Yêu cầu rà soát các lễ hội còn duy trì tập tục gây phản cảm
- Cập nhật: Thứ năm, 12/3/2015 | 8:31:39 AM
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 11/3 cho biết Bộ đã ban hành công văn số 737/BVHTTDL-VHCS gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Ảnh chỉ có tính minh họa.
|
Đây là văn bản tiếp theo các Chỉ thị, Công điện, văn bản hướng dẫn về công tác quản lý và tổ chức lễ hội được ban hành từ đầu mùa 2015, nhằm tiếp tục tăng cường hiệu lực quản lý đối với lĩnh vực hoạt động nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Công văn số 737/BVHTTDL-VHCS nêu rõ ngay từ đầu năm 2015, hoạt động lễ hội đã diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước.
Qua kiểm tra, đánh giá thực tế cho thấy, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã đạt được những kết quả tốt, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước; giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy; lượng người tham gia lễ hội đông hơn, văn minh hơn.
Tại các di tích, lễ hội, việc thắp hương, hóa vàng mã, hóa sớ đã thực hiện đúng quy định của Ban Tổ chức; vệ sinh môi trường, cảnh quan di tích, lễ hội đảm bảo sạch, đẹp.
Tình trạng đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch đã hạn chế nhiều; hàng quán, dịch vụ, giao thông, bến, bãi được bố trí khoa học, đảm bảo không gian lễ hội văn minh, trật tự.
Tuy nhiên, cũng trong nhiều lễ hội, đặc biệt là các lễ hội dân gian còn tồn tại những tập tục như “chém lợn,” “đâm trâu,” “treo cổ trâu,” “cướp lộc”... mà các cơ quan báo chí đã phản ánh, tạo sự bức xúc trong dư luận xã hội.
Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố nghiêm túc chấp hành các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Triển khai Công văn số 09-CV/BCSĐ ngày 12/2/2015 của Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công văn số 556/BVHTTDL-VHCS ngày 12/2/2015 của Bộ về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Công điện số 229/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Trước nhiều luồng ý kiến, dư luận xung quanh các lễ hội có những tập tục gây tranh cãi như “chém lợn,” “đâm trâu,” Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tham vấn ý kiến cộng đồng, tổ chức điều tra xã hội học, rà soát các lễ hội, đặc biệt là lễ hội còn duy trì các tập tục gây phản cảm đang được cơ quan truyền thông cũng như dư luận quan tâm.
Trên cơ sở tham vấn ý kiến các nhà nghiên cứu khoa học, ý kiến của cộng đồng, tham mưu, đề xuất với ủy ban nhân dân tỉnh thay đổi hình thức tổ chức phù hợp, đảm bảo việc tổ chức lễ hội đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đảm bảo phù hợp với Công ước quốc tế về bảo vệ sự đa dạng văn hóa của UNESCO mà Việt Nam tham gia.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Tối nay (12/3), lễ trao giải Cánh diều - giải thưởng điện ảnh được giới chuyên môn và khán giả đón chờ - sẽ chính thức diễn ra tại TP.HCM.
Ban Tổ chức “Giải Âm nhạc Cống hiến” vừa công bố Danh sách đề cử giải thưởng lần thứ 10-2015.
YBĐT - Từ khi sinh ra loài người, bếp lửa đã mang ý nghĩa thiết thực trong đời sống thường nhật qua việc nấu nướng, bảo quản thức ăn, vật dụng, bảo quản hạt giống, sưởi ấm và xua đuổi thú dữ… Đồng thời, trong quá trình phát triển, bếp lửa còn mang ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh.
Ban Chỉ đạo dân số, AIDS và các vấn đề xã hội (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phát động cuộc thi sáng tác thơ tuyên truyền chủ đề phòng chống ma túy.