Những vần thơ dâng đời, dâng Đảng
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/3/2015 | 10:16:55 AM
YBĐT - Đã trở thành một phong tục, từ 13 năm nay, vào dịp Rằm tháng Giêng- tức Nguyên tiêu, trong nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các nhà thơ và người yêu thơ trên khắp cả nước lại nô nức, hào hứng, phấn khởi tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Đây là một hoạt động nhằm tôn vinh giá trị của thơ Việt đã có một bề dày truyền thống hàng nghìn năm qua, cũng là dịp để thơ Việt mừng xuân, mừng Đảng, mừng vận hội mới của đất nước, quê hương.
Ngày thơ Việt Nam ở Yên Bái.
|
Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIII Nguyên tiêu năm Ất Mùi - 2015 của cả nước được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử giám. Tỉnh Yên Bái chúng ta, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIII này được tổ chức tại Trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái vào ngày 14 tháng Giêng, với chủ đề: “Mừng Xuân mới, mừng Đảng quang vinh, mừng vận hội mới của đất nước, quê hương”.
Sau lời khai mạc của ông Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái, màn trống “Âm vang mùa xuân”, sáng tác của Thiện Trung, dàn dựng Minh Thắng, do các diễn viên Đoàn Nghệ thuật tỉnh thể hiện đã mở đầu cho Ngày hội thơ Yên Bái. Tiếp theo là bài thơ “Nguyên tiêu” bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Nghệ sĩ Ưu tú Đoàn Liên thể hiện. Bài thơ được Bác viết vào đêm Nguyên tiêu, Mậu Tý, tháng 2 - 1948, sau khi Bác chủ trì một cuộc họp Trung ương mở rộng, nhằm vạch ra phương hướng, nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống Pháp trong giai đoạn tiếp, lúc trở về, đi thuyền trên con sông Phó Đáy, giữa khung cảnh sông xuân, nước xuân, trời xuân, Bác đã ứng tác:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Mọi người trên thuyền trầm trồ tán thưởng và đề nghị Bác dịch ra tiếng Việt. Bác cười bảo: “Có Xuân Thủy đây, Xuân Thủy dịch đi”. Sau một hồi suy nghĩ, Xuân Thủy đọc bản dịch của mình:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Có lẽ đây là bài thơ được hoàn thành bằng nguyên tác chữ Hán và dịch ra tiếng Việt nhanh nhất nhưng đã để lại cho chúng ta một kiệt tác thi ca sống mãi với thời gian.
Sau phần nghi lễ trang trọng là phần hội của thi ca Yên Bái. Rất nhiều bài thơ, ca khúc phổ thơ Yên Bái được các nghệ sỹ của Đoàn Nghệ thuật tỉnh và chính các tác giả thể hiện. Trước hết là một chùm các bài thơ về mùa xuân. Nhà thơ Vũ Chấn Nam, cách đây 50 năm, đã từng hăm hở: “Về Tây Bắc, tôi sẽ về Tây Bắc…/Dù trăm suối, mười châu đi dằng dặc/Cháy lòng ta mong thấy bóng hoa ban…”. Bây giờ cảm xúc ấy vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Trong bài thơ “Trước thềm xuân”- một sáng tác mới xuân này ông đã viết: “Bao dự định của một mùa xuân mới/Ta đi thôi hăm hở chuyến tàu xuân”.
Tác giả Lê Ngân vẫn còn tươi rói những kỷ niệm về Nghĩa Lộ hơn 60 năm, trong bài thơ “Nghĩa Lộ vào xuân” ông đã viết: Ngòi Thia xưa nhuộm áo anh/Chín năm biết mấy hành trình nắng mưa. Cũng dòng cảm xúc về Văn Chấn - Nghĩa Lộ, tác giả thơ Trịnh Thoại trong bài thơ “Bảy sắc màu mây” lại nhìn thấy ở những vẻ đẹp của mùa xuân là sự vượt lên bao khó khăn, thử thách của con người: “Người lính trở về/Oằn lưng trên nông trường Trần Phú/Nương đồi thêm bậc/Lúa mới chè thơm…”, và theo ông: “Bảy sắc màu cam đỏ/Như xuân màu ngược gió/Thắm tô màu sắc chuyển xoay…”.
Mỗi người mỗi vẻ. Nữ thi sĩ Kiều Ngọc thì lại đắm đuối với vòng xòe Nghĩa An mỗi độ xuân về: “Đêm Nghĩa An/Vòng xòe nghiêng ngả/Mắt em cười lúng liếng trời khuya”. Tác giả Thu Hương lại tưởng ra một “Màu xuân”. Trong “Màu xuân” của Thu Hương, cảnh vật cũng là tâm trạng: Mây chiều nay xuống thấp/Ấm vòng tay lưng trời…/Sương mỏng hay là khói/ Em hay là hư vô/ Xuân hay là ngọn gió/ Thổi mát xanh mỗi ngày…”. Còn với Tường Vi thì mỗi độ xuân về đem lại cả một thế giới tâm trạng khiến chị: “Gieo câu lục bát mùa xuân…/ Cho vườn tím nụ hoa cà/Cho người xa với diết da đợi chờ/Cho em trong trẻo giấc mơ/Cho đôi mắt ướt thẫn thờ đợi ai...”.
