Chuyện miếng trầu
- Cập nhật: Thứ hai, 13/1/2014 | 8:49:30 AM
YBĐT - Miếng trầu trở nên không thể thiếu trong phong tục và sinh hoạt của người Việt Nam. Miếng trầu gắn liền với chuyện nhân duyên, việc cưới hỏi của người Việt. Thế nên dù bây giờ chẳng còn mấy ai ăn trầu nhưng trong lễ cưới hỏi vẫn phải có quả cau lá giầu làm sính lễ.
|
Một buổi sáng ra đường đi làm bỗng ngỡ ngàng, ngạc nhiên khi gặp liền mấy nhà chăng đèn kết hoa, lung linh rạp cưới. Thì ra vẫn đang là mùa cưới. Mình đã qua tuổi xúng xính váy áo đi đón tráp, rước dâu của bè bạn, thỉnh thoảng mới nhận được một thiệp hồng xinh xinh của ai đó mải chơi mãi mới chịu lấy vợ lấy chồng, thế nên hôm trước đi đám cưới người bạn, tần ngần trước miếng trầu cánh phượng mà cô dâu rất xinh vừa mời mà lòng dậy lên bao suy nghĩ…
Miếng trầu cánh phượng được têm rất khéo, lại được điểm thêm một cánh hoa hồng nên càng nổi bật, bắt mắt. Tin rằng đây là sự sáng tạo của người thời nay, chứ ở thời Tấm Cám, chắc miếng trầu không cầu kì, rắc rối đến thế, chỉ xanh lá, bạc vôi, đỏ vỏ mà thôi.
Trong tâm thức, phong tục của người Việt, miếng trầu luôn gắn liền với nhân duyên, với tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên. Ngày giỗ, tết, rằm, mùng một, trên bàn thờ bao giờ cũng phải có quả cau, lá trầu. Bởi thế nên khi xưa, dù đã là hoàng hậu, Tấm vẫn về trèo cau để hái quả nhân ngày giỗ bố.
Thế nên mới có chuyện cô Tấm bị mẹ con gì ghẻ chặt cau đuổi kiến giết chết. Lòng hiếu thảo đã bị kẻ ác tâm lợi dụng, lường gạt. Nhưng cũng miếng trầu, quả cau lại là vật cứu nạn, là của tin, là vật kết nối nhân duyên khiến Tấm có thể đường hoàng trở lại hoàng cung làm chính thất khi nhà vua nhận ra miếng trầu cánh phượng là của vợ mình têm.
Chắc cũng phải dấu yêu nhiều lắm thì nhà vua mới nhận ra được cái khéo léo, tinh tế, cái dấu ấn riêng trong miếng trầu cô Tấm têm. Mà cũng phải do trời xui đất khiến, ở hiền gặp lành thế nào nên nhà vua mới đến đúng hàng nước ấy để uống một chén nước chè xanh, ăn một miếng trầu mà tìm được người vợ hiền yêu dấu. Cũng may, thời xưa dân ta có tục ăn trầu, đàn ông cũng ăn trầu, thế nên những người yêu nhau mới tìm lại được nhau.
Chúng mình ngày nay, lấy gì để nhận ra nhau trong cõi đời nhiều đa đoan, lung lạc? Nàng Mị Châu xưa còn có lông ngỗng rắc đường, cô Tấm có miếng trầu cánh phượng… còn ta có gì ngoài một khối tình chung?
Nhắc chuyện miếng trầu ta lại nhớ đến một bi tình sử trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam – “Sự tích Trầu cau”. Mới lấy nhau, hương nồng lửa đượm, nên người vợ mới không kìm được nhớ nhung mà bạo dạn đến thế (so với thời xưa) để chạy ra ôm đón người chồng khi chàng đi làm về, đến nỗi nhầm với người em sinh đôi của chồng, gây nên hiểu lầm bi kịch về sau. Nỗi oan không được tỏ bày, giải tỏa, người em lặng lẽ bỏ đi, rồi kiệt sức chết bên bờ suối, biến thành tảng đá trắng. Người anh máu mủ xót thương đi tìm em, rồi cũng chết đúng chỗ người em nằm, hóa thành cây cau.
Lòng chung thủy, nghĩa phu thê, nỗi xót đau cũng khiến xui người vợ đi tìm chồng, tìm em rồi chết bên cây cau, tảng đá, hóa thành dây trầu ôm quấn lấy cây cau. Người con gái khi xưa, khi còn sống có thể vô tình nhận nhầm chồng mình nhưng đến khi chết đi thì vĩnh viễn sẽ không bao giờ nhầm được. Nàng chết, hóa thành dây trầu và quấn vào cây cau chứ không phải tảng đá. Dây trầu tượng trưng cho sự mềm mại, dịu dàng, nữ tính, tiết hạnh thơm cay.
Cây cau tượng trưng cho sự ngay thẳng, luôn sẵn lòng che chở cho thân gái liễu yếu đào tơ. Tảng đá tượng trưng cho sự trong trắng, vững vàng… Họ đứng bên nhau và kết thành mối thâm tình ngàn năm của lòng thuỷ chung, sự độ lượng và bao dung. Tách riêng ra thì chỉ thấy xanh lá, xanh quả, bạc vôi, ấy thế mà khi hòa quyện vào lại nên một màu đỏ son như máu. Cũng từ đấy mà dân ta có tục ăn trầu và mới có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện”…
Miếng trầu trở nên không thể thiếu trong phong tục và sinh hoạt của người Việt Nam. Miếng trầu gắn liền với chuyện nhân duyên, việc cưới hỏi của người Việt. Thế nên dù bây giờ chẳng còn mấy ai ăn trầu nhưng trong lễ cưới hỏi vẫn phải có quả cau lá giầu làm sính lễ. Trong tiệc cưới, những cô dâu xinh xinh mi ướt bẽn lẽn bưng đĩa trầu têm cánh phượng đi mời quan viên hai họ. Những người không biết ăn trầu cũng cầm lấy một miếng mà ngắm nghía xuýt xoa. Chợt nhớ đến một bài hát quan họ với lời ca thật thiết tha, ngọt ngào:
Gặp đây ăn một miếng trầu
Không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng.
Trầu này trầu tính trầu tình.
Ăn vào cho đỏ môi mình, môi ta.
Hay:
Trầu này trầu của em têm
Anh xơi một miếng càng thêm mặn nồng.
Ừ thôi, thì cầm lấy đi cho nhau vừa lòng... Mấy cô bé không ăn trầu mà má cũng hồng rực, môi cũng đỏ son, mắt cũng nồng nàn như say. Biết đâu từ sau đám cưới này lại có những người thành đôi?
Chỉ có những chị hai xinh của quan họ mới rụt rè, khiêm nhường đến thế. Hãy nghe Hồ Xuân Hương mạnh dạn thế này:
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương đã quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi
(Mời trầu)
Cũng là mời trầu, nhưng cô gái quan họ ở trên kia tình tứ, lúng liếng, ngọt ngào biết bao nhiêu còn Hồ Xuân Hương lại chua chát, đáo để bấy nhiêu. Trầu thì hôi, cau thì nhỏ mà mời lại cứ dấm dẳng như muốn dúi vào tay người ta, như muốn dọa, muốn đe người ta vậy. Kiểu như ăn thì ăn, không ăn thì thôi, đừng bạc bẽo quá. Mời thế, chắc chỉ người tri kỉ, từng trải hoặc đã từng biết đến nàng thi sĩ của Cổ Nguyệt Đường mới dám nhận thôi, còn những kẻ giăng gió đa sự chắc cũng phải rút lui trong hổ thẹn... Trong văn học Việt Nam chắc cũng chỉ có mình Hồ Xuân Hương như thế. Nhưng cũng không thể trách nàng.
Trải qua bao lạnh lùng của kiếp chồng chung, nhân duyên không trọn vẹn, tuổi xuân vùn vụt trôi, lòng đã ngấm bao đắng cay của phận hẩm duyên ôi nên lời nói đầu môi cũng thành ra chao chát. Ẩn sâu trong đó lại là một khát khao cháy bỏng có một mối duyên thắm đỏ như khi trầu cau quấn quyện. Khi ấy ta bỗng thấy thương nàng xiết bao!
Có một người con gái cũng cá tính, đáo để như thế khi viết về tình chị, duyên em:
Chị thản nhiên mối tình đầu
Thản nhiên em nhặt bã trầu về têm
(Chồng chị, chồng em – Đoàn Thị Lam Luyến)
Giời ơi! Cái bã trầu thì còn gì nữa đâu? Nhưng mà thôi, cũ người mới ta, đem về têm lại, thêm cau, thêm giầu cho thắm, thêm vôi cho nồng, chắc vẫn đủ cho thành môi cắn chỉ quết trầu, vẫn say được lòng những người nặng tình, nặng nợ. Cái sự thản nhiên kia khiến ta xót xa nhưng cũng cảm phục xiết bao bởi sự bao dung, vị tha đến thách thức dữ dội, mãnh liệt trong đó...
... Lan man mãi chuyện miếng trầu mới nhớ ra miếng trầu cầm về từ đám cưới hôm trước. Cánh hồng đã héo, cau đã se se, lá vừa chớm xám. Nhưng nhớ đến nụ cười lúng liếng của người mời trầu nên mình vẫn quyết định ăn thử. Một vị vừa ngọt, vừa the cay xộc đến. Và rồi hình như cũng say say... Chợt tủm tỉm mà nhớ đến những câu thơ này của Phan Thị Thanh Nhàn:
Các cụ ông say thuốc
Các cụ bà say trầu
Còn con trai con gái
Chỉ nhìn mà say nhau.
Nguyễn Thị Thu Hiền
Các tin khác
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên phạm vi toàn quốc.
Một Festival nội dung rất đa dạng, phong phú tôn vinh Đờn ca tài tử lần đầu được tổ chức ở tầm quốc gia (từ 20 đến 24/4/2014) tại quê hương Nhạc sĩ Cao Văn Lầu và Công tử Bạc Liêu.
Trong số 9 thí sinh tập luyện cho đêm thi đầu tiên của Vòng Gala, Quốc Trung ấn tượng nhất với Nhật Thủy và Yến Lê
Tại Hội nghị công tác 2014 của Bộ VH-TT-DL tổ chức ở Hà Nội hôm qua (10.1), ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết hiện đề án cấp thẻ hành nghề biểu diễn đã được thông qua.