Triển lãm ảnh Việt Nam từ thế kỷ 19

  • Cập nhật: Thứ bảy, 22/3/2014 | 9:23:03 AM

Hơn 100 bức ảnh đen trắng do các nhà nhiếp ảnh Pháp chụp tại Việt Nam từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 được trưng bày tại Paris tối ngày 20-3 để giới thiệu về đời sống sinh hoạt và phong cảnh của Việt Nam những năm xưa.

Chùa Một Cột năm 1898.
Chùa Một Cột năm 1898.

Tham dự triển lãm “Pháp-Việt Nam: Bốn thập kỷ quan hệ - Vai trò của các nhiếp ảnh gia tiên phong ở Việt Nam” tại Trung tâm tiếp nhận và nghiên cứu lưu trữ quốc gia Pháp (CARAN) có Hoàng thân Đan Mạch Henrik – người mang ba dòng máu Đan Mạch-Pháp-Việt Nam; bà Agnès Magnien, Giám đốc Viện Lưu trữ quốc gia Pháp; ông Pierre Gény, Thư ký thường trực của Viện Khoa học Hải ngoại Pháp (ASOM), Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng và nhiều bạn bè Pháp và đại diện cộng đồng người Việt ở Pháp.

Các bức ảnh triển lãm được chỉnh sửa và phóng to từ những bản gốc do các nhiếp ảnh gia người Pháp như Émile Gsell, Gustave Ernest, Trumelet-Faber, Charles-Édouard Hocquard, Aurélien Pestel, Firmin-André Salles và Pirre Dieulefils chụp tại Việt Nam trong nhiều năm từ cuối thế kỷ thứ 19 tới đầu thế kỷ 20.

Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Pierre Gény, Thư ký thường trực của Viện Khoa học hải ngoại Pháp, cho rằng, triển lãm ảnh này là một hoạt động rất có ý nghĩa góp phần giới thiệu những hình ảnh về Việt Nam ngày xưa tới người dân Pháp nhân dịp Năm Việt Nam được tổ chức tại đây. Theo ông, những bức ảnh chân thực từ hàng trăm năm trước là những nhân chứng lịch sử, giúp mọi người nhìn nhận, nghiên cứu và đánh giá lại những thông tin đã có trước đây.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc triển lãm ảnh này và cho rằng hoạt động này làm phong phú thêm Năm Việt Nam tại Pháp 2014, giúp người Pháp và bạn bè quốc tế thấy được những khoảnh khắc chân thực khi xưa ở Việt Nam.

“Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và những trao đổi, giao lưu văn hóa như thế này cho thấy vai trò định hướng của tình hữu nghị đoàn kết giữa hai dân tộc và sẽ góp phần cho việc xây dựng ký ức chung về một thời kỳ lịch sử đầy những thăng trầm mà hai dân tộc chúng ta đã biết vượt qua để xây dựng những mối quan hệ phong phú và gắn bó", Đại sứ Dương Chí Dũng nói.

Theo Đại sứ Dương Chí Dũng, những trao đổi, giao lưu văn hóa có ý nghĩa như thế này đã góp phần quan trọng đưa hai nước trở thành Đối tác chiến lược và cần được tiếp tục trong thời gian tới.


Các đại biểu Việt Nam và Pháp tại triển lãm.

Khách thăm quan triển lãm có thể thấy những khung cảnh rất khác nhưng đầy cuốn hút về đất nước Việt Nam từ nhiều thập kỷ trước. Các nhà nhiếp ảnh Pháp dù có những người không phải là chuyên nghiệp đã ghi lại những khoảnh khắc chân thực và thật đẹp từ cuộc sống hằng ngày, hàng thủ công, trang phục truyền thống của các dân tộc cho tới các di tích và phong cảnh như Hồ Gươm, chùa Một Cột, đền Voi Phục, Ngọ Môn, thành Hà Nội, mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Hoàng thân Đan Mạch Henrik, người được đề cử làm Chủ tịch danh dự cho các hoạt động trong năm giao lưu chéo Việt Nam tại Pháp, bày tỏ sự xúc động khi nhìn thấy quang cảnh gợi nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ ở Hà Nội. Đối với ông, thời gian sống ở Hà Nội đầy ắp những kỷ niệm và Việt Nam luôn ở trong tâm trí, thật gần gũi và thân thương.

Chị Loan de Fontbrune, một chuyên gia về nghệ thuật tham gia tổ chức và điều hành cuộc triển lãm tại Paris, cho biết, chị cùng với ban tổ chức đã dành nhiều thời gian để lựa chọn những bức ảnh đặc sắc nhất từ hàng nghìn bức do người Pháp chụp. Theo chị, những người Pháp và Việt có người thân sinh sống ở Việt Nam những năm xưa rất cảm động khi nhìn thấy hình ảnh Việt Nam ngày trước.

Chị cho biết: "Mục đích của chúng tôi khi tổ chức triển lãm này là giúp những người trẻ sống ở Việt Nam hay ở Pháp có thể thấy đất nước Việt Nam ngày xưa rất đẹp và có những phong tục rất quý vì vậy cần phải gìn giữ và quảng bá ra thế giới".

Triển lãm ảnh là một phần trong một loạt các sự kiện được Viện Khoa học hải ngoại Pháp phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm Năm giao lưu chéo Pháp-Việt 2013-2014.

Triển lãm do Viện Lưu trữ Quốc gia Pháp với sự bảo trợ của Viện Khoa học hải ngoại Pháp gồm hai phần: chiếu các đoạn video thu hình từ những tấm pa-nô từng được trưng bày ở Hà Nội và Viện bảo tàng Mỹ thuật ở Sài Gòn trong năm 2013 và hơn 100 bức ảnh do người Pháp chụp.

Cuộc triển lãm này kéo dài tới ngày 20-5 sẽ đem lại cho công chúng yêu mến Việt Nam một cái nhìn sâu hơn về đất nước, con người Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

(Theo NDĐT)

Các tin khác

Ông Ngô Hòa - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trưởng ban tổ chức Festival Huế 2014 - cho biết đến ngày 19-3 đã có 37 quốc gia thuộc năm châu lục với 46 đoàn nghệ thuật chính thức tham gia Festival Huế 2014 (tăng chín quốc gia và sáu đoàn nghệ thuật so với festival năm 2012) cùng với hàng chục đoàn nghệ thuật của các tỉnh thành trong nước.

Tiếp tục hành trình thực hiện ước nguyện của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời là mang âm nhạc của ông đến với đông đảo khán giả, gia đình Trịnh Công Sơn một lần nữa phối hợp cùng Phú Mỹ Hưng, Công ty CP Tập đoàn truyền thông Thanh Niên và Le Bros tổ chức đêm nhạc kỷ niệm 13 năm ngày nhạc sĩ tài ba họ Trịnh ra đi (vào đêm 5.4.2014 tại công viên Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng,

Trong tác phẩm “Mẫu Ỷ Lan”, tác giả Ngô Ngọc Liễn đã nhấn mạnh đến những nét độc lập về văn hóa của “thời đại Ỷ Lan”.

Trang bìa cuốn

Tự truyện “Tôi đi học” của tấm gương Nguyễn Ngọc Ký sẽ được tái bản và chọn ra mắt trong Hội sách Tp. Hồ Chí Minh lần thứ 8.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục