Người Tày Đông hồ đón tết truyền thống
- Cập nhật: Thứ tư, 29/1/2014 | 8:51:57 AM
YBĐT - Tết của đồng bào Tày vùng Đông hồ cũng như đồng bào Tày ở các địa phương trong tỉnh từ xa xưa đến nay đều ăn chung một tết cổ truyền của dân tộc và luôn giữ được những nét đẹp văn hóa riêng của mình.
Điệu múa xòe cổ của người Tày biểu diễn phục vụ khách trong dịp lễ, tết.
|
Những ngày cuối năm, chúng tôi về vùng Đông hồ Thác Bà cùng hòa vào không khí chuẩn bị ăn tết, đón xuân mới của đồng bào Tày. Hai bên đường từ xã Vĩnh Kiên qua Vũ Linh, Phúc An, Yên Thành, Cảm Nhân, Tích Cốc… hoa đào, hoa mai, hoa mận dưới tán hàng cau trước những căn nhà sàn “cổ” của người Tày đang khoe sắc rực rỡ, từng đoàn người đổ về các chợ trung tâm xã để mua sắm hàng tết tấp nập như trảy hội. Trong dòng người đó có rất đông những chàng trai, thiếu nữ Tày mặc quần áo vải bông nhuộm chàm đen, đội khăn xếp với rất nhiều đồ trang sức sặc sỡ trên người như vòng bạc cổ, vòng bạc tay, xà tích… cùng vào chợ mua sắm tết.
Cũng như hàng ngàn hộ người Tày ở vùng Đông hồ, hộ gia đình ông Vương Trọng Điền (dân tộc Tày) ở thôn 1, xã Tích Cốc đang gấp rút chuẩn bị thực phẩm, đồ vật trang trí bày mâm ngũ quả, rửa lá dong, lá chít, ngâm gạo nếp… làm cỗ cúng bày lên bàn thờ thắp hương cúng mời tổ tiên về ăn tết. Dừng tay pha trà mời khách, ông Điền chậm rãi nói về phong tục chuẩn bị tết, ăn tết của người Tày vùng Đông hồ: “Để chuẩn bị cho tết Nguyên đán hàng năm, từ xa xưa các hộ người Tày vùng Đông hồ đều chuẩn bị gà thiến, gà trống và thịt lợn, gạo nếp, gạo tẻ, quần áo, đồ trang sức... để vui tết đón xuân mới.
Một trong những phong tục không thể thiếu được của người Tày là lấy nước mới để cầu năm mới cho mọi thành viên trong gia đình đều được khỏe mạnh, may mắn, học hành, công tác, làm ăn phát đạt hơn năm cũ. Thông thường chiều 30 tết, mọi nhà đều chuẩn bị mâm cơm đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên, sau đó, chủ nhà đổ hết nước cũ trong các thùng, bể, máng đựng nước đi để chuẩn bị thay nước mới cùng gia đình ăn cỗ chờ đón giao thừa, con cháu chúc sức khỏe ông bà, cha mẹ sống lâu trăm tuổi.
Đến khoảng 5 giờ sáng, chủ nhà dậy thắp hương cắm lên bàn thờ, rồi lấy hương và ít tiền vàng đem ra giếng ăn hàng ngày hoặc máng lần dẫn nước từ đầu nguồn về nhà, cắm hương xuống cạnh giếng, máng nước khấn trời, đất xin nước năm mới để sinh hoạt, ăn, uống gặp nhiều may mắn. Sau đó, chủ nhà đốt tiền vàng rồi đem nước về nấu cơm, đun nước, sắp mâm lên bàn thờ cúng tổ tiên, mời tổ tiên ăn tết, phù hộ cho con cháu, gia đình mạnh khoẻ, gặp nhiều may mắn, học hành, công tác, làm ăn tiến bộ hơn năm cũ... ”.
Những ngày này, hộ người Tày nào ở vùng Đông hồ cũng tất bật mua hàng hóa chuẩn bị cho cái tết được ấm cúng. Chị Nông Thị Yến ở xã Phúc An (Yên Bình) đang đi chợ mua sắm rượu, mứt, hương hoa, trầu cau... mang về chuẩn ăn tết đón xuân mới mộc mạc: “Mình không biết kể thế nào cho nó đúng phong tục đâu, gia đình mình đây cũng như nhiều hộ đồng bào Tày ở vùng này, năm nào cũng phải chuẩn bị cho cái tết sớm lắm. Từ bao đời nay rồi, cứ ăn Rằm tháng 7 Âm lịch xong các hộ đều chọn để dành mấy con gà và một con lợn nuôi chuẩn bị cho ăn tết cổ truyền. Tết năm nay nhà mình cũng mổ một con lợn khoảng 60kg và một hai đôi gà, tùy theo khách đến chơi nhiều thì làm nhiều cỗ hơn. Ngày xưa, các cụ, các bà của mình còn trồng bông dệt vải may quần áo để dành đến tết cho mỗi đứa con một bộ quần áo mới mặc. Bây giờ chỉ cần mua vải về nhuộm chàm may mặc trong dịp lễ thôi, ngày thường thấy ít người mặc rồi...”.
Những hộ khá giả như chị Yến thì chuẩn bị 1 con lợn từ 60- 90 kg, trên 20 kg gạo nếp, đỗ xanh và từ 2- 3 đôi gà để ăn tết. Còn các hộ không có điều kiện thì cũng phải mổ một con lợn từ 20- 30 kg hoặc đi “ăn đụng” nửa đùi, 1 đùi lợn để ăn tết. Từ ngày 25- 30 (âm lịch) đồng bào bắt đầu mổ lợn, mổ gà, làm bánh chưng, bánh dợm, bánh nẳng, thịt chua, mua sắm rượu, hoa quả, mứt tết bày lên bàn thờ mời tổ tiên về đón xuân mới cùng gia đình.
Phong tục mổ lợn ăn tết của người Tày ở đây khá đặc biệt. Nhà ông bà, bố mẹ sẽ mổ lợn trước, con cháu đến cùng gói bánh, thổi xôi, mổ gà làm mâm cơm cúng. Sau đó, chủ nhà để nguyên mâm cúng trên bàn thờ và cho phép con cháu sắp mâm đã chế biến các món như: thịt gà, lòng lợn, tiết canh, chả nướng lên mời khách uống rượu ăn tết.
Sau bữa cơm tết ở nhà ông bà, bố mẹ, nhà nào cũng làm cơm cúng tổ tiên mời ông bà, bố mẹ, thông gia, anh em, bà con hàng xóm đến ăn tết. Sáng mồng 1 tết, con cháu dậy chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên xong, cả gia đình cùng nhau mang rượu, mứt, bánh chưng, gà, thịt lợn đến tết ông bà, bố mẹ đẻ, bố mẹ bên vợ. Buổi chiều, thanh niên nam, nữ, người già, phụ nữ bắt đầu tham gia vui chơi các trò chơi địa phương tổ chức như: ném còn, chơi quay, đánh cầu lông gà, chơi bóng đá, bóng chuyền, hát Cọi, làm Then, hát giao duyên... đến hết ngày 3 hoặc mùng 4 tết theo lịch ăn tết chung của cả trong cả nước.
Tết của đồng bào Tày vùng Đông hồ cũng như đồng bào Tày ở các địa phương trong tỉnh từ xa xưa đến nay đều ăn chung một tết cổ truyền của dân tộc và luôn giữ được những nét đẹp văn hóa riêng của mình. Ra xuân, đồng bào Tày Đông Hồ lại mở Hội Lồng Tồng (xuống đồng) thi đua lao động, sản xuất làm ra nhiều của cải vật chất để cuối năm đón xuân mới, ăn tết to hơn vui hơn năm trước.
Trường Phong
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định số 199/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.”
Trong 15 ngày Tết, mỗi ngày đều có một ý nghĩa riêng. Hãy cùng đi tìm ý nghĩa đặc biệt của từng ngày Tết trong tâm thức người Việt…
Sau 2 năm phát sóng, chương trình 12 con giáp đã ghi dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả truyền hình mỗi dịp Tết đến xuân về. Năm nay, chương trình 12 con giáp sẽ được phát sóng vào 20h ngày mùng 1 Tết trên VTV3.
Điểm nhấn nổi bật ở cuối đường hoa là mô hình chiếc máy bay lướt trên đường băng hoa thể hiện khát vọng vươn lên của TP Cần Thơ.