Đừng để quá muộn
- Cập nhật: Thứ tư, 1/4/2015 | 3:22:24 PM
YBĐT - Các loại hình văn hóa hầu hết không có ghi chép và lớp người hiểu biết, giữ được nhiều loại hình văn hóa dân gian, nhất ở các dân tộc hiện tại chủ yếu ở độ tuổi từ ngoài 80 trở lên do từ nhỏ họ đã sống và được thấm đẫm đời sống văn hóa chủ yếu mang đặc thù của dân tộc mình
Một cô gái Thái ở xã Tú Lệ (Văn Chấn) đang ghi âm lại lời bài dân ca “ Khắp mừng năm mới” của một cụ bà đã ngoài 90 tuổi.
|
Do đặc thù địa lý ở vị trí giữa Đông Bắc, Tây Bắc và giữa miền núi với đồng bằng nên Yên Bái là một trong số ít các tỉnh có nhiều nhất các dân tộc cùng chung sống. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Yên Bái có kho tàng văn hóa các dân tộc đa dạng, độc đáo nhất với đủ các hình: dân ca, dân vũ, dân nhạc, chuyện kể dân gian, thơ, sử thi, trò chơi dân gian, tín ngưỡng, pháp thuật, phong tục, tập quán, kinh nghiệm canh nông, y dược đối với người và động vật. Tất cả những giá trị của kho báu này cơ bản vẫn do lớp người cao tuổi lưu giữ, cho nên, nếu như các cấp, ngành chức năng không sớm có được những biện pháp hữu hiệu, hành động tích cực thì mỗi một người già mất đi chắc chắn là một phần kho báu bị mai một.
Các loại hình văn hóa hầu hết không có ghi chép và lớp người hiểu biết, giữ được nhiều loại hình văn hóa dân gian, nhất ở các dân tộc hiện tại chủ yếu ở độ tuổi từ ngoài 80 trở lên do từ nhỏ họ đã sống và được thấm đẫm đời sống văn hóa chủ yếu mang đặc thù của dân tộc mình. Lớp người từ 70 tuổi đến 80 thì số người am hiểu sâu ít hơn do lúc nhỏ có thể họ ít chú ý hoặc chưa đủ khả năng, thời gian để thẩm thấu văn hóa cội nguồn của dân tộc mình và một phần do họ có điều kiện hưởng thụ văn hóa mang tính phổ thông khi đất nước đã giành độc lập. Tương tự như vậy, càng ít tuổi thì số người có vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa của dân tộc mình càng ít, trừ một số dân tộc có mối giao lưu khá khép kín theo địa bàn làng xã và duy trì tương đối chặt chẽ các phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa như đồng bào Mông, Dao, Thái.
Trở lại với việc phát huy sự cống hiến của lớp người cao tuổi trong bảo tồn vốn văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số, từ trước tới nay tuy đã được chú ý nhưng về tổng thể việc sưu tầm để nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phổ biến văn hóa mới chỉ tiếp cận được một phần nhỏ thông qua phục dựng ghi hình, ghi chép, biểu diễn phổ biến văn hóa. Việc bảo tồn cũng chưa được sâu rộng trong từng dân tộc và các loại hình văn hóa.
Công tác sưu tầm để chuyển hóa thành các tiết mục biểu diễn tại các liên hoan nghệ thuật quần chúng các cấp cũng thiếu thường xuyên do được tổ chức định kỳ. Nhiều loại hình văn hóa dân gian không thể sân khấu hóa. Những nghệ nhân văn hóa dân gian cũng không thể hiểu hết được các loại hình văn hóa, thậm chí không đủ công sức, thời gian tham gia cung cấp tư liệu, bảo tồn. Đồng thời, cái khó nhất là chúng ta chưa có được một cơ chế khuyến khích phù hợp trong xã hội hóa công tác bảo tồn để nhân dân nhiệt tình tham gia…
Tuy vậy, trong đời sống thực tế vẫn có nhiều cơ hội, điều kiện và cách làm hay. Cơ hội, điều kiện lớn nhất là ở nhiều nơi, nhiều người, nhiều dân tộc khi đời sống ngày một đi lên thì đang ngày càng có xu hướng trở về với văn hóa cội nguồn như một món ăn tinh thần và niềm tự hào dân tộc. Có những người tuy không phải là nghệ nhân văn hóa dân gian nhưng đang thực sự lo lắng đến nguy cơ “thất truyền” văn hóa nên đã ra sức tham gia vào công tác bảo tồn văn hóa. Điển hình như ông Vì Văn Sang, dân tộc Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn (huyện Văn Chấn) được ví như một pho sách văn hóa dân gian người Khơ Mú.
Ông Lò Văn Biến, dân tộc Thái ở phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ) bao nhiêu năm nay phối hợp sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hóa Thái. Đặc biêt, ông đã dạy hàng nghìn học viên học chữ Thái cổ và qua các kỳ thi ông yêu cầu học viên phải có công trình sưu tầm các loại hình văn hóa dân gian viết lại bằng chữ Thái. Cách làm ấy khiến học viên rất hứng thú học tập mà lại góp phần rất lớn trong bảo tồn văn hóa.
Ông Nguyễn Văn Quy ở thị trấn Yên Thế (huyện Lục Yên) là người Kinh nhưng gần 2 chục năm nay với tình yêu văn hóa dân gian các dân tộc trong huyện, ông đã lặng lẽ ghi lại hàng trăm băng tư liệu, hàng nghìn file ảnh cung cấp cho ngành văn hóa và dựng nhiều băng đĩa để bà con trong vùng cùng thưởng thức. Những người có niềm đam mê như vậy còn rất nhiều nhưng điều quan trọng là cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành văn hóa phải có sự rà soát, tập hợp được lực lượng này đang nằm ở vùng nông thôn và có cơ chế khuyến khích hợp lý, có sự hỗ trợ về chuyên môn, phương tiện ghi âm, máy ảnh, thẻ ghi hình… để động viên ngày càng nhiều người tham gia vào bảo tồn văn hóa.
Cần phải rà soát tiềm năng văn hóa tới từng địa bàn dân cư, từng dân tộc, nắm vững số người tuổi đã cao và tạo cơ hội cho họ được gặp gỡ trong các sự kiện văn hóa như lễ hội, hội diễn văn nghệ hay những cuộc họp của người cao tuổi trong các thôn bản, xã để họ được thể hiện vốn văn hóa mình đã tích lũy được. Mỗi người một hiểu biết và thể hiện ở những khía cạnh khác nhau, loại hình văn hóa khác nhau thì người sưu tầm sẽ tập hợp được một kết quả rất đa dạng. Bước đầu chỉ cần có sự ghi chép đầy đủ đã là một thành công lớn cho công tác nghiên cứu, bảo tồn, phổ biến văn hóa sau này và nhất là sẽ tránh được sự việc không đáng có khi để “thất truyền” văn hóa từ người cao tuổi.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Dù “Giai điệu tự hào” đã có công văn xin rút lui nhưng Ban tổ chức (BTC) giải Cống hiến và các phóng viên vẫn quyết định bình chọn cho chương trình.
Ngày 31/3, sau khi nâng cấp phần nội thất của nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức khánh thành không gian trưng bày và khai trương hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại nhà hát, vốn được xem là nhà hát cổ nhất Việt Nam còn tồn tại đến nay.
Bản trailer dài 30 giây cho biết thêm về cốt truyện của bộ phim đình đám Công viên kỷ Jura 4 (Jurassic World) dự kiến phát hành vào tháng 6 tới.
Đại diện Ban tổ chức chương trình Giai điệu tự hào vừa thông báo tới báo chí quyết định rút khỏi đề cử “Chuỗi chương trình của năm” của Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến 2015 trước lễ bầu chọn sáng nay, ngày 31/3 ít phút.