá là công việc hàng ngày của các cô gái Thái.

YBĐT - Từ xa xưa, trong lễ cưới của người Thái, khi cô dâu về nhà chồng bao giờ cũng mang theo rất nhiều của hồi môn. Có người chưa hiểu kỹ về tục này thì cho rằng vì nhà gái thách cưới to bằng bạc trắng nên khi về nhà chồng, cô dâu phải thế.

Người Hà Nhì.

Ngoài bộ trang phục màu xanh hay đen nhuộm chàm, người phụ nữ Hà Nhì còn điểm tô thêm bằng mái tóc được tết rất độc đáo.

Những hiện vật được tìm thấy tại thành Thành nhà Hồ ở cuộc khai quật trước đây.

Dự án sẽ được triển khai từ năm 2013 - 2020, gồm 6 bước, khai quật trên tổng diện tích 56.000 m2.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục