Bến Âu Lâu huyền thoại

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/4/2014 | 7:49:26 AM

Trong chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái tự hào đã có những đóng góp xứng đáng cả về nhân lực, vật lực. Trong đó, đặc biệt phải kể đến những ngày đêm kiên cường, không quản gian lao trên bến Âu Lâu huyền thoại, cửa ngõ đi vào chiến dịch.

Tượng đài di tích lịch sử Bến Âu Lâu
Tượng đài di tích lịch sử Bến Âu Lâu

Thực hiện mở rộng tuyến đường 13 từ Việt Bắc qua Yên Bái lên Tây Bắc theo nhiệm vụ Trung ương giao, từ tháng 8 đến hết tháng 10 năm 1953, tỉnh Yên Bái đã huy động gần 125.000 lượt người, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công binh ngày đêm xẻ núi, phá đá, bắc cầu, làm mới và sửa chữa 188km đường. Cùng với nhiệm vụ mở đường, quân và dân Yên Bái phải bảo đảm giao thông thông suốt từ hậu phương tới mặt trận, trong đó có bến phà Âu Lâu, nơi đưa các loại vũ khí hạng nặng như: pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe ô tô chở đạn dược, khí tài quân sự vượt sông Hồng vào tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Từ 11/1953 - 5/1954, thực dân Pháp tập trung bắn phá ác liệt bến Âu Lâu suốt 200 ngày đêm với 2.700 tấn bom đạn. Để đảm bảo giao thông, vừa chống trả địch, tỉnh Yên Bái vừa huy động nhân dân trong vùng tập trung vật liệu bắc cầu phao qua sông, đồng thời tăng tần xuất những chuyến phà. Chỉ trong một thời gian ngắn, với những nỗ lực tuyệt vời, mỗi chuyến phà qua sông từ 30 phút giảm xuống còn 15 phút, từ chỗ đưa 8 - 9 xe qua sông một đêm lên tới 30 - 50 xe một đêm, có đêm đạt tới 93 xe qua phà. Tốc độ vận tải cho chiến trường từ 3km/giờ tăng lên 13km/giờ…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đi qua đây đã biểu dương tinh thần sáng tạo, khắc phục khó khăn gian khổ ác liệt để hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng đảm bảo giao thông Yên Bái. Ông Phạm Trung Tốn là một trong những người trực tiếp điều khiển những chuyến phà năm ấy. Gặp lại ông những ngày này tại xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái thấy ông vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Những kí ức trong ông vẫn rõ nét như mới chỉ diễn ra ngày hôm qua. "Buổi chiều khoảng hơn 4 giờ, nhân dân hai bên bờ đông vui, nào là phà máy, thuyền nan chở pháo, vũ khí, dân công, bộ đội qua sông. Pháo, vũ khí hạng nặng chủ yếu là đi phà và đi ban đêm. Lúc ấy máy bay địch thả biệt kích, thả pháo sáng nhưng anh em không sợ"- Ông Tốn nhớ lại.

Bến Âu Lâu là nơi đoàn xe đạp thồ T20 nổi tiếng của tỉnh Phú Thọ với 100 người thường xuyên chở gạo từ Yên Bái sang nhập kho ở chân đèo Pha Đin. Nơi các chiến sĩ trung đoàn “Tất thắng” đưa những khẩu trọng pháo hạng nặng 105 ly tiến vào mặt trận Điện Biên Phủ. Nơi Đại đoàn Bến Tre với những khẩu pháo lớn và những chiếc xe GMC chiến lợi phẩm của Chiến dịch biên giới được ngụy trang hành quân qua... Cùng với đó là biết bao vũ khí đạn dược, các phương tiện cơ giới đi vào mặt trận. 

Tính từ tháng 4/1952 cho tới khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có tới 300.000 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm cùng hàng vạn lượt bộ đội, dân công qua bến Âu Lâu an toàn. Ngoài những chiếc phà ròng rã vận chuyển, phải kể đến đội quân hàng trăm lái đò, lái thuyền là người dân địa phương. Ban ngày lao động, sản xuất, chăm sóc bộ đội, ban đêm lại hăng hái ra bến Âu Lâu chở bộ đội và phương tiện, vũ khí qua sông.

Ông Đặng Ngọc Chi, 87 tuổi ở phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái, từng là chính trị viên Đại đội 395, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 đến nay vẫn còn nhớ rõ những ngày hành quân qua Âu Lâu 60 năm trước. Ông Chi kể: "Lúc ấy chỉ có mỗi con đường từ bến sông lên, địch bắn phá, cày hết ngày này qua ngày khác. Chúng tôi được hàng trăm chiếc thuyền của bà con trong khu vực Âu Lâu đưa qua. Chỉ trong hơn 1 tiếng đồng hồ mà cả trung đoàn đã qua được sông để đi vào chiến dịch…".

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Yên Bái huy động hơn 31.600 lượt dân công, trung bình cứ bốn người dân thì có một người đi phục vụ chiến dịch. Một xã nhỏ như Âu Lâu có chưa đầy 300 hộ mà có 300 lượt người đi dân công lên chiến trường. Những người ở lại địa phương thì ra bến sông trực tiếp chiến đấu, vận chuyển bộ đội, vũ khí vào chiến trận. Chị em phụ nữ khi ấy tham gia rất đông, vừa chăm lo gia đình, chăm sóc thương binh, tối về lại ra bến sông chèo đò phục vụ chiến đấu.

Bà Nguyễn Thị Phê, 85 tuổi ở phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái nhớ lại: "Cả đoàn thuyền chúng tôi có tới mấy trăm chiếc. Ban ngày thì đưa thuyền đi nấp, ban đêm mới ra vận chuyển. Nguy hiểm cũng làm, phải vững tâm mà làm".

Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, quân và dân Yên Bái nhận được tặng thưởng Huân chương Chiến công. Bến Âu Lâu đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2012. Bên cạnh dòng sông Hồng yên ả, thanh bình, nhân dân Yên Bái xây dựng tượng đài “Bến Âu Lâu lịch sử” với hình tượng người thợ phà tay giữ mỏ neo, một phụ nữ tay nắm chắc mái chèo và một anh bộ đội trong khí thế hào hùng. Dưới tượng đài, nhân dân Yên Bái phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng tỉnh Yên Bái ngày một giàu đẹp, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt trên 11%, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt gần 20,2 triệu đồng. Đặc biệt xã Âu Lâu và phường Nguyễn Phúc (hai địa phương đầu bến Âu Lâu xưa) đã thay đổi bộ mặt hoàn toàn, cơ sở hạ tầng được đầu tư, đời sống nhân dân ấm no.

Ông Lê Ái Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Âu Lâu cho biết, phát huy truyền thống anh hùng, xã đã tích cự tập trung thực hiện các mục tiêu xây dựng xã ngày một phát triển. Tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để tăng thu nhập, khuyến khích nhân dân mở rộng các loại hình dịch vụ, tranh thủ các nguồn đầu tư để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần…

Bến Âu Lâu lịch sử mãi mãi là biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng; là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái.

(Theo VOV)

Các tin khác
Hoạt động ca Huế trên thuyền rồng tại sông Hương.

Chương trình tôn vinh ca Huế “Âm sắc Hương Bình” là một trong những điểm nhấn quan trọng của Festival Huế 2014.

Từ trái qua, Josh Hutcherson, Zac Efron và Tris Prior.

Sáng nay, 14-4 (giờ VN) lễ trao giải MTV Movie Award 2014 đã diễn ra tại Nhà hát Nokia, Los Angeles, Mỹ với chiến thắng áp đảo dành cho phim "The Hunger Games: Catching Fire" (tạm dịch: The Hunger Games: Bắt Lửa) với 3 chiến thắng ở các hạng mục.

Cán bộ Trung tâm văn hóa tỉnh, tích cực tuyên truyền kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ bằng hình thức cổ động trực quan.
Trong ảnh: Treo áp phích cổ động tuyên truyền trên đường Điện Biên (TP Yên Bái). Ảnh: Linh Anh

YBĐT - Cùng với các địa phương khác trong cả nước, những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã và đang tích cực tổ chức nhiều hoạt động tiến tới chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có quyết định cho phép Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre phối hợp với Trường Đại học KHXH&NV thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khai quật khảo cổ học đối với ngôi mộ cổ ở khu phố 2, thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách kể từ 15/4 đến 15/5/2014.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục