Lặng nghe ban kể chuyện xưa
- Cập nhật: Thứ tư, 20/5/2015 | 2:48:32 PM
YênBái - YBĐT - Thế là sau cơn mưa, hoa nở rộ giữa trời cao và trong xanh. Những vệt, những mảng trắng, đỏ, đan xen bỗng bừng lên lấp lóa, tinh khiết. Ấy chính là hoa ban - loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.
Mùa ban. (Ảnh: Đoàn Thanh Hà)
|
Tây Bắc quê hương tôi rừng núi nhấp nhô, điệp trùng, chỗ nào có nhiều sỏi dăm, sỏi cơm, sỏi tím gan gà là nơi ấy hoa ban đua nhau nở trắng ngần, thỉnh thoảng lại lác đác chút ít màu phớt đỏ của hoa ban đỏ càng điểm tô cho núi rừng thêm sinh động. Hoa ban làm đẹp mùa xuân nhưng với người Thái, hoa tượng trưng cho tình yêu chung thủy lứa đôi, cho sự bất khuất, kiên cường của nhân dân, cho sự giận đắng, ghét cay cuộc đời cũ đầy bất công, áp bức. Và dân ca, truyền thuyết, cổ tích Thái đầy ắp những huyền thoại độc đáo về loài hoa này.
Cứ mỗi buổi tối, mế (mẹ) lại ngồi kể cho chị em tôi nghe những câu chuyện tình hoa ban. Mế bảo có tới 4 câu chuyện nhưng mỗi tối mế chỉ kể cho chúng tôi một câu chuyện thôi. Tôi hỏi tại sao thì mế bảo mỗi hôm kể một ít để các con còn nhớ và để câu chuyện đó trong bụng, như lưu giữ một phần của văn hóa người Thái mình.
Chuyện thứ nhất kể rằng: Xưa, có đôi trai gái yêu nhau. Trai nghèo yêu con gái nhà Tạo. Họ hàng Tạo Phìa bảo: "Thằng ấy là thân ngựa, yên ngựa đặt lưng ngựa. Sao bây giờ ngựa lại cưỡi lên yên?". Đôi trai gái kia rủ nhau trốn vào rừng. Đi mãi, chẳng có dao để đào củ mài, không có lửa để nấu chín. Họ dựa vào một thân cây thẳng, rợp lá mà không hề có hoa. Ngồi đó, họ nhịn đói, nhịn khát. Cây nọ động lòng bèn cúi xuống, rũ vội hết lá rồi nở ra toàn hoa trắng muốt. Những bông hoa quý báu ấy giục nhau úa nhanh, chúng tự mình nấu chín rồi rụng xuống để đôi bạn tình nhặt hoa ăn mà sống lại, sống mãi trong tình yêu, hạnh phúc bất diệt. Cây hoa trắng ấy chính là cây ban. Từ đấy, cây không thẳng không cao. Lá rụng là hoa nở. Hoa mới nở vội úa vội tàn là vì vậy.
Chuyện thứ hai kể rằng: Thuở ấy có đôi bạn tình. Trai gái đều mồ côi, đều nghèo khổ. Nhà Tạo gạ chàng trai khỏe: "Mày muốn làm ngựa nhà quan không?". “Thưa không. Tôi muốn làm con nai tự do gặm cỏ” - chàng trai trả lời. Nhìn cô gái xinh đẹp, Tạo mê, bèn nói: "Mày làm kiềng bếp nhà quan chứ?". “Thưa không. Tôi chỉ là cây bưởi nhưng đã có người nhận gốc!” – cô gái trả lời. Tạo hung ác: "Không được. Mày muốn không bằng tao muốn!". Thấy vậy, cả hai bỏ trốn vào rừng. Đến một gốc cây không cao lắm, lá tròn dày, cành chắc to, cả hai cùng thắt cổ quyên sinh. Cây thấy vậy thương cảm bèn hạ thấp cành, trút hết lá làm đệm cho đôi bạn tình nằm xuống. Khi bọn nhà Tạo xua quân đuổi tới cũng là lúc trên cây nở bừng một loại hoa trắng tinh, phủ kín hai người thành nấm mồ hoa. Mồ hoa ấy là những cánh ban trinh nguyên, thủy chung, bất khuất.
Một chuyện khác về hoa ban kể rằng: Chàng Khun và nàng Ban yêu nhau. Cha mẹ nàng Ban tham giầu, đem nàng gả cho quan Tạo. Ngày cưới, nàng buộc chiếc khăn piêu ở cầu thang nhà người yêu rồi đi tìm chàng. Lúc này chàng Khun đang mải săn thú ở rừng sâu. Nàng Ban vừa đi vừa gọi qua làn nước mát: "Pi Khun ơi, pi Khun ơi!". Nhưng Khun đi săn đã quá xa. Chân mỏi, giọng khản đặc, nàng Ban ngã gục trên một đỉnh núi cao, gió lồng lộng thổi. Ở đó mọc lên một cây hoa trắng như nước da nàng, như búp tay nàng. Người bản thấy vậy vô cùng kinh ngạc và cũng từ đây họ gọi luôn cây hoa này là cây ban, hoa ban.
