Đôi điều cảm nhận về bài thơ “Hạnh phúc” của Bùi Kiều Dung

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/6/2016 | 9:36:25 AM

YBĐT - Niềm hạnh phúc được sống trong tình yêu thương gia đình bình dị mà cũng rất cao cả ấy có lẽ là khao khát của biết bao người và cô giáo Kiều Dung đã may mắn có được. Thế nên chị nhận ra: “Sống biết ơn đời để an nhiên tự tại/ Hạnh phúc nhẹ nhàng như lá chỉ cần xanh”.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Là tháng ngày gieo neo
Khổ đau không đếm đong bằng nước mắt
Anh bên em nắm tay em rất chặt
Không một lời thở than
Hạnh phúc là những bữa cơm giản đơn
Không biện bày nhiều món
Em và con đợi anh đi làm về muộn
Nhìn nhau ăn ngon miệng đã no rồi
Là những lần chỉ giận hờn thôi
Mà im lặng dài như thế kỷ
Đêm khắc khoải tiếng thở dài thật khẽ
Bàn tay chờ hơi ấm một bàn tay
Hạnh phúc là bên nhau nghe con nói, con cười
Nhìn con lớn từng ngày dù đời còn vất vả
Học yêu thương từ những điều bình dị
Ta trưởng thành cùng con
Hạnh phúc là khi thấu hiểu nhau hơn
Một người mắc sai lầm người kia thấy mình có lỗi
Ai sẽ nhẹ lòng hơn khi có thêm lời trách tội
Ta độ lượng với nhau để tốt với chính mình
Là khi cùng nhau chăm chút những mầm xinh
Một người biết gieo trồng một người vun xới
Sống biết ơn đời để an nhiên tự tại
Hạnh phúc nhẹ nhàng như lá chỉ cần xanh.

 Lời bình:

“Hạnh phúc là gì?”. Sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời chung cho câu hỏi ấy bởi nó tùy thuộc suy nghĩ, cảm nhận, trải nghiệm cuộc sống của mỗi người. Dù vậy, biết bao người vẫn cứ băn khoăn tự hỏi: “Hạnh phúc là gì?”

Với cô giáo Bùi Kiều Dung - một con người có nghị lực phi thường, luôn lạc quan trước những khó khăn tưởng không thể vượt qua đã tìm thấy hạnh phúc từ những điều rất giản đơn, từ chính sự không may mắn của cuộc đời.

Tôi biết đến cô giáo Kiều Dung khi đọc bài báo tác giả Thiên Cầm viết về chị: “Khi mỗi ngày ta biết sống vì nhau”. (Báo Yên Bái ngày 31/12/2010). Rồi tình cờ kết bạn qua facebook, tôi vẫn lặng lẽ theo dõi những tâm sự của chị và thấy vui lây khi giờ đây cuộc sống của chị đã vẹn tròn như chị mong muốn, vợ chồng con cái được gần nhau và hạnh phúc nhất là ngày ngày chị được làm công việc mình yêu thích - dạy tiếng Anh cho các em nhỏ.

Qua facebook, tôi biết chị rất thích đọc sách và hay làm thơ. Thơ của chị là những nỗi niềm, tâm sự về gia đình, về những người chị thương yêu nhất. Khi thì “Viết cho con” dành tặng cậu con trai bé nhỏ, niềm hy vọng của cuộc đời chị; khi thì “Viết cho anh” dành tặng người chồng yêu thương luôn là chỗ dựa vững chắc cho chị.

Gia đình, chồng, con chính là tình yêu lớn lao để chị vượt qua bao khó khăn, thử thách, tiếp tục sống mạnh mẽ như ngày hôm nay. Bài thơ “Hạnh phúc” chị viết nhân ngày “Thế giới hạnh phúc” 20/3 là một bài thơ đong đầy cảm xúc, ngôn từ giản dị nhưng đã nói hộ ước mong của biết bao người phụ nữ.

Chính trong những “tháng ngày gieo neo/ khổ đau không đếm đong bằng nước mắt” chị đã cảm nhận được hạnh phúc của đời mình là khi “Anh bên em nắm tay em rất chặt/ Không một lời thở than”.

Với người phụ nữ, chỉ cần một chỗ dựa tinh thần vững chắc; chỉ cần sự chia sẻ, cảm thông của người mình yêu thương là đủ để họ vượt qua biết bao khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống đời thường… Cô giáo Kiều Dung đã từng cảm nhận được hạnh phúc trong lúc khổ đau nhất nên chị luôn trân trọng mỗi giây phút được sống bên gia đình, người thân. Sẽ có người đi tìm hạnh phúc từ những thứ rất xa xôi nhưng với chị, “Hạnh phúc là những bữa cơm giản đơn”, “Hạnh phúc là bên nhau nghe con nói con cười”, “Hạnh phúc là khi thấu hiểu nhau hơn”…

Niềm hạnh phúc ấy cứ nhân lên, lớn dần theo năm tháng bởi mỗi ngày trong cuộc sống, rồi từng giây từng phút trong một ngày đều được chị cảm nhận bằng yêu thương. Hạnh phúc từ bữa cơm giản đơn là bởi “Nhìn nhau ăn miệng đã no rồi”. Khi bên nhau nghe con nói con cười, hạnh phúc là “ta trưởng thành cùng con”. Rồi còn gì hạnh phúc hơn khi “một người mắc sai lầm, người kia thấy mình có lỗi”, “một người biết gieo trồng một người vun xới”.

Niềm hạnh phúc được sống trong tình yêu thương gia đình bình dị mà cũng rất cao cả ấy có lẽ là khao khát của biết bao người và cô giáo Kiều Dung đã may mắn có được. Thế nên chị nhận ra: “Sống biết ơn đời để an nhiên tự tại/ Hạnh phúc nhẹ nhàng như lá chỉ cần xanh”.

Cuộc sống không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai mọi thứ. Dù không còn tự đi lại bằng chính đôi chân của mình nhưng niềm hạnh phúc, lạc quan như cô giáo Kiều Dung thì không phải ai cũng có được. Có được niềm hạnh phúc ấy cũng chính bởi chị đã mang hạnh phúc đến cho biết bao người. Xuất phát từ chính đáy lòng, bài thơ “Hạnh phúc” của cô giáo Kiều Dung như một lời nhắn gửi: hãy biết sống vì nhau, sống biết ơn đời “để tốt với chính mình”.

Anh Thư

Các tin khác
Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống tại lễ kỷ niệm 1085 năm vua Ngô Quyền định đô tại Cổ Loa.

Tối 19/4, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1085 năm Ngô Quyền xưng vương, định đô tại Cổ Loa (939 - 2024).

Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Tối 17/4, tại sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hội tụ non sông”, chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Chương trình nghệ thuật sử thi

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Các đại biểu tham gia chương trình.

Chiều 16-4, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023. Đáng chú ý, sau khi tiến hành sơ loại, có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện tham gia Giải Báo chí quốc gia kỳ này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục