Tiền lẻ dịp tết và lễ hội: Thành kính cốt ở tâm

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/2/2015 | 10:00:49 AM

YBĐT - Nhiều năm trở lại đây, cứ mỗi dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội thì áp lực tiền lẻ lại tăng rất mạnh. Có vài trăm tờ tiền mệnh giá nhỏ thực sự là mong muốn của nhiều người! Tất nhiên, họ mong có thếp tiền mệnh giá nhỏ không phải để đi trao đổi mua bán mà là để đi đền, đi chùa. Tiền phát hành ra không phải làm phương tiện thanh toán thì quả thực rất lãng phí.

Thông tin năm 2015 Ngân hàng Nhà nước không phát hành tiền có mệnh giá nhỏ đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Không ít người tỏ ra lo lắng vì sẽ không biết kiếm đâu ra thếp tiền lẻ đi lễ. Cô Nguyễn Thu Hương ở phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) sốt sắng: "Gay thật, đầu năm đi hết đền nọ, phủ kia mà công đức tiền chẵn thì lấy đâu ra. Các bác quen biết bên ngân hàng nhiều, đổi hộ em mấy trăm. Được loại năm trăm đồng càng tốt, nếu không loại một, hai nghìn cũng được".

Không phải là người mê tín nhưng đã thành thói quen, cứ sau phút giao thừa là cô Hương đi đến các đền, chùa để thắp hương, làm lễ. Ban thờ nào cô cũng để vài nghìn đồng với quan niệm vừa dâng lên thần phật để tỏ lòng thành kính vừa phát tâm công đức tôn tạo đền chùa. Đúng là nếu không đổi được tiền lẻ thì cô Hương cũng bí, khoản lương nhân viên quèn, thưởng tết được vài trăm  nghìn bạc thì lấy đâu ra nhiều tiền mà làm lễ. Chắc chắn sẽ còn rất nhiều người như trường hợp cô Hương nhưng ngẫm lại mới thấy nguyện vọng của cô thật khó được đáp ứng vì tiền phát hành ra với mục đích là dùng làm phương tiện thanh toán và đồng tiền dù có mệnh giá bao nhiêu cũng là một sản phẩm văn hóa đặc biệt, với hình ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh lam, thắng cảnh lớn của đất nước… là biểu tượng của quốc gia, nhất thiết nó không thể bị đối xử tệ bạc như rải, quãi lung tung, làm những "cây tiền" rồi mua đi, bán lại dùng làm vật trang trí tại các ban thờ… Được biết, khi những loại tiền có mệnh giá nhỏ ít còn được dùng (do giá cả leo thang) thì Ngân hàng Nhà nước đã hạn chế phát hành các loại tiền này. Đây được xem là một chủ trương đúng đắn và nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ các bộ, ban, ngành và nhất là các chuyên gia tài chính, tiền tệ.

Theo tính toán, việc in ấn, phát hành các loại tiền có mệnh giá nhỏ Nhà nước sẽ lỗ, nói một cách đơn giản là chi phí in một tờ tiền lớn hơn cả mệnh giá ghi trên nó (thí dụ in một tờ 1.000 đồng, ngân sách phải bỏ ra 1.500 đồng). Tại cuộc họp báo mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước đưa ra những con số thống kê khiến không ít người giật mình: "Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu không đưa tiền mới mệnh giá 500 đồng vào lưu thông, tiết kiệm được 94 tỉ đồng. Năm 2014, không in mới tờ 500, 1.000, 2.000 đồng mới giúp tiết kiệm được 409 tỉ đồng. Năm 2015 không in ấn tiền mới 500, 5.000 đồng giúp tiết kiệm được 580 tỉ đồng. Dồn lại số tiền tiết kiệm được cho ngân sách trong 3 năm thực hiện là 1.084 tỉ đồng". Đó thực sự là con số khổng lồ, đủ để xây hàng chục cây cầu, hàng trăm con đường hoặc nhiều các công trình phúc lợi xã hội khác.

Từ chuyện tiền lẻ dịp lễ tết cho chúng ta thấy ngành văn hóa, nhất là các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cần có những việc làm cụ thể, thiết thực chấm dứt tình trạng tiền lẻ "ngập" đền chùa, lễ hội. Không nên ban thờ nào cũng có một hòm công đức; không thể có chuyện ban quản lý đền chùa cứ làm các hình tượng cậu bé, hổ báo, rồng rắn… rồi cho vào thùng mi-ca, phía trên làm một khe hở rồi đặt ở các ban thờ nhỏ nhằm thu hút du khách… thả tiền vào đó. Đối với người hành hương, cúng lễ càng không nên "hối lộ" thần Phật bằng việc dúi tiền vào tay, chân, bụng… các pho tượng. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền thì làm vậy chẳng những không tỏ lòng thành kính mà còn thiếu văn hóa, giảm sự tôn nghiêm của chốn linh thiêng.

Bên cạnh những hành động, việc làm chưa đẹp với đồng tiền  tại các lễ hội đã xuất hiện những suy nghĩ mới, những cách làm mới như ông Nguyễn Quốc Chiến ở phường Minh Tân (thành phố Yên Bái): "Đi đền, đi chùa nên phát tâm công đức xây dựng đền chùa nhưng thay vì thả tền lẻ một, hai nghìn thì thả một lần một tờ có mệnh giá lớn hơn vào một hòm công đức bất kỳ nào đó. Tấm lòng thành kính của mình thần Phật sẽ thấu hiểu. Nếu có chuyện ban thờ này, ban thờ kia đã có người đấu thầu rồi hay tiền công đức bị đem đi ăn chơi, mua xe đẹp như công luận đã từng phản ánh thì trách nhiệm đó thuộc về cơ quan quản lý nhà nước".

Với những quan điểm như vậy và khi người dân thực sự văn hóa, văn minh trong việc đi lễ hội, biết tôn trọng đồng tiền - biểu tượng văn hóa của đất nước mình thì áp lực tiền lẻ dịp tết và mùa lễ hội chắc sẽ giảm dần và rồi cũng chấm dứt.

Lê Phiên

Các tin khác
Tinh hoa nghề Việt tại Festival Nghề truyền thống Huế Tinh hoa nghề Việt tại Festival Nghề truyền thống Huế.

Ban tổ chức Festival chuyên đề Huế vừa tổ chức lễ ký kết hợp đồng tài trợ Festival Nghề truyền thống Huế 2015 với các đơn vị tài trợ với tổng số tiền 2,6 tỉ đồng cùng một số đơn vị tài trợ lưu trú và quảng bá.

Ngày 10-2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh đã chủ trì buổi lễ tôn vinh 59 cá nhân tiêu biểu xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự phát triển của văn hóa, thể thao và du lịch trong năm 2014.

Toàn cảnh buổi gặp mặt.

YBĐT – Ngày 10/2, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái tổ chức gặp mặt cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan thông tấn báo chí trong tỉnh và các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại địa phương nhân dịp chuẩn bị đón Xuân Ất Mùi 2015.

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp UBND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức lễ phát động Trại sáng tác chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", hướng tới kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lễ hội làng Sen toàn quốc năm 2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục