Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch
- Cập nhật: Thứ tư, 24/12/2014 | 8:58:55 AM
YBĐT - Yên Bái được biết đến với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, hệ thống đình, đền chùa và các lễ hội dân gian giàu bản sắc văn hóa truyền thống, gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Truyền dạy thổi sao Cúc kẹ của người Xa Phó (Văn Yên).
|
Theo số liệu tổng kiểm kê di sản văn hóa năm 2011, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 1.200 di sản văn hóa, trong đó hơn 700 di sản văn hóa vật thể và trên 400 di sản văn hoá phi vật thể. Nhận thấy giá trị của các di sản văn hóa chính là một trong những tiềm năng dồi dào để trở thành nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Yên Bái đã rất quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể, nhằm bảo tồn được các giá trị văn hóa đang có nguy cơ bị mai một, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Yên Bái có hơn 30 dân tộc cư trú trên địa bàn, hội tụ nhiều sản phẩm văn hóa dân tộc đặc sắc, là những nét văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc như: các lễ hội, các làn diệu dân ca, dân vũ, các nghi lễ, phong tục tập quán; chữ viết, ngôn ngữ, ẩm thực, nghề truyền thống… có sức cuốn hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đây là điều kiện thuận lợi để Yên Bái khai thác và phát huy những giá trị truyền thống của quê hương, phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch lễ hội.
Trong những năm qua, việc sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc đã được tỉnh quan tâm, chỉ đạo và từng bước tổ chức thực hiện, đạt được nhiều kết quả như: đầu tư nghiên cứu, triển khai các dự án sưu tầm các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc; tổng kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển tiềm năng du lịch.
Một số lễ hội và ngành nghề thủ công truyền thống đã được khôi phục. Đáng chú ý là công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ như: dân tộc Khơ Mú (xã Nghĩa Sơn, thị xã Nghĩa Lộ); dân tộc Xa Phó (xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên); hát Sình ca dân tộc Cao Lan (xã Tân Hương, huyện Yên Bình); diễn xướng Khảm hải, dân tộc Tày (xã Xuân Lai, huyện Yên Bình)….; phục dựng, bảo tồn các lễ hội dân gian truyền thống, các phong tục tập quán như: đám cưới người Dao quần trắng (xã Yên Thành, huyện Yên Bình); lễ cưới truyền thống dân tộc Mông (xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn); lễ Mừng cơm mới dân tộc Xa phó (xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên); lễ Đám chay dân tộc Cao Lan (huyện Yên Bình); Tết nhảy dân tộc Dao đỏ (xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên); lễ hội Xé then dân tộc Thái (thị xã Nghĩa Lộ), tết Xíp xí dân tộc Thái đen (huyện Văn Chấn); Múa Mỡi dân tộc Mường (xã Sơn A, huyện Văn Chấn); lễ Cầu mưa dân tộc Dao (xã Đông An); lễ hội đền Đông Cuông, dân tộc Tày, xã Đông Cuông; lễ Cấp sắc dân tộc Dao (xã Đại Sơn của huyện Văn Yên); lễ hội Hạn khuống, dân tộc Thái (xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ)…
Việc bảo tồn các làng cổ dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch đã và đang được triển khai như: làng cổ Pang Cáng dân tộc Mông, xã Suối Giàng; làng cổ Viềng Công dân tộc Thái, xã Hạnh Sơn của huyện Văn Chấn… Đó là các làng còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa về kiến trúc, khuôn viên làng nghề thủ công, nhà cửa và văn hóa phi vật thể như: chữ viết, ngôn ngữ, phong tục tập quán, lễ hội…
Bên cạnh đó còn bảo tồn một số nghề truyền thống của dân tộc phục vụ khách tham quan du lịch như: nghề làm giấy dó, nấu rượu đao của dân tộc Dao, rượu ngô La Pán Tẩn dân tộc Mông; nghề đan lát, nghề rèn, chạm khắc bạc, xe lanh, dệt vải, dệt thổ cẩm của dân tộc Mông, dân tộc Thái, dân tộc Mường, nhằm thu hút khách đến các làng bản dân tộc thiểu số để có cơ hội tìm hiểu giá trị văn hóa bản địa, tập tục sinh hoạt, sản xuất, lao động, tham gia vào hoạt động lễ hội, văn hóa dân gian, cùng người dân sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, tìm hiểu kiến trúc nghệ thuật và thưởng thức các đặc sản ẩm thực truyền thống.
Trên cơ sở các hoạt động tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa, Yên Bái đã mở tuyến du lịch văn hóa "về cội nguồn" nhằm khai thác lợi thế du lịch văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Trong năm 2013, tổ chức thành công "Lễ hội sông Hồng" gắn với lễ hội đền Mẫu Đông Cuông; tổ chức Tuần Văn hoá, thể thao, du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, với chủ đề: "Mù Cang Chải - kết nối những miền quê danh thắng"; đặc biệt, đã tổ chức màn đại xòe xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam tại thị xã Nghĩa Lộ, với sự tham gia biểu diễn của 2013 diễn viên, nghệ nhân… góp phần giới thiệu nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Thái vùng Mường Lò, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước tham dự.
Để làm tốt việc khai thác tiềm năng du lịch thông qua các giá trị di sản văn hóa, năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu với UBND tỉnh thực hiện hai đề tài khoa học: "Nghiên cứu xây dựng đội văn nghệ quần chúng gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái" và "Giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội tiêu biểu của tỉnh Yên Bái gắn với phát triển du lịch bền vững của địa phương".
Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Yên Bái đã và đang phát huy nội lực, đồng thời có chính sách khuyến khích mở rộng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với địa phương, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Hải Hà
Các tin khác
Năm 2015 có nhiều ngày lễ lớn của đất nước, đồng thời cũng là năm diễn ra sự kiện có ý nghĩa trọng đại đối với đất nước - Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng.
Kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 - 2014), được sự chỉ đạo và phối hợp giữa Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Hội Quán Di Sản (Circle Group) tổ chức triển lãm mỹ thuật "Danh tướng Việt Nam qua tác phẩm nghệ thuật”.
Dự kiến trong 2015, thơ văn chữ Hán trên hệ thống kiến trúc cung đình Huế sẽ được nộp hồ sơ cho UNESCO, công nhận Di sản kí ức thế giới.
Với chiều dài hiện tại 1km, và vẫn đang được tiếp tục thi công, “Đường hầm điêu khắc” ghi dấu ấn như một công trình – tác phẩm đặc biệt.