Mù Cang Chải bảo tồn văn hóa truyền thống
- Cập nhật: Thứ hai, 26/5/2014 | 8:52:01 AM
YBĐT - Trên 90% dân số là người Mông nên Mù Cang Chải được biết đến với đặc trưng văn hóa Mông, làm nên nét riêng có của huyện vùng cao này. Trong quá trình phát triển của xã hội hiện đại, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải đã không ngừng hội nhập, tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa tiên tiến để tồn tại và phát triển.
Hoạt động văn hóa nghệ thuật trong tuần lễ văn hóa, thể thao, du lịch Danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
|
Song văn hóa truyền thống, đặc biệt là dân ca, dân vũ, nhạc cụ, nghề thủ công truyền thống của đồng bào hiện hay chỉ những người trung niên, người cao tuổi trong bản, trong làng nắm giữ, còn lớp trẻ hầu hết xa rời những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đó là những khởi nguồn cho sự mai một văn hóa dân tộc sau này. Xác định rõ điều đó, huyện Mù Cang Chải đã có nhiều biện pháp tích cực gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Mông - yếu tố làm nên bản sắc của đất Mù Cang.
Chị Triệu Thị Máy - Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: "Trước nguy cơ mai một giá trị văn hóa các dân tộc huyện Mù Cang Chải, đặc biệt là văn hóa dân tộc Mông, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, do đời sống kinh tế nhân dân gặp nhiều khó khăn nên công tác bảo tồn, giữ gìn văn hóa dân tộc Mông còn manh mún và chưa được quan tâm thỏa đáng, chủ yếu dựa vào những người cao tuổi, nghệ nhân dân gian. Xác định việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Mông trên địa bàn huyện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ người Mông về truyền thống lịch sử, văn hóa và làm đậm đà thêm bản sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào, Phòng đã hoàn thành Đề án "Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông, huyện Mù Cang Chải".
Với những nỗ lực trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, đến nay toàn huyện có 40 đội văn nghệ quần chúng, 50 nhà văn hóa cấp xã và thôn bản, tổ dân phố hoạt động thường xuyên, có chất lượng, mỗi năm có trên 180 buổi diễn nghệ thuật quần chúng với các tiết mục văn nghệ do chính đồng bào Mông, các nghệ nhân của các bản biểu diễn. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cũng đã phối hợp với các ngành, các tổ chức mở được các lớp dạy múa khèn, làm khèn... thu hút được các bạn trẻ tham gia.
Chị Triệu Thị Máy cho biết: "Để thực hiện nhiệm vụ gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào thì công tác tuyên truyền vận động vẫn là quan trọng nhất. Bên cạnh các hoạt động chuyên môn nhằm hỗ trợ giữ gìn bản sắc văn hóa, chúng tôi còn thường xuyên vận động chị em phụ nữ và nhất là các bé gái người Mông mặc trang phục truyền thống, nói tiếng Mông chuẩn không pha".
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã làm nên nét độc đáo ở Mù Cang Chải. Hiện nay, huyện cũng đã tổ chức được một số hợp tác xã thổ cẩm vừa tạo thêm thu nhập cho người dân, vừa gìn giữ được nghề. Hợp tác xã thổ cẩm ở Chế Cu Nha là một mô hình tiêu biểu, được thành lập từ năm 2010 với sự hợp tác, hỗ trợ của Trung tâm Craftlink Hà Nội. Sản phẩm của chị em trong hợp tác xã hàng năm được giới thiệu các hội chợ lớn tại Hà Nội, đồng thời Craftlink đặt theo mẫu, hàng làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Công việc đã cho thu nhập ổn định, các chị em dân tộc Mông càng hào hứng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Còn với nghề rèn truyền thống, hiện nay mỗi xã cũng còn trên dưới 10 lò rèn. Hầu hết những người biết nghề đều đã cao tuổi trong khi việc truyền nghề là hết sức khó khăn, bởi thanh niên giờ không còn mặn mà. Tuy nhiên, dù đã có nhiều dụng cụ lao động, dụng cụ gia đình như dao, kéo được sản xuất từ dưới xuôi mang lên có mẫu mã đẹp nhưng có những dụng cụ lao động đặc trưng của người Mông, vì vậy nghề rèn truyền thống vẫn sẽ tiếp tục được gìn giữ và nhiệm vụ đặt ra lúc này là tích cực tuyên truyền, vận động những người trẻ biết yêu và tiếp nối nghề rèn.
Đối với các lễ hội, Phòng Văn hóa - Thông tin lên kế hoạch rà soát, nghiên cứu các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán; hướng dẫn chính quyền các xã phối hợp với nhân dân tổ chức phục dựng và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. Hàng năm, đồng bào vẫn thường xuyên tổ chức các lễ hội như Gầu Tào, Nào cống cùng nhiều trò chơi dân gian, các loại hình dân ca, dân vũ độc đáo...
Những hoạt động này đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân và cộng đồng về việc giữ gìn, xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc, loại bỏ những hủ tục lạc hậu. Tới đây, huyện sẽ từng bước bổ sung các thiết chế văn hóa từ huyện tới cơ sở; gìn giữ, phát huy giá trị các di tích lịch sử, các danh thắng quốc gia; củng cố xây dựng, phát huy các nghề truyền thống; quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng từ Cao Phạ đến Hồ Bốn; xây dựng 2 bản gìn giữ vốn dân ca Mông tại xã Dế Xu Phình, xây dựng 2 đội múa khèn tại xã La Pán Tẩn, Mồ Dề, 2 đội múa Mông tại xã Chế Cu Nha... Cùng với đó sẽ khắc phục những hủ tục lạc hậu tồn tại trong sinh hoạt của cộng đồng. Đó là những hoạt động thiết thực, cụ thể trong gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống.
Việc triển khai thực hiện các hoạt động bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện thời gian qua đã tạo những hiệu quả thiết thực, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần nhân dân, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và ổn định tình hình an ninh - chính trị địa phương.
Minh Tư
Các tin khác
Nhạc sỹ nổi tiếng đề xuất cần nghiên cứu có bản Quốc ca cử âm vừa để tất cả mọi người có thể hát mà không thấy khó ở những nốt nhạc cao.
"Winter Sleep" (Tạm dịch: Ngủ đông), bộ phim tâm lý của đạo diễn Thổ Nhĩ Kỳ Nuri Bilge Ceylan đã vượt qua nhiều "đối thủ" để giành giải Cành cọ Vàng, giải thưởng cao nhất trong Liên hoan phim Cannes 2014.
Giải thưởng dành cho hoa hậu Đại dương Đặng Thu Thảo là 200 triệu đồng tiền mặt, vương miện và nhiều vật phẩm có giá trị khác
Sáng 23-5, tại phòng trưng bày cảng cá Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Trung tâm Bảo tồn biển Cù Lao Chàm tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa - biển đảo của Việt Nam”.