“Xuân đã về”: Chương trình đặc sắc đêm giao thừa
- Cập nhật: Thứ năm, 23/1/2014 | 8:17:53 AM
Nhân dịp đón Xuân Giáp Ngọ Đài TH KTS VTC thực hiện Cầu truyền hình với chủ đề “Xuân đã về” vào đêm giao thừa. Đây là chương trình đặc biệt kết nối các vùng miền cả nước trong một cảm xúc Xuân dâng trào.
|
Nền văn minh lúa nước của người Á Đông “ấn định” Tiết Nguyên Đán, sau này gọi là Tết Nguyên Đán là tiết quan trọng nhất khởi đầu một chu kỳ canh tác, gieo trồng. Thuận theo lẽ tự nhiên như vậy mà Tết còn được người phương Đông quan niệm là mùa của sinh sôi, nảy nở, của giao hòa đất trời và là dịp gia đình đoàn tụ, sum vầy.
Trong không khí giao hòa của trời đất dịp Xuân về, mỗi vùng miền trên dải đất hình chữ S lại có những cách thức đón năm mới riêng, đặc sắc văn hóa, phong tục mỗi miền. Trong nguồn mạch cảm xúc Xuân trào dâng muôn nơi, Cầu truyền hình “Xuân đã về” đêm 30 Tết năm nay của Đài VTC sẽ là cầu nối khán giả cả nước, triệu trái tim sẻ chia cùng xúc cảm, từ không khí sum họp đón Tết thân thuộc, gần gũi trong mỗi gia đình bên mâm cơm tất niên, đến niềm hân hoan, náo nức trên mọi nẻo đường, từ nông thôn đến thành thị, từ trung tâm thủ đô tưng bừng ánh sáng đến cả những vùng miền gian khó người dân phải gánh chịu bão lũ thiên tai năm qua, những câu chuyện chân thực và xúc động của họ, những ước vọng nhỏ bé hay lớn lao trong khoảnh khắc đón chào năm mới.
Hòa nhạc dân tộc: nối cảm xúc Xuân khắp mọi miền
Xen kẽ xuyên suốt Cầu truyền hình là một chương trình ca nhạc đặc biệt. Đó là lần đầu tiên những bản nhạc kinh điển về mùa xuân, tình yêu của thế giới và Việt Nam sẽ được dàn dựng và biểu diễu với quy mô lớn bởi dàn nhạc dân tộc Việt Nam bằng các nhạc cụ dân tộc truyền thống.
Từ Trống hội ngày xuân, Giai điệu quê hương, Lý ngựa ô cho đến Happy New year, Hungari dance, Volga xinh đẹp, Radetzky March, Crazdas, Vung roi quất ngựa, Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ,… sẽ da diết, dồn dập vang lên lắng đọng trong trái tim mỗi người con đất Việt.
Những bản nhạc được ví như sợi dây vô hình kết nối mọi người dù người Việt Nam hay nước ngoài, dù đang sinh sống trên dải đất hình chữ S hay khắp thế giới xích lại gần nhau hơn để cùng đón khoảnh khắc chuyển giao năm cũ- năm mới ấm áp, thiêng liêng.
Kho tàng nhạc cụ Việt Nam vốn gắn liền với âm nhạc cổ truyền từ xa xưa nhưng vào những năm 60 của thế kỷ trước, hình thức hòa tấu nhạc cụ dân tộc với quy mô lớn bắt đầu phát triển mạnh. Không chỉ hòa tấu những tác phẩm trong nước, nhiều tác phẩm phương Tây cũng đã được chuyển biên, biểu diễn để khai thác sự phong phú, đa dạng cũng như khả năng diễn tấu của các nhạc cụ dân tộc tạo nên một sân khấu âm nhạc hoành tráng, đa dạng và mới lạ.
Và trong khuôn khổ chương trình này, những bản nhạc bất hủ như Mùa xuân nằm trong tổ khúc 4 mùa của nhà soạn nhạc trứ danh người Ý Vivaldi hay bản Mùa xuân của Mozart đã từng được biểu diễn bởi các dàn nhạc giao hưởng trong các nhà hát lớn khắp thế giới, nay lại thể hiện bởi các nghệ sĩ Việt Nam trên các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống của Việt Nam trong một không gian được dàn dựng thiết kế đầy công phu, rực rỡ và đẹp mắt.
Chắc hẳn rằng, những người con Việt Nam xa xứ sẽ có cảm giác thật gần gũi và ấm lòng khi nghe dàn nhạc dân tộc biểu diễn những tác phẩm bất hủ về mùa xuân trên những nhạc cụ vốn rất đỗi gắn bó với người Việt Nam vào thời khắc thiêng liêng đêm 30 Tết này. Còn những người sống tại Việt Nam hẳn sẽ bất ngờ thú vị khi bắt gặp hình ảnh các nghệ sĩ vận áo dài, khăn xếp chơi các bản nhạc cổ điển phương Tây trên những chiếc đàn tì bà, đàn tranh, tam thập lục hay sáo trúc thân quen với quê hương mình.
Cầu truyền hình “Xuân đã về” được sản xuất và ghi hình toàn bộ bằng công nghệ HD với mong muốn mang đến cho khán giả cả nước những hình ảnh, âm thanh sống động, sắc nét như thật, để cùng cả nước sẻ chia mạch cảm xúc Xuân nồng nàn trong thời khắc thiêng liêng đón năm mới.
Có tất cả 6 điểm cầu dọc theo ba miền Bắc – Trung – Nam. Tại Hà Nội có hai điểm cầu cố định ở trường quay S4 và bờ hồ Hoàn Kiếm, các điểm khác sẽ di động trong nội thành như: Bệnh viện Việt Đức, sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, Công trình cầu Nhật Tân. Hai điểm cầu lớn còn lại sẽ là Đà Nẵng (Cầu Sông Hàn, Phố cổ Hội An) và Thành Phố Hồ Chí Minh (đường hoa Nguyễn Huệ, nhà dân tại đường Tôn Đức Thắng).
Cầu truyền hình “Xuân đã về” còn có sự tham gia của những khách mời nổi tiếng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, các vị chính khách… đến để cùng nhìn lại, trò chuyện về những sự kiện, vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội Việt Nam trong năm 2013 cũng như những kỳ vọng về Việt Nam trong năm 2014.
Chương trình được phát sóng từ 18h30 trên kênh VTC14 và các kênh khác tối 30 Tết (ngày 30/1/2014).
(Theo VnMedia)
Các tin khác
YBĐT - Đã qua cái thời tiếng hát át tiếng bom, phong trào ca hát phát triển rộng khắp các làng quê Hán Đà, Yên Bình, Yên Bái đã tạo ra một sức sống mới khiến người ta thấy yêu hơn cuộc sống này, gắn bó hơn với người quê và đồng đất quê mình...
YBĐT - Chiếu phim lưu động là một hoạt động được Nhà nước tài trợ nhằm truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những giá trị văn hóa tinh thần đến với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo nơi vốn phải chịu nhiều thiệt thòi về đời sống văn hóa tinh thần.
Tối 21/1, giải Lân Sư Rồng toàn quốc lần thứ I năm 2014 do Tổng cục Thể dục Thể thao phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức đã chính thức khép lại sau một ngày tranh tài tại Công viên sông Hậu, quận Ninh Kiều.
Chào xuân Giáp Ngọ, Nhà hát Tuổi trẻ giới thiệu chương trình hài kịch – ca nhạc mang tên “Táo cười đón xuân”, bắt đầu từ tối 7-2 (mùng 8 Tết). Chương trình do Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Chí Trung và “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng dàn dựng.