Tản mạn về “gia vị” đặc biệt
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/5/2016 | 3:07:30 PM
YBĐT - Nói tới gia vị của món ăn, ai cũng nghĩ đến các loại rau thơm, ớt, hạt tiêu… được sử dụng theo một cách thức đặc biệt phù hợp với yêu cầu chế biến của từng món, bởi nếu thiếu chúng, các món ăn sẽ kém phần thơm ngon, thi vị.
Du khách nước ngoài cùng khám phá văn hóa ẩm thực của đồng bào Thái ở thị xã Nghĩa Lộ.
(Ảnh: Sơn Nam)
|
Song, người viết bài này lại muốn đề cập đến một loại “gia vị” đặc biệt - đó là tình thân thiện giữa người với người trong bữa ăn của người Việt Nam như nhận xét của nhà nghiên cứu Lào Lamphon Sayxana - người đã từng sống ở Việt Nam nhiều năm và đã dày công nghiên cứu về văn hóa ẩm thực của người Việt Nam.
Đất nước ta trải qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước, giữ nước và cuộc sống luôn phải đổi bằng mồ hôi và cả máu của mình, chắt chiu từng “mẩu sắn, cân ngô”. Chính vì vậy, mỗi người Việt Nam đều biết trân trọng, nâng niu những gì đã có và luôn phấn đấu vì một ngày mai tươi sáng hơn. Dân tộc ta đã từng đau khổ vì nạn đói khủng khiếp năm 1945, đã từng thắt lưng buộc bụng vì tiền tuyến và để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ăn uống đã trở thành một vấn đề vô cùng quan trọng, nhưng vượt lên giá trị vật chất lớn lao ấy, người Việt Nam ta, đời này sang đời khác đã xây dựng nên một phong cách ẩm thực đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Bữa ăn quan trọng đến mức: “Có thực mới vực được đạo” và “Trời đánh còn tránh miếng ăn”. Vậy mà, người Việt Nam vẫn trọng tình nghĩa hơn với quan niệm: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”.
Ông bà ta vẫn khuyên bảo con cháu: “Đói cho sạch, rách cho thơm” và phải biết: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”; nết ăn, nết ở của con người trong ứng xử phải: “Như bát nước đầy”.
Từ nhỏ, mỗi người đã phải: “Học ăn - học nói - học gói - học mở”. Bữa ăn, ngoài chức năng sinh lý còn mang ý nghĩa tâm lý và đạo lý. Không chỉ ở ngoài đời, trong bữa ăn cũng phải biết: “Kính trên, nhường dưới” và phải luôn ghi nhớ: “Miếng ngon nhớ lâu, miếng nhục để đời” để hiểu được giá trị của miếng ăn và danh dự của con người, ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Trong cuộc sống, phải biết san sẻ cho nhau khi hoạn nạn: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Qua bữa ăn ấm cúng, những bất đồng được hòa giải, những hiểu nhầm được tháo gỡ một cách “trong ấm, ngoài êm”, mọi người dễ cảm thông độ lượng với nhau. Bữa ăn trở thành buổi xum họp của gia đình, bè bạn. Thông qua ăn, vật chất được chuyển hóa thành năng lượng tinh thần giúp con người sống tốt hơn, nhân ái hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta ghép hai từ “ăn” và “ở” với nhau gợi lên một ý nghĩa cao đẹp đậm đà giá trị nhân văn, nết ăn nết ở đã trở thành một trong những tiêu chí đánh giá về đạo đức con người. Trong bữa ăn, người cao tuổi, khách bao giờ cũng được mời ngồi ở chỗ trang trọng nhất.
Ngay cách so đũa cho bằng bặn, ngay thẳng và chia cho người cao tuổi và khách trước cũng đã thể hiện một tình cảm, một thái độ sống cẩn trọng và nghiêm túc, có trên, có dưới. Mọi người chân thành chào mời, nâng cốc chúc những điều tốt lành trong cuộc sống (cách nâng cốc cũng phải có ý tứ, người ít tuổi cốc nâng thấp hơn người cao tuổi và không chạm mạnh gây ra tiếng va đập), gắp cho nhau những món ngon (bao giờ cũng gắp cho người cao tuổi và khách trước), mọi người đều nhấm nháp hưởng thụ cái tinh túy của món ăn như thành quả của lao động. Ai cũng lịch sự, ý tứ, không quá giữ ý nhưng cũng không xô bồ, dung tục.
Sự tôn trọng và tình thân ái làm cho bữa ăn thêm thanh cao, ngon hơn và thấm đượm tình người. Bữa ăn trở thành niềm vui và hạnh phúc của mọi lứa tuổi và các gia đình. Mỗi người thêm gắn bó chan hòa với nhau hơn trong nghĩa đồng bào của bốn ngàn năm lịch sử.
Chính không khí chan hòa cởi mở đầy tình thân thiện, nhưng ẩn chứa đạo làm người của người Việt Nam làm cho du khách nước ngoài vô cùng ngạc nhiên, thích thú và khâm phục, họ coi đó là “gia vị” của món ăn, “gia vị” của cuộc sống, mang tầm triết lý rất đáng tự hào.
Trần Vân Hạc
Các tin khác
“Sen” là tên gọi của một triển lãm vừa được khai mạc tối qua - 12/5, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 - Đào Duy Từ) do Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với nhóm họa sỹ trực thuộc Trung tâm UNESCO Mỹ thuật Hà Nội thực hiện.
YBĐT- Bạn có nghe thanh âm mùa hạ? Mùa hạ thì thầm bằng lời của mưa, của ve, của cuốc, của diều, của nắng và của trái tim thao thức.
Từ ngày 28/5 đến 4/6 tới đây tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan Xiếc quốc tế 2016.
Hướng tới kỷ niệm 70 truyền thống lực LLVT Quân khu 2 (19/10/1946 - 19/10/2016), Quân khu 2 phát động Cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài LLVT Quân khu.