Triển lãm tượng gốm cổ Việt Nam
- Cập nhật: Thứ tư, 23/4/2014 | 7:44:30 AM
Triển lãm “Tượng gốm cổ Việt Nam” sẽ trưng bày 70 hiện vật có niên đại cách ngày nay khoảng 4000 năm. Khai mạc sáng 22/4 tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Triển lãm sẽ kéo dài khoảng 3 tháng.
Triển lãm giúp khách tham quan có thêm hiểu biết về nghệ thuật điêu khắc tượng gốm cổ Việt Nam qua các thời kỳ, qua đó có cái nhìn tổng quát về lịch sử hình thành và phát triển nghề gốm Việt Nam từ 4000 năm nay.
Triển lãm “Tượng gốm cổ Việt Nam” trưng bày theo 3 chủ đề: Tượng gốm hiện thực; tôn giáo, tín ngưỡng; trang trí kiến trúc.
Trong đó có các loại ấm, chén, lọ, bình vôi, điếu hút thuốc, đèn thắp sáng hình người, đĩa đèn có ống cắm bấc hình voi, rùa, chậu cảnh hình voi, lọ hoa ốp tường hình tôm, cá; tượng Quan Âm cam lồ, Quan Âm tự tại, Quan Âm thủ quyển, Quan Âm tống tử; tượng thần linh có các loại tượng Tam Đa (Phúc-Lộc-Thọ). Đây là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc nhất đại diện cho từng giai đoạn phát triển của lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử gốm sứ Việt Nam nói riêng.
Mỗi bức tượng thường mang một ý nghĩa biểu trưng riêng, gắn với các niềm tin tâm linh về sức khỏe, bình an, phúc đức, tài lộc cho chủ nhân sở hữu.
Thông qua các bảo vật trưng bày tại triển lãm, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam mong muốn đưa một thông điệp đến người xem, đó là: Gốm cổ không chỉ thể hiện sự tiến hóa phát triển trong đời sống sinh hoạt qua việc chế tạo công cụ phục vụ đời sống mà còn thể hiện nghệ thuật chế tác điêu luyện tinh xảo của các nghệ nhân Việt cổ.
Trong khuôn khổ triển lãm, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng cho ra mắt mẫu biểu trưng mới của mình và hệ thống thuyết minh tự động để giới thiệu các hiện vật trưng bày tại đây. Thiết bị thuyết minh tự động này gồm 50 bài giới thiệu thời điểm lịch sử, sự kiện văn hóa, các hiện vật tiêu biểu, bộ sưu tập tại Bảo tàng, sẽ phục vụ được nhiều đối tượng khách nhau với nhiều ngôn ngữ khác nhau cùng lúc.
(Theo Chinhphu)
Các tin khác
Lễ trao giải Âm nhạc Cống hiến lần 9-2014 do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức sẽ diễn ra vào tối nay, 22-4, tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.
60 năm đã trôi qua, Điện Biên Phủ và Thủ đô kháng chiến năm xưa đã có nhiều đổi thay, nhưng những giá trị về lịch sử, văn hóa vẫn còn nguyên vẹn. Với thời lượng 30 phút, bộ phim khái lược lại chặng đường lịch sử từ ATK Định Hóa đến Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Hai điểm Bưu điện-Văn hóa xã sẽ được khai trương tại đảo Trường Sa và đảo Sinh Tồn để phục vụ thông tin liên lạc cho chiến sỹ và nhân dân các đảo.