Thêm tự hào thành phố quê hương
- Cập nhật: Thứ tư, 28/5/2014 | 8:36:19 AM
YBĐT - Sau 2 năm phát động (từ tháng 9.2012 đến 7.5.2014), cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về chủ đề “Tự hào thành phố Yên Bái anh hùng” do UBND thành phố Yên Bái phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái tổ chức đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân thành phố.
Khu trung tâm km 5 thành phố Yên Bái.
(Ảnh: Hoàng Đô)
|
Không chỉ góp phần làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân thành phố, cuộc thi “Tự hào thành phố Yên Bái anh hùng” còn nhằm tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa; đồng thời ca ngợi những thành quả xây dựng và phát triển của thành phố trong nhiều năm qua, từ đó khơi dậy niềm tự hào, tin tưởng, gắn bó của cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân với thành phố quê hương; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân thành phố hăng say lao động sản xuất, xây dựng thành phố Yên Bái ngày càng phát triển.
Với số lượng gần 500 tác phẩm dự thi cho 4 thể loại, qua sơ khảo đã chọn được 68 tác phẩm kí, truyện ngắn; 30 tác phẩm thơ, 8 tác phẩm âm nhạc và 117 tác phẩm ảnh nghệ thuật vào chung khảo đã cho thấy sự hưởng ứng, tham gia sáng tác nhiệt tình của các tác giả dự thi. Họ có thể là những người sinh ra, lớn lên, gắn bó công tác, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của thành phố Yên Bái đang chuyển mình với nhịp sống mới; cũng có thể là những văn nghệ sĩ Trung ương mới chỉ có dịp tới thăm mảnh đất này đôi lần… nhưng họ đều có chung một tình yêu, một sự tin tưởng với mảnh đất, con người nơi thành phố cửa ngõ miền Tây Bắc – thành phố bên con sông Hồng cuộn đỏ phù sa, bên bến Âu Lâu đã đi vào lịch sử.
Các tác phẩm ở cả 4 thể loại đã phản ảnh mọi mặt đời sống: truyền thống lịch sử, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp... góp phần làm nên diện mạo thành phố Yên Bái không chỉ giàu truyền thống văn hóa lịch sử, anh dũng kiên cường trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà còn đầy tiềm năng và đang chủ động, sáng tạo trên con đường hội nhập và phát triển.
Có thể thấy rõ điều đó qua các tác phẩm kí: “Hồi ức thành phố” của Ngọc Bái; “Thị xã Yên Bái một thời bom đạn”, “Trên quê hương Tuy Lộc” của Vũ Quang Trung; “Thành phố chuyển mình” của Trần Thi; “Hướng đến một thành phố hiện đại, văn minh” của Quang Văn; “Đi dọc triền sông”, “Nhìn về thành phố” của Hải Đường; “Trên những nẻo đường xuân thành phố”; “Dân phường Nguyễn Phúc vượt khó làm giàu” của Quang Bách…
Một thời hào hùng của quân và dân Yên Bái trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc được thể hiện rõ nhất qua tác phẩm ký "Thị xã Yên Bái, một thời đạn bom" của tác giả Vũ Quang Trung và truyện ngắn "Một đêm thị xã trong chiến tranh" của tác giả Nguyễn Hiền Lương. Nhiều tấm gương dũng cảm trong đội tự vệ chiến đấu phòng không của Nhà máy Cơ khí đã kiên cường đối mặt với kẻ thù hay sự hi sinh anh dũng của Xuân - một cô gái vừa là công nhân, vừa là tự vệ và thanh niên xung kích của Xí nghiệp Đầu máy Hà Lào đã cho thấy sức mạnh và ý chí, quyết tâm của người Yên Bái trong thời chiến.
Nội dung được đề cập nhiều nhất ở thể loại kí là sự vươn lên của Đảng bộ và nhân dân của thành phố Yên Bái trong thời bình. Đó là tấm gương của nhiều cá nhân điển hình và các tập thể tiên tiến đang ngày đêm cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, trong công tác xã hội để góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc dựng xây thành phố Yên Bái giàu đẹp, văn minh. Họ có thể là một bí thư chi bộ nhiệt tình gắn kết tình làng nghĩa xóm, đưa phong trào phát triển lớn mạnh; một chủ nhiệm hợp tác xã sẵn sàng cắm “sổ đỏ” của mình để vay vốn cho HTX hoạt động với mong muốn tạo công ăn việc làm cho con em cựu chiến binh và các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn...
Đó còn là hình ảnh những làng nghề đang vươn mình lớn dậy; là sự cố gắng vươn lên của các ngành, các tổ chức trên địa bàn thành phố như sự vươn lên vững mạnh của các quỹ tín dụng nhân dân, góp phần phát triển kinh tế cho tỉnh nhà và đặc biệt là chỗ dựa cho nông dân vay vốn phát triển kinh tế… Sự đóng góp của nhiều cá nhân điển hình và các tập thể tiên tiến ấy đã làm nên một nhịp sống hối hả, một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tràn đầy niềm tin cho thành phố Yên Bái hôm nay.
Nhiếp ảnh là thể loại có số lượng tác phẩm và tác giả dự thi đông đảo nhất. Các tác phẩm với hình ảnh chân thực, rõ nét; bố cục và góc nhìn độc đáo, chớp được những khoảnh khắc đẹp và sống động; nhiều tác phẩm còn đạt chất lượng cao, mang tính chuyên nghiệp đã phản ánh một cách đa dạng sự thay đổi về đô thị của thành phố.
Qua hình ảnh nhiều công trình xây dựng, nhiều tuyến đường đang khởi công cho thấy tốc độ đổi thay nhanh chóng và vẻ đẹp của thành phố Yên Bái. Các hình ảnh thể hiện truyền thống lịch sử, văn hóa của thành phố cũng được nhiều tác giả trân trọng phản ánh. Rồi hình ảnh một số làng nghề đang phát triển; hình ảnh những người nông dân, công nhân hăng say lao động; hình ảnh tuổi thơ hồn nhiên dưới mái trường, hình ảnh chỉnh trang đô thị, xây dựng nhà văn hóa các khu dân cư... đều được các tác giả trân trọng thu lại vào ống kính với niềm say mê, sáng tạo, tìm tòi, ngợi ca, tôn vinh cái đẹp của cuộc sống.
Không dừng lại ở chỗ thể hiện chân thực cuộc sống đổi mới, vẻ đẹp của con người và thiên nhiên thành phố Yên Bái, các tác giả nhiếp ảnh còn hướng tới những tác phẩm nghệ thuật ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ nhất, có hồn nhất khiến người xem đều thấy yêu hơn, tự hào hơn vẻ đẹp của thành phố quê hương. Có thể nói, chính sự đổi thay, phát triển đi lên từng ngày và nhịp sống hối hả trên thành phố trẻ đã khơi nguồn cảm xúc cho nhiều văn nghệ sĩ hăng say ghi lại, phản ánh một cách đa dạng sự đổi thay với biết bao vẻ đẹp ấy.
Ở mảng thơ, nhạc là sự ghi nhận sự sáng tạo, tìm tòi làm nên những nét mới trong cách diễn đạt cảm xúc của người dân Yên Bái trước sự đổi thay của thành phố và tình yêu với cuộc đời, với quê hương. Có thể kể đến các tác phẩm thơ: “Khúc ca bến Âu Lâu” của tác giả Hoàng Bảo, “Con đường” của tác giả Đăng Lộc, “Yên Bái vào xuân” của tác giả Vũ Lương Quyến; “Thành phố bạn bè”, "Yên Bái" của Nguyễn Hưng Hải... và các ca khúc: “Thành phố Yên Bái” của tác giả Ngọc Bái; “Âu Lâu mùa xuân âm vang” của tác giả Xuân Vệ, “Thành phố Yên Bái vào xuân” của tác giả Hoàng Xô ...
Cuộc thi đã khép lại nhưng từ những ý nghĩa mà nó mang lại đã mở ra một cuộc vận động mới trong giới văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân tiếp tục sáng tác các tác phẩm ngợi ca bàn tay lao động, chiến đấu, dựng xây, quyết tâm đưa thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại 2 vào năm 2020 - văn minh, hiện đại nhưng vẫn mang nét đặc trưng của đô thị miền Tây Bắc.
Và ý nghĩa lớn nhất là cuộc thi này có một sức lan tỏa mạnh mẽ, đã đi sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân thành phố, trở thành nguồn động viên to lớn và khơi dậy niềm tự hào của mỗi người được góp sức xây dựng thành phố quê hương. Đúng như tên gọi của cuộc thi, niềm tự hào về truyền thống văn hóa lịch sử của thành phố, tự hào về sự vượt khó đi lên, tự hào là một người con của quê hương Yên Bái sẽ trở thành sức mạnh, bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân thành phố.
Hoàng Thị Thu Hiền
Các tin khác
Nhiều hoạt động phong phú, đa dạng sẽ được diễn ra nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ.
Hưởng ứng Tháng hành động "Vì trẻ em năm 2014" và Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Thừa Thiên - Huế và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ (AIA) Việt Nam vừa phối hợp tổ chức chương trình trao học bổng và quà tặng cho trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn Thừa Thiên - Huế.
Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa nêu quan điểm của Bộ GTVT xoay quanh chủ trương xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia cho cầu Long Biên theo đề xuất của UBND TP Hà Nội.
Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán châu Âu (EUNIC) phối hợp cùng Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sẽ giới thiệu với khán giả Việt Nam những tác phẩm đặc sắc trong Liên hoan Phim tài liệu châu Âu-Việt Nam lần thứ 6 được tổ chức vào tháng 6/2014.