Tác giả Quang Bách, xuân về lại: “Bâng khuâng gặp lại người năm xưa”. Để rồi: “Lời ru em cháy lòng tôi/Cánh bèo trôi giữa dòng đời mênh manh”. Tác giả thơ Ngọc Loan - người có tâm hồn rất bay bổng, lãng mạn nhưng cũng luôn có một cái nhìn rất hiện thực. Ông cảm thông với những người dân nghèo, mùa xuân đến không chỉ là cần rượu và hoa mà trước hết là cần một mái nhà vững chãi. Trong bài thơ “Mái nhà - rượu và hoa” của mình, ông viết: “Nhà em xưa nghèo lắm/Đảng cho em mái nhà/Xuân này hơn xuân trước/Đẹp hơn rượu và hoa”.
Trong sự xoay chuyển của thiên nhiên, tạo hóa, những thời khắc giao mùa bao giờ cũng tạo nên những cảm xúc lâng lâng, khó tả. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng thổn thức với từng bước đi của thời gian, còn nhà thơ Hữu Thỉnh thì tinh tế thấy cả: “Gió chùng chình qua ngõ…”. Còn với tác giả thơ Dương Soái trong bài thơ “Giao mùa”, ông đã thấy: “Âm thầm cây/ âm thầm cành rộc rạc/ vắt nhựa làm hoa bung nở kịp xuân về…”.
Nhà thơ Ngọc Bái sinh ra, lớn lên ở Âu Lâu. Có nhiều thơ viết về Âu Lâu - một địa danh lịch sử của Yên Bái trong kháng chiến chống Pháp nhưng Ngọc Bái vẫn có cách cảm, cách nghĩ của riêng mình. Trong bài thơ “Âu Lâu” của ông, ta thấy: Dù Âu Lâu “không có tên trên bản đồ thế giới, bao kiếp lái đò không mấy ai biết tên” nhưng Âu Lâu đã có phần mình “trong đồng bãi phì nhiêu, trong biển cả”, trong không gian sinh tồn của đất nước. “Âu Lâu trầm tĩnh như người ở ẩn”.
Thơ Yên Bái trong Ngày thơ Việt Nam năm này, cùng với chủ đề mùa xuân là chủ đề Tổ quốc và dân tộc. Tác giả thơ, Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật tỉnh Yên - Nguyễn Văn Chiêu có bài thơ “Nối tiếp ông cha” đầy khẩu khí: “Hùng Vương dựng nước/Quốc Tổ Việt Nam/Đàn con xuống biển/Đàn con lên rừng…/Trường Sơn hùng vĩ/Trường Sa oai hùng/… Dân tộc vẻ vang/Muôn đời bất diệt…”. Tác giả Lại Cao Mùi trong bài thơ Đường luật “Tích đồng bào” cũng chung một cảm hứng đầy chất sử thi ấy: … Bọc trứng Tiên Rồng tuyệt diệu sao/Phù Đổng diệt Ân về cõi Phật/Sơn Tinh nâng đất vượt tầm cao/Ba lần “Sát Thát” Nguyên Mông bại/ Hai cuộc “Trường chinh” Pháp, Mỹ nhào.
Dù Yên Bái là một tỉnh miền núi nhưng chủ đề biển đảo cũng được các tác giả quan tâm. Bài thơ “Trước biển” của tác giả Hiền Lương được nhạc sỹ Kim Phụng phổ nhạc, do ca sỹ Thành Long thể hiện đã tạo được một điểm nhấn trong ngày hội thơ năm nay. Các tác giả của Câu lạc bộ thơ Việt Nam tỉnh Yên Bái, như Sĩ Đào với bài thơ “Yêu”, Mai Long với bài thơ “Xuân”, Hoàng Trọng Hiếu với “Cảm tác về Văn Môn”, Trần Phan Đông với “Chút vu vơ”, đã đem đến cho Ngày thơ Việt Nam năm nay sự đa dạng, phong phú của thơ ca Yên Bái.
Cùng với thơ là các ca khúc về mùa xuân, về Đảng, về Yên Bái như “Nét xuân” của nhạc sỹ Ngọc Bái, “Hoa Yên Bái” của nhạc sỹ Trọng Loan, “Đâu Đảng cần chúng ta có mặt” của nhạc sỹ Văn An đã tạo nên sự tươi mới của Ngày thơ Việt Nam tại Yên Bái năm nay.
Kết thúc ngày thơ, những bài thơ của các nhà thơ lớn như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Tố Hữu…. được thả lên bầu trời xuân cao xanh. Đây cũng là một sự tri ân với những bậc tiên liệt và tin tưởng vào sự vĩnh hằng của những tác phẩm thơ ưu tú đã tạo nên một nền thơ Việt Nam gắn bó và đồng hành cùng dân tộc. Các tác giả thơ cùng nâng chén rượu xuân, tay nắm tay, chúc nhau mọi điều tốt lành và hẹn gặp lại vào Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIV, Nguyên Tiêu, Bính Thân - 2016.
Hiền Lương
Các tin khác
Từ xưa đến nay, người phụ nữ Việt Nam đã khơi nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca, nghệ thuật… và luôn trở thành biểu tượng bất tử cùng thời gian. Trong xã hội hiện đại, vai trò của họ càng tỏa sáng rạng ngời ở cả 3 yếu tố: Chân – Thiện – Mĩ.
Chiều 4/3, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức chương trình Liên hoan thơ châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 2.
Trong hai ngày 7 và 8 -3, tại Công viên nước Hồ Tây sẽ diễn ra Lễ hội làm bánh xưa và lễ hội chầu văn, lễ hội cocktail. Đây là chương trình nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3.
Lấy bối cảnh tại thủ đô Hà Nội, Linh, Khánh, Junsu, Mai, CheaYong và Miso sẽ bước vào một giai đoạn mới của tình yêu, tình bạn và nhiều những biến cố bất ngờ khác.