Bác Hồ trong kí ức của những nghệ sĩ nhiếp ảnh

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/5/2015 | 7:56:33 AM

Những hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh được các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh trân trọng, gìn giữ và trở thành kho tàng quý giá, mang tính tư liệu cao.

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trái tim bạn bè và các thế hệ người Việt Nam luôn hiện lên gần gũi, bình dị và bao dung. Những hình ảnh về Người được các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh trân trọng, gìn giữ và trở thành kho tàng quý giá, mang tính tư liệu cao.

Những nghệ sĩ nhiếp ảnh như Đinh Đăng Định, Vũ Đình Hồng, Mai Nam, Đinh Quang Thành đã có cơ hội trực tiếp được chụp ảnh Bác Hồ trong nhiều kì hội nghị hay trong những khoảnh khắc đời thường. Với họ, những bức ảnh còn lưu lại là một phần kí ức quan trọng trong sự nghiệp làm báo của mình.

Đôi tay run run ở cái tuổi xế chiều, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam lần giở lại từng thước phim, tấm ảnh trong kho tư liệu 200 bức ảnh ông chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với ông, đó là một phần quan trọng trong suốt cuộc đời làm báo của mình. Năm 1955, khi về công tác tại báo Tiền phong, ông mới có dịp được chụp những bức ảnh đầu tiên về Bác. Đó là ngày Bác và Chính phủ ra mắt đồng bào ngày 1/1/1955, sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam tâm niệm: “Tôi có ý thức làm thế nào để chụp Bác Hồ phải thật đẹp với nụ cười tươi, cho nên 80% bức ảnh của tôi chụp Bác Hồ là thấy Bác cười. Tôi nghĩ rằng ở Bác Hồ toát ra một cái gì đó mà chính những hình ảnh ghi lại của tôi cũng chưa thể hiện được hết. Cả cuộc đời làm nhiếp ảnh, chụp được ảnh Bác chừng ấy là điều vinh dự và không phải người nào cũng có”.

Chỉ được gặp Bác trong những hội nghị nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam luôn cố gắng chọn những góc chụp sao cho hình ảnh của Bác gần gũi, dung dị và đời thường nhất. Trong số 200 phim ảnh còn lưu giữ, có khoảng 50-60 bức ảnh tương đối tốt. Trong đó có bức ảnh mà ông cho là may mắn được chụp chân dung Bác lần cuối cùng.

“Một may mắn của tôi là dịp mít tinh vào ngày 1/5 tại hội trường Ba Đình năm 1969, trước khi Bác mất 3 tháng. Bác ngồi trên Chủ tịch đoàn, còn tôi không biết linh tính thế nào đã mang theo chân máy ảnh (mọi khi không mang), một ống kính tele và nghĩ “mình phải chụp ảnh chân dung Bác Hồ”. Tôi dùng tele chụp tỉa lên trên và chụp được 5 bức ảnh chân dung, trong đó có 1 bức ảnh Bác đang dặn dò đồng chí Lê Duẩn. Từ sau ngày 1/5 ấy, Bác bị ốm và cũng không có ai có cơ hội được chụp chân dung Bác. Tôi có thể khẳng định đó là may mắn và là những bức chân dung cuối cùng, đến nay tôi vẫn giữ được phim”.

Cuộc đời người nghệ sĩ nhiếp ảnh được đánh dấu bằng những khoảnh khắc bất chợt trong cuộc sống. Nhờ khoảnh khắc đó mà họ đã có những bức ảnh để đời nhưng cũng có khi lại là sự nuối tiếc. Đó là trường hợp của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành, nguyên là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Nam Hà (Nam Định và Hà Nam bây giờ).

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành kể: Trong một lần đi thăm Nhà máy dệt Nam Định, Bác đã nghỉ trưa tại nhà khách công đoàn. Xung quanh nhiều cây cối, ánh nắng chiếu vào lung linh cộng với tiếng chim hót, Bác ngồi trên bậc gỗ nghỉ chân, da dẻ hồng hào, mặc quần áo lụa, tay cầm quạt giấy trông giống như một ông tiên.

“Tôi với anh ruột là Đinh Đăng Định - phóng viên chuyên chụp ảnh Bác Hồ từ kháng chiến chống Pháp, hai anh em không ai nói ai đều lấy máy ảnh ra. Trông Bác lúc đó đẹp quá, nắng lại chiếu trái tạo thành ven sáng chung quanh mái tóc bạc. Bóng nắng chiếu trên vai tạo thành hình dáng như tiên ông. Hai anh em cùng đến chân cầu thang, giơ máy ảnh ra chụp thì Bác nói: “Bác ngồi thế này, các chú chụp dùng làm sao được, phí phim”. Lúc bấy giờ phim ảnh quá hiếm. Thấy Bác nói vậy tôi và ông anh nhìn nhau, đóng máy lại không ai dám chụp. Giờ vẫn tiếc là tại sao lúc đó mình không chụp đi thì chắc là có ảnh rất đẹp về Bác”.

Tuy không chớp được khoảnh khắc hiếm hoi ấy nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành đã có không ít tư liệu ghi lại những giây phút rất đời thường, khi Bác đi thăm công nhân dệt, Bác nói chuyện với dân, vào bệnh viện Nam Định thăm bệnh nhân và nói chuyện với y bác sĩ.

Với những nghệ sĩ có thời gian gắn bó với công việc chụp ảnh Bác Hồ, những khoảnh khắc hiếm hoi như vậy trong cuộc đời luôn là dịp để dùng nghệ thuật khắc họa nên chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại nhưng cũng hết sức giản dị, gần gũi với mọi người.

* Bác Hồ và những bức ảnh “lịch sử” với điện ảnh Việt Nam

Người đi tìm hình của nước, tìm đường đi cho dân tộc theo đi. Người đặt nền móng cho biết bao sự bắt đầu, cho biết bao sự hồi sinh, đã vực dậy biết bao đau thương, đã truyền cảm hứng đến biết bao lĩnh vực... “Vì một lẽ thường tình, Bác là Hồ Chí Minh”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến đời sống nghệ sĩ và việc phát triển nền nghệ thuật thứ 7 của nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp Quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam ngày 15/3/1953, để từ đó, nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam chính thức ra đời. Ngày nay, ngày 15/3 đã được lấy là ngày Điện ảnh Việt Nam.

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có sức ảnh hưởng trên mọi lĩnh vực, trong đó có cả điện ảnh.

Không chỉ là người khơi nguồn để nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam ra đời, Người còn truyền cảm hứng đến nhiều bộ phim sau này. Nhiều bộ phim đã được sản xuất lấy đề tài từ cuộc đời, con người Hồ Chủ Tịch, có thể kể đến như: Hẹn gặp lại Sài Gòn, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kong, Hà Nội mùa đông năm 46…

Dưới đây là những bức ảnh hiếm hoi,  quý giá ghi lại hình ảnh Bác đã từng gắn bó, sẻ chia với các nghệ sĩ trong giai đoạn khó khăn của những năm đầu thành lập nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.


Bác Hồ và những bức ảnh “lịch sử” với điện ảnh Việt Nam
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh xem một tiểu phẩm của Diễn viên Điện ảnh Khóa I tại Xưởng phim Hà Nội (sau này là Hãng phim truyện Việt Nam) năm 1961.

Bác Hồ và những bức ảnh “lịch sử” với điện ảnh Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các Diễn viên Khóa I đang luyện tập tại Xưởng phim Hà Nội (Hãng phim truyện Việt Nam sau này) năm 1961.

Bác Hồ và những bức ảnh “lịch sử” với điện ảnh Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đạo diễn, quay phim, diễn viên... tại Xưởng phim Hà Nội- Hãng phim truyện Việt Nam năm 1963

Bác Hồ và những bức ảnh “lịch sử” với điện ảnh Việt Nam
Tấm ảnh Bác Hồ với nghệ sỹ Trà Giang chụp ngày 1/12/1962, tức là ngày cuối cùng của Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ ba. Bác Hồ đến thăm và nói chuyện thân mật với các văn nghệ sỹ. Nữ nghệ sỹ Trà Giang, đại biểu trẻ nhất của Đại hội, được phân công dâng hoa lên Bác và được Bác bắt tay, ôm hôn. Tấm ảnh đó, sau ngày đất nước thống nhất, được phóng to trưng bày tại Triển lãm Điện ảnh tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 5/1976. Hiện nay, bức ảnh đang được trưng bày tại phòng khánh tiết của Hãng phim truyện Việt Nam và tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Bức ảnh do nhiếp ảnh gia Hoàng Linh thực hiện.

                                                                      (Theo VOV)

Các tin khác
“Ông hoàng nhạc Blues” BB King.

“Ông hoàng nhạc Blues” BB King đã qua đời ở tuổi 89 trong giấc ngủ. Ông vốn được biết tới với những ca khúc nổi tiếng như “My Lucille”, “Sweet Little Angel” hay “Rock Me Baby”.

Triển lãm trưng bày 120 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc và tranh cổ động thể hiện chân dung Hồ Chủ tịch.

Có một nghệ sỹ mang vẻ ngoài rất bình dị, thường lẫn trong đám đông song ông luôn tỏa sáng trên sân khấu mỗi khi thể hiện hình tượng Bác Hồ. Đó là nghệ sỹ Văn Tân, người đã có trên 40 năm thể hiện hình tượng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam với tổng số gần 1.800 buổi diễn.

Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Mỹ Nguyễn Tâm Chiến trả lời báo chí tại buổi họp báo.

Sau 7 tháng phát động, từ ngày 15-16/5, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Cuộc thi và triển lãm ảnh với chủ đề “Quan hệ Việt Nam-Mỹ và nước Mỹ qua ống kính của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam” thực hiện chấm thi đối với gần 2.000 bức ảnh dự thi của 100 tác giả gửi về.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục