Tôn vinh văn hóa đọc
- Cập nhật: Thứ ba, 21/4/2015 | 2:05:51 PM
Với tinh thần đề cao tầm quan trọng của sách, báo và tri thức trong đời sống, các sự kiện ngày sách, hội sách…, ở Việt Nam những năm gần đây đang dần trở thành một nét sinh hoạt văn hoá, văn minh của những người yêu mến sách, góp phần vào việc thay đổi và dần nâng cao văn hóa đọc.
Hình ảnh các em nhỏ say mê đọc sách ngày càng xuất hiện nhiều
ở các Hội sách
|
Ngày sách, hội sách… góp phần thay đổi văn hóa đọc
Đánh giá cao tầm quan trọng của văn hóa đọc, trong Kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, UNESCO (Tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm là Ngày Sách và bản quyền thế giới (World Book and Copyright Day), với mong muốn Ngày Sách và bản quyền thế giới sẽ là dịp để cả thế giới tôn vinh sách và những người sáng tạo ra chúng - những người đã có những đóng góp không gì thay thế được đối với sự phát triển văn hóa nhân loại. Đây cũng là dịp để khuyến khích tất cả mọi người, nhất là giới trẻ, khám phá niềm yêu thích đọc sách và tôn vinh văn hoá đọc.
Tại Việt Nam, từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam, trong đó nêu rõ: Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Có thể thấy rằng, việc ngày 21/4 hàng năm được chọn là Ngày Sách Việt Nam đã góp phần thúc đẩy quá trình nhận thức của xã hội về vai trò của sách và việc đọc sách. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và bản quyền thế giới, hưởng ứng Ngày sách Việt Nam như: Tổ chức hội sách, quyên góp sách tặng trẻ em thiệt thòi, xây dựng thư viện tại các vùng sâu, vùng xa, thư viện tại các vùng biên giới… đã được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của nhiều nhà xuất bản, cơ quan phát hành, thư viện và các trường học từ phổ thông đến đại học…
Thời gian qua, chúng ta cũng có thể thấy sức hút của các Ngày hội sách đối với độc giả như: Ngày hội sách được tổ chức cuối năm 2014 tại TP. Hồ Chí Minh, thu hút khoảng 1 triệu lượt khách ghé thăm và tham gia các hoạt động giao lưu, ký tặng sách..., thu được 38 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần diễn ra hội sách. Hay như, Ngày hội sách mùa xuân 2015 tại Hà Nội đã thành công ngoài sự mong đợi của Ban tổ chức, khi chưa khai mạc đã có tới hàng trăm người đứng xếp hàng đợi mua sách. 2 giờ đồng hồ sau lễ khai mạc, đã có tới 6.000 lượt người tới tham dự, hàng nghìn đầu sách của các nhà xuất bản được bán ra. Những con số quả thật rất ấn tượng đối với lĩnh vực xuất bản. Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 4/2015, nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới, Ngày sách Việt Nam được tổ chức trên cả nước khiến cho tinh thần “đọc” ngày càng lên cao; đã có rất đông người dân, khách du lịch đến xem, tham gia tọa đàm, giao lưu về sách và mua sách... tại các hội sách.
Thay đổi từ nhận thức
Đến với các hội sách mới thấy được hết sự sôi động của thị trường sách Việt Nam trước sự ra đời của nhiều doanh nghiệp làm sách, cùng các thể loại sách "trăm hoa đua nở".
Thế nhưng, việc hội sách thu hút đông người tham gia, lượng sách bán ra với con số ấn tượng như thế đã đủ để khẳng định: Văn hóa đọc thực sự đã được nâng cao hay chưa?!
Có thể nói rằng, văn hóa đọc đã dần thay đổi theo hướng tích cực, nhưng “thực sự được nâng cao” thì chưa hẳn. Bởi, việc sách phong phú hơn, được quảng bá rộng rãi hơn cũng chưa góp phần nâng cao văn hóa đọc của cả xã hội khi có quá nhiều "sách rác", có quá nhiều sách cung cấp những thứ kiến thức kiểu "làng nhàng" và cũng không thiếu những sách làm sai về mặt nội dung đến đáng ngại (nhất là mảng sách cho thiếu nhi). Đó là chưa nói đến những sách sai lỗi chính tả, văn phong ẩu, dung tục…
Cũng có thực tế rằng, nhiều người đi hội sách không hoàn toàn vì mục đích “đọc” mà chỉ là để xem cho vui. Hội sách nào làm hoành tráng thì người ta đến “ngó” rồi khi thấy nhiều sách giảm giá lại nghĩ “chẳng lẽ về không”. Mua một cuốn về đọc được vài trang xong, để rồi bỏ xó...
Việc một quốc gia có Ngày sách và hàng năm tổ chức nhiều ngày hội đọc sách là một việc làm thiết thực, góp phần nâng cao văn hóa học của người dân. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng: “Đọc” là một lẽ tự nhiên của con người, là nhu cầu, là sự thích thú…, không lệ thuộc vào khẩu hiệu, không bị chi phối bởi một sự gò ép nào cả. Vậy nên, để khơi dậy, duy trì niềm đam mê đọc sách, phát triển văn hóa đọc và để việc tổ chức ngày hội sách hàng năm trên cả nước được hiệu quả hơn, việc phát triển văn hóa đọc cần phải được bồi đắp thường xuyên, không nên biến việc “đọc” như ngọn lửa bùng lên trong một vài ngày...
Chúng ta cần định hướng cho người đọc nói chung và bạn đọc trẻ nói riêng, việc đọc sách không phải là theo trào lưu, mà còn giúp nâng cao nhận thức, tích lũy tri thức. Chúng ta thường “đổ lỗi” cho việc giới trẻ ngay nay lười đọc hay họ không biết chọn sách. Có những bạn chạy theo phong trào để đọc sách. Có nhiều sách được coi là “sách đen” vẫn được giới trẻ truyền tay nhau đọc hăng say. Nhưng chúng ta có nghĩ lại rằng, chính các nhà quản lý, các nhà xuất bản … đã giới thiệu quá nhiều đầu sách, nhưng lại chưa có định hướng để đọc một cách có văn hóa. Chúng ta đang thiếu một đội ngũ và một hệ thống thẩm định sách một cách khách quan, nghiêm túc và có chất lượng để giới thiệu những đầu sách có giá trị.
Thiết nghĩ, muốn văn hóa đọc của cộng đồng phát triển được thì ngay từ bây giờ, phải bắt đầu tạo thói quen đọc sách ở thế hệ thiếu nhi. Để thu hút các em, sách không chỉ cần nội dung tốt mà còn phải có hình thức đẹp, hấp dẫn. Người lớn cần làm công tác thẩm định để cung cấp cho các em tác phẩm có ích ngay từ đầu. Dần dần, cùng với sự hình thành thói quen đọc sách, các em sẽ tự biết lựa chọn những tác phẩm sách hay, phù hợp và bổ ích tùy theo lứa tuổi.
Ngoài ra, hiện chúng ta tổ chức các ngày hội sách, giới thiệu sách chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, còn ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì hầu như không có. Hơn nữa, giá sách đa số còn cao so với mức sống của nhiều người dân, nên giá cả vẫn là trở ngại với một bộ phận người thích đọc sách, nhất là ở vùng nông thôn.
Mọi sự luôn phải có sự khởi đầu. Có thể những nỗ lực trong việc tổ chức Ngày sách Việt Nam và các hoạt động hưởng ứng Ngày sách chưa thể thay đổi ngay lập tức cục diện về văn hóa đọc tại Việt Nam, nhưng những gì chúng ta thấy được trong thời gian qua thực sự là những tín hiệu tích cực để có thể hy vọng...
Hy vọng rằng, Ngày sách Việt Nam cùng các hoạt động hưởng ứng hàng năm sẽ trở thành ngày hội lớn của toàn dân, góp phần tích cực trong việc khuyến khích, gây dựng, phát triển văn hóa đọc, mở ra một tương lai mới cho văn hóa đọc tại Việt Nam.
(Theo Dangcongsan.vn)
Các tin khác
Ông Nguyễn Trí Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong quá trình khai quật tại di chỉ khảo cổ Rú Điệp (thuộc xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) các nhà khảo cổ học đến từ Trường Đại học Quốc gia Úc, Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện được 3 bộ hài cốt người Việt cổ.
Từ ngày 28/4-3/5, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng, Mường, Thái, Dao đến từ các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn và huyện Ba Vì (TP Hà Nội).
Sau 4 ngày diễn ra sôi nổi, Liên hoan nghệ thuật quần chúng Ca khúc cách mạng toàn quốc đã bế mạc sáng 20/4, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
YBĐT - Ngày 20/4, tại Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục - Đào tạo, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam tỉnh Yên Bái năm 2015.