Ban trắng miền Tây

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/4/2014 | 8:48:00 AM

YBĐT - Những năm trước đây, bất kể một cánh rừng nguyên sinh nào ở Văn Chấn, Nghĩa Lộ đều có ban mọc. Hoa ban trở thành biểu tượng mùa xuân của núi rừng Tây Bắc. Mùa hoa ban thành mùa lễ hội của gái trai người Thái đất Mường Lò.

“Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui…” - điệu nhạc mở đầu một ngày mới vang trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Giữa những ngày chuẩn bị kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, câu hát càng gợi về một loài hoa được nhắc trong lời bài hát: hoa ban - loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, trong đó có Mường Lò - mảnh đất miền Tây Yên Bái, nơi đã góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng năm xưa.

Trong niềm cảm xúc về loài hoa, lời hát, tôi làm một chuyến xe máy tự lái theo quốc lộ 379, nơi những đoàn dân công hỏa tuyến, những đại đội, trung đoàn chiến sĩ giải phóng Điện Biên đã đi qua năm nào để tới Ba Khe, rồi lại theo quốc lộ 32 vượt đèo Ách, vào Văn Chấn, Nghĩa Lộ.

Những người cao tuổi tôi gặp dọc đường trên đỉnh dốc hang Thẩm Lé, dốc Bồ Hòn chỉ cho tôi những triền đồi thoai thoải hai bên đường, nói trong niềm tiếc nuối: “Những vạt đồi này xưa là những cánh rừng cây hoa ban mọc. Có cây to đến cả người ôm. Mỗi năm, cứ khoảng tháng  Ba Âm lịch, hoa ban bừng nở trắng núi, trắng rừng. Ngày xưa, mùa hoa ban cũng là ngày hội hang Thẩm Lé, trai gái người Thái cùng các dân tộc ở khắp vùng lại tụ về đây chơi hang, di dạo dưới rừng  ban, ngắm hoa, hát trao duyên bằng làn điệu dân ca Thái tha thiết được gọi với cái tên: khắp Thẩm Lé. Nhiều lứa đôi đã nên vợ nên chồng từ những ngày đi hội như thế”.

Bây giờ, nhìn lên các vạt đồi chỉ thấy những nương ngô xuân đang vào kì  xanh lá, những dãy cây nhãn trĩu hoa… Thi thoảng mới gặp vài cây hoa ban tái sinh, mọc xen kẽ trên các mảnh rừng lúp xúp cây bụi. Mới được năm, bảy năm tuổi nhưng trên những búp cành trụi lá, hoa vẫn nở trắng xóa những chùm, những đụn, những bó hoa ban. Đến lúc chạy xe qua khỏi cầu Thia, tôi mới bắt gặp cả một hàng cây hoa ban chạy dọc hai bên đường lên tới đỉnh con dốc bắt vào trung tâm thị xã Nghĩa Lộ. 

Hàng cây ban đang kì nở rộ hoa. Những cánh hoa trắng muốt, tinh khôi như phủ một lượt phấn mờ. Từ trong bông hoa, một cánh hoa nhỏ uốn cong khác lạ như đài nhụy. Ở đấy, cánh hoa hồng lên một dải mảnh có màu đỏ rực như dòng chảy của  máu. Đó là “trinh tiết của người con gái dâng tặng cho người yêu trước khi tuẫn tiết vì bị quan lang ép phải lấy hắn làm chồng. Nhụy hoa như nhắc nhở về sự báo ứng cho người đời đừng có áp đặt tình yêu” mà câu chuyện về sự tích hoa ban để lại cho đời.

Nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian người dân tộc Thái, ông Lò Văn Biến đã kể cho tôi nghe về sự tích hoa ban trong giọng nói thật xúc động, bồi hồi: “Nàng Ban và chàng Khun rất đỗi yêu nhau nhưng cha của nàng Ban không chịu gả cho chàng Khun vì chê anh nghèo. Buồn vì không lấy được người yêu, chàng Khun đã đi khắp các làng bản kiếm tiền, mong sao lấy được nàng Ban. Không may, đến ngày nghe tin dữ về nàng Ban đã chết trước một cửa hang rất to, rất rộng vì thương nhớ người yêu và không chịu bị đem gả cho người khác. Xót thương người yêu, chàng Khun cứ chạy mãi vào rừng, để mặc cây rừng cứa rách tay chân, máu nhuốm đỏ cơ thể, rồi kiệt sức nằm gục chết bên cạnh một cây ban trắng. Cây ban trắng ấy là thân thể nàng Ban hóa thành, còn thân thể chàng Khun đã hóa thành loài hoa ban đỏ”.

Những năm trước đây, bất kể một cánh rừng nguyên sinh nào ở Văn Chấn, Nghĩa Lộ đều có ban mọc. Hoa ban trở thành biểu tượng mùa xuân của núi rừng Tây Bắc. Mùa hoa ban thành mùa lễ hội của gái trai người Thái đất Mường Lò. Ngoài việc ngắm hoa, thưởng hoa, tỏ tình dưới hoa, hoa ban còn được tận dụng làm thành các món ăn thật lạ, thật hấp dẫn du khách đến với Tây Bắc, Mường Lò khi họ chọn thời điểm đến đúng mùa hoa.

Có một điều tôi cứ trăn trở mãi, hoa ban đẹp chẳng kém gì loài hoa anh đào Nhật Bản nhưng sao chẳng được nhìn ngắm những con đường nở rực những hoa ban, những mảnh đồi phủ toàn màu trắng, màu đỏ của loài hoa đặc trưng của vùng Tây Bắc ngay tại Nghĩa Lộ, Văn Chấn hay thành phố Yên Bái? Thiết nghĩ nếu có những khung cảnh như vậy có phải là tạo thành các tuyến đường cho khách thăm quan, làm nên một thương hiệu riêng tại quê hương của loài hoa ban!

Hoài Văn

Các tin khác
Bộ đội Việt Nam vượt qua cầu Mường Thanh tổng công kích quân Pháp đang cố thủ tại hầm ngầm khu trung tâm tập đoàn cứ địa Điện Biên Phủ.

Sáng 24/4, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã trao giải thưởng cho các tác giả đạt giải trong cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014) và 55 năm mở đường Trường Sơn (5/1959-5/2014).

Chiều 24-4, tại Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc, quận 9, TP Hồ Chí Minh, các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh; Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh và đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã cùng trồng 60 cây hoa ban lưu niệm nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2014).

Tối 24-4, liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ 11 đã khai mạc tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. 78 đơn vị phát thanh cả nước đã gửi 271 tác phẩm dự thi.

Soạn giả Trọng Nguyễn nhận hoa chúc mừng từ lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu.

Đây là một trong những điểm nhấn của Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất – Bạc Liêu 2014.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục