Mộ gió - bộ phim kỹ thuật số đầu tiên về biển đảo
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/9/2014 | 7:37:17 AM
Mộ gió - bộ phim về chủ đề biển đảo của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vừa ra rạp sau thời gian vừa quay vừa dựng chưa đầy 1 tháng. Ngay khi trình chiếu, Mộ gió đã gây sự chú ý của công chúng không chỉ ở tinh thần quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của người Việt mà bộ phim thực sự gợi mở nhiều vấn đề về đề tài biển đảo đối với điện ảnh đương đại.
Poster phim Mộ gió.
|
Chạm tới cảm xúc
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng, kịch bản phim đến với ông thực sự là duyên phận. Ông luôn ấp ủ một ngày nào đó có thể làm một phim truyện về đề tài này, cho đến khi bắt gặp kịch bản Mộ gió. Điều đặc biệt là kịch bản này được viết bởi chính một sĩ quan thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam theo học lớp đào tạo chuyên ngành về điện ảnh.
Đây là kịch bản được chuyển thể từ chính truyện ngắn của tác giả Lê Mạnh Thường và cũng là kịch bản tốt nghiệp của chàng đại úy cảnh sát biển tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Nội dung xoay quanh câu chuyện về một cảnh sát biển, con một ngư dân đã cùng đồng đội bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Phim mở đầu bằng tập tục đắp mộ gió trong đám tang ở một làng chài ven biển. Đắp những ngôi mộ không có hài cốt, chỉ là ụ đất nhỏ là cách mà người dân ở đây vẫn làm để táng những ngư dân và người bị nạn trên biển nhưng không tìm thấy xác. Cuối phim cũng là cảnh những đứa trẻ loanh quanh bắt chước người lớn làm mộ gió bởi đời nào cũng có người bỏ mạng ngoài biển khơi. Biển thời nào cũng vậy: hung dữ và đầy nguy hiểm. Trước biển, sinh mạng con người thật mong manh. Làng chài bây giờ có thể đã đổi khác, cuộc sống người dân cũng sung túc hơn nhưng những ngôi mộ gió vẫn tồn tại. Nó kể câu chuyện về những ngư dân khao khát bám biển ra khơi và những người chiến sĩ với quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo của quốc gia.
Tác giả Lê Mạnh Thường chia sẻ: Khá nhiều chi tiết “mắt thấy, tai nghe”, những câu chuyện xót xa nơi đầu sóng, ngọn gió đã được anh đưa vào kịch bản. Ví như, cảnh bão biển trong phim là một kỷ niệm khó quên ngoài đời của anh, khi cùng đồng đội đi cứu ngư dân một tàu cá của Bình Định bị bão đánh chìm ở đảo Tiên Nữ năm 2001. Xuất phát từ Cam Ranh, tàu của các anh phải đi 3 ngày 3 đêm mới tới được nơi tàu cá gặp nạn. Chứng kiến sức tàn phá của cơn bão và những phận người sau bão trên biển, nhiều chiến sĩ đã không cầm được nước mắt.
Và Mộ gió thông qua ngôn ngữ điện ảnh đã đem đến cho người xem những câu chuyện giản dị, ước mơ, khát khao của người dân miền biển, những người tưởng chừng như đã chai sạn với sự khắc nghiệt của nắng, gió…
Say nghề
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tâm sự, trước khi bắt tay vào thực hiện Mộ gió, lúc lựa chọn diễn viên ông đều hỏi họ có sẵn sàng làm phim bằng lòng yêu nước không, bởi phải có lòng yêu nước, phải say nghề mới có thể tham gia bộ phim này. Bởi lẽ, kinh phí làm phim hạn hẹp, điều kiện làm phim lại vất vả luôn đối đầu với sóng gió, hiểm nguy. Song cuối cùng, nhiệt huyết và tình yêu với biển đảo đã đưa đạo diễn Ma làng đến với êkíp diễn viên tuy không gắn mác “ngôi sao” nhưng ông tự thấy là “chất”. “Chất” không chỉ ở diễn xuất mà còn ở chỗ họ rất ủng hộ, thậm chí còn tự nguyện đóng góp cả về công sức lẫn tiền bạc cho phim.
Những ngày làm phim Mộ gió không có trường quay nên mọi cảnh quay của phim được thể hiện trên biển. Kinh nghiệm với sóng gió không nhiều, thêm nữa những gì đoàn làm phim tưởng tượng lại không hề giống với thực tế vì thế mỗi cảnh quay đều là một ẩn số. “Những cảnh giả mưa, chúng tôi phải dùng vòi phun nước mặn từ dưới biển khiến máy quay và máy ảnh hỏng rất nhiều. Đoàn làm phim giống như bị… lột da vì bị nước mặn xối”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhớ lại. “Cả êkíp và các diễn viên cũng say sóng kinh khủng, đến nỗi không thể quay khi sóng mạnh. Song tất thảy không ai nản lòng bởi lẽ cả êkíp đều tâm niệm rằng đây là tác phẩm điện ảnh mà chúng tôi dành tặng riêng cho các chiến sĩ cảnh sát biển và ngư dân quả cảm. Và lời đồng vọng thiêng liêng dành cho những nấm mồ đặc biệt, những người đã gửi máu thịt cho chủ quyền đất nước”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ.
Không có kinh nghiệm về làm phim trên biển, lại làm phim giữa điều kiện thiếu thốn đủ bề, chưa kể những rủi ro từ yếu tố thời tiết đến con người, vì thế phim chưa có được những cảnh quay hoành tráng, ấn tượng như kỳ vọng. Song dù đôi chỗ cảnh quay chưa thật tròn trịa nhưng người xem vẫn không lấy đó làm phiền lòng bởi chính tác phẩm ấy đã chạm tới cảm xúc của người xem bởi mỗi thước phim đều thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc.
Mộ gió sẽ được trình chiếu rộng rãi trên hàng loạt kênh truyền hình của VTV và các kênh truyền hình địa phương sau khi kết thúc lịch trình chiếu rạp trong Tuần lễ phim về biển, đảo Việt Nam.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Tượng Trần Hưng Đạo được đúc bằng đồng đỏ, cao gần 10m, trong đó phần tượng cao gần 6m, nặng khoảng 10 tấn, phần đế cao hơn 4m.
Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội trong 3 ngày từ 2-4/10 với sự tham gia của các nghệ sĩ tài năng của Việt Nam và quốc tế.
Nhiều người bất ngờ khi biết người đẹp từng đoạt giải Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 tiếp tục tranh tài cuộc thi Miss Globe International Vietnam và giành vương miện vào đêm 30.8 tại Atlantic, Mỹ.
Bộ phim ca nhạc tuyệt vời “Bình minh ở Leith” sẽ mở đầu tuần lễ phim Vương quốc Anh 2014 với chủ đề Muôn màu Scotland. Tuần lễ phim Anh năm nay sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 28/9, khắc họa đất nước Scotland tươi đẹp nơi vừa đăng cai Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung 2014 tại Glasgow tháng Tám vừa qua.