Lại nói về chàng Khun, về đến nhà thấy khăn piêu của nàng Ban còn đó, biết có chuyện chẳng lành, chàng chạy bổ đi tìm. Khun tìm hoài, mỗi bước chân chàng đi mọc lên một cây hoa trắng như cây hoa cô đơn trên đỉnh núi kia. Hoa mọc thành rừng, rồi chàng Khun chết biến thành con chim. Người Thái gọi chim này là nộc khun. Chim khun lẻ bạn hót mãi không thôi (mỗi khi mùa hoa trắng nở rộ). Sau này trai gái Thái trảy hội mùa xuân trong rừng ban, nghe chim khun hót lại kể cho nhau nghe về mối tình chung thủy xa xưa ấy.
Chuyện thứ tư bắt đầu từ bản Thái nọ, chàng trai tên là Khôm (tiếng Thái nghĩa là đắng). Chàng yêu cô gái là con quan Tạo tên là Bioóc (hoa) đẹp người đẹp nết. Biết cả hai trộm yêu thầm nhớ, Tạo nổi giận mắng: "Mày là phận tôi tớ trong mường, là đũa mốc xó bếp. Người như mày sao dám ngồi ngang với chủ. Đũa mốc sao lại đặt mâm son?". Mắng xong, Tạo cấm. Thiếu nhau không được, một đêm kia chàng Khôm và con gái Tạo rủ nhau trốn. Ngờ đâu lính Tạo đuổi kịp. Từ trên đỉnh núi cao, hai người nắm tay nhau nhảy xuống vực cùng chết. Lâu sau, trên nấm mộ của hai người mọc lên cây mạy (tên chỉ là các loại tre, nứa). Măng của nó nếm thử thấy đắng. Người đời bấy giờ mới đặt tên là mạy khôm (măng đắng, theo tên chàng Khôm). Bên cây mạy cũng xuất hiện một thứ cây sum suê lá cành. Lá rụng, hoa nở trắng xóa. Nhìn cây, nhìn hoa thấy đẹp, mọi người nhớ đến cô con gái nhà Tạo mà bảo nhau gọi bioóc ban, tức là hoa ban. Sau này hoa ban đem ngâm với măng đắng thấy không đắng, trái lại chua ngon, mùi vị thơm thơm quyến rũ lạ thường. Ai cũng nghĩ rằng đó là ứng nghiệm của một mối tình của chàng Khôm mà mãi xuống tuyền đài vẫn chưa tan. Rồi đó, món măng chua được nấu với thịt gà hoặc cá suối thành thứ canh hấp dẫn không thể thiếu mỗi độ tết đến, xuân về, nhất là vào mùa măng đắng với kỳ hoa ban nở vào tháng giêng, hai.
Hoa ban - thứ hoa của tình yêu, của khát vọng hạnh phúc.
Hoa còn là ước mơ trường thọ, của thiên nhiên và tâm hồn trẻ mãi không già. Với người Thái, cho dù Thái Trắng hay Thái Đen, dù ở Sơn La, Lai Châu, Điện Biên hay ở Văn Chấn - Mường Lò, hoa ban còn được coi là hoa chàng rể, hoa của đạo hiếu, của lòng biết ơn. Chính vì thế, trong mẫm cỗ cúng giỗ tổ tiên, đồng bào thường hay cài những cánh hoa ban đẹp như muốn gửi gắm tấm lòng trong trắng, biết ơn với người đã khuất.
Cùng với các thứ hoa khác dệt nên tấm thảm mùa xuân Tây Bắc, hoa ban nở là mở đầu một mùa tình yêu, một mùa lễ hội và nó cũng được sử dụng trong lĩnh vực ẩm thực của người Thái Tây Bắc. Trong cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, sôi động và đổi mới hôm nay, ta càng thêm tự hào là người con của xứ sở hoa ban Tây Bắc.
"…Đất nước như tấm gương sáng
Trắng ngần những rừng ban đẹp…"
(Tình ca Thái)
Đặng Phương Lan
Các tin khác
Giải thưởng "Man Booker quốc tế 2015" đã vinh danh nhà văn người Hungary Laszlo Krasznahorkai với lễ trao giải diễn ra ngày 19/5 tại bảo tàng danh tiếng Victoria & Albert ở thủ đô London của Anh.
Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinamilk đã được trao giải thưởng Nikkei châu Á lần thứ 20.
Thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, cơ quan này đã có Công văn số 2116/CXBIPH-QLXB (về việc rà soát và biên tập kỹ nội dung xuất bản phẩm ngôn tình, đam mỹ) gửi các nhà xuất bản.
Theo thông tin mới nhất từ nhà sản xuất BHD thì bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã được giới thiệu tại LHP Cannes lần thứ 68.