Cần nhân rộng bảo tồn xòe cổ
- Cập nhật: Thứ tư, 28/1/2015 | 10:13:57 AM
YBĐT - Xòe là một hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của dân tộc Thái. Trong các ngày hội của bản mường, đám cưới, đám mừng nhà mới, anh em, bạn bè đến thăm nhau hay sinh hoạt văn nghệ đều có xòe. Đặc biệt, trong đám cưới của người Thái, múa xòe luôn thu hút mọi lứa tuổi tham gia và có thể xòe từ tối đến khuya.
Vòng xòe giao lưu với khách du lịch ở Bản Xa xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: Bùi Xuân Đông)
|
Tuy nhiên, giờ đây, nếu để tâm sẽ thấy ngoài thị xã Nghĩa Lộ thì múa xòe ở các vùng đồng bào Thái bây giờ chỉ có người cao tuổi là múa được các điệu xòe cổ, còn lớp trẻ thì vẫn tiếng nhạc xòe truyền thống ấy nhưng họ chỉ múa được một hai điệu phổ biến với động tác dễ múa như vòng tròn cầm tay, múa tung khăn, còn phần lớn trai gái "phá cách" đưa các điệu nhảy tân thời lẫn vào xòe Thái khiến không gian cuộc vui múa xòe nhộn nhạo và kém hấp dẫn, biến dạng sắc thái truyền thống.
Chính vì sớm nhận thấy dấu hiệu mai một của xòe nên những năm gần đây thị xã Nghĩa Lộ rất tích cực khôi phục và bảo tồn 6 điệu xòe cổ của người Thái. Những điệu xòe cổ này thường được thị xã tổ chức công diễn trong những sự kiện lớn và từng lập kỷ lục Việt Nam với màn đại xòe đông người tham gia nhất. Thị xã cũng khuyến khích các nghệ nhân dân gian truyền dạy xòe cổ trong sinh hoạt văn nghệ cộng đồng thôn bản, tổ chức thi múa xòe cổ trong liên hoan văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Việc bảo tồn xòe cổ ở Nghĩa Lộ còn hướng tới nghiên cứu khoa học về các giá trị nhân văn trong văn hóa dân gian Thái và xây dựng các sản phẩm du lịch.
Điều đáng tự hào nữa là Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ đã tập trung phối hợp rà soát, tổng hợp hồ sơ khoa học về di sản văn hóa phi vật thể 6 điệu xòe cổ của người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò. Việc làm này càng khơi dậy sự ủng hộ mạnh mẽ từ cấp ủy, chính quyền và người dân ở Nghĩa Lộ đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa này.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đồng bào Thái ở Yên Bái không chỉ sinh sống ở Nghĩa Lộ mà còn ở nhiều địa phương khác như: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Do đó, việc bảo tồn xòe cổ đã đến lúc cần phải được mở rộng cả những nơi có đồng bào Thái sinh sống. Thuận lợi nhất trong việc mở rộng bảo tồn, phát triển, phổ biến xòe cổ là việc các điệu xòe này đã được thị xã Nghĩa Lộ dày công khôi phục. Nghĩa Lộ cũng đã đưa ra được những giải pháp bảo tồn hiệu quả xòe cổ và đang lan tỏa trong cộng đồng dân cư cũng như trong giao lưu với các địa phương khác thông qua hoạt động du lịch.
Điểm thuận lợi nữa là điều kiện bảo tồn không đòi hỏi phải đầu tư nhiều về tài chính do xòe là tinh hoa văn hóa và là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Thái. Lớp người cao tuổi biết về nhạc và xòe cổ vẫn còn nhiều, không gian và điều kiện để truyền dạy, phổ biến xòe cổ không quá khắt khe do xòe có thể biểu diễn ngay trong đời sống thường nhật của cộng đồng người Thái…
Vấn đề còn lại là cần có sự chỉ đạo và xây dựng giải pháp mang tính đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở dựa theo cách làm ở thị xã Nghĩa Lộ. Đồng thời, các địa phương có người Thái sinh sống mà chưa triển khai bảo tồn xòe cổ cần được cơ quan chuyên môn giúp đỡ xây dựng đội ngũ hạt nhân văn nghệ và phương pháp xây dựng phong trào; cung cấp cho tuyến xã, thị trấn, thôn bản những tư liệu hình ảnh về các điệu xòe cổ, nhạc xòe, thậm chí là cả những tư liệu phân tích ý nghĩa của từng điệu xòe và vì sao cần phải bảo tồn xòe cổ… Làm được điều này chắc chắn không chỉ nâng cao được đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái mà còn tạo nên hiệu ứng sâu rộng, bền vững hơn khi cả cơ chế chính sách và đông đảo người dân cùng tham gia vào bảo tồn văn hóa.
Bên cạnh bảo tồn xòe cổ của người Thái, ngành văn hóa cũng nên từng bước tập trung nghiên cứu bảo tồn, phổ biến múa xòe cổ của một số dân tộc khác như: Tày, Mường ở vùng phía Tây của tỉnh vì các dân tộc này cũng đông dân cư, có vốn văn hóa độc đáo, đặc sắc, đa dạng và cũng là để tạo nên sự tương tác văn hóa trong cùng một không gian cư trú.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Ngày 27/1, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổng kết hoạt động năm 2014 và định hướng công tác năm 2015 với sự tham dự của đại diện các tiểu ban.
“Thầu Chín ở Xiêm” kể về quãng thời gian hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (có biệt danh Thầu Chín) trong những năm 1928-1929 ở Thái Lan.
Trước phản ứng của đạo diễn Đỗ Thanh Hải xung quanh việc Cục NTBD yêu cầu gửi hồ sơ đề nghị cấp phép tổ chức biểu diễn chương trình Táo quân 2015, chiều ngày 26-1, ông Lê Minh Tuấn, Trưởng phòng quản lý biểu diễn, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD – Bộ VH,TT&DL) có thêm ý kiến về vấn đề này.
Lấy chủ đề “Cung đàn đất nước”, số phát sóng đầu tiên trong năm 2015 của Giai điệu Tự hào sẽ gợi nhớ lại 5 cây đàn đã đồng hành cùng cuộc đấu tranh giành độc lập của Tổ quốc.