Cỏ xanh trên Căng - Đồn Nghĩa Lộ
- Cập nhật: Thứ sáu, 29/7/2016 | 9:22:52 AM
YBĐT - Hình tượng “cỏ” xuyên suốt bài thơ như biểu tượng của tinh thần yêu nước, sức sống của người cộng sản và quy luật vĩnh hằng không thế lực nào vùi dập được của sự sống.
Có bao bài ca viết về ngọn cỏ
Xanh như màu xanh cỏ hiến cho đời,
Cỏ đã lớn lên từ lòng đất mẹ
Không ngại nhọc nhằn, không lựa tốt tươi.
Những nhịp rung từ lồng ngực anh tôi
Khi áp xuống mặt đồi tìm lên đồn giặc,
Vẫn thổn thức cả trong chiều gió lặng
Ngả nghiêng lô cốt, hầm hào.
Lỗ châu mai dẫn pháo tự năm nào
Nay đứng đó thành hướng nhìn của cỏ,
Nơi dấu tích những mảng tường đổ vỡ
Đã kết thành vầng cỏ non xanh.
Những tiếng chim lánh lót gọi bình minh
Đã náo nức cả Căng - Đồn Nghĩa Lộ
Đã thấm xuống cả vô biên đời cỏ
Đã trở về bỏng cháy những niềm tin.
Ôi cỏ xanh như màu áo thân quen
Như những bài ca gọi người ra trận,
Đồng lúa non xanh, núi đồi bất tận
Đã chìm vào sắc biếc cỏ non.
Thu Phong
Lời bình của Trần Vân Hạc
Hình tượng “cỏ” xuyên suốt bài thơ như biểu tượng của tinh thần yêu nước, sức sống của người cộng sản và quy luật vĩnh hằng không thế lực nào vùi dập được của sự sống. Đặc biệt lại là “Cỏ xanh trên Căng - Đồn Nghĩa Lộ”, nơi thực dân Pháp giam cầm những chiến sĩ cộng sản trung kiên, hòng bẻ gẫy tinh thần yêu nước, cũng là nơi đã từng diễn ra cuộc bạo động phá Căng của các chiến sĩ Cộng sản chốn lao tù ngày 17/3/1945 và ghi nhận chiến công hiển hách của quân và dân ta trong trận đánh Phân khu Quân sự Nghĩa Lộ của thực dân Pháp năm 1952, giải phóng Nghĩa Lộ, mở đường tiến vào giải phóng hoàn toàn Tây Bắc.
Cái mệnh đề tưởng như muôn thuở ấy được tác giả khai thác rất lo-gic, đạt hiệu quả thẩm mỹ cao, đặc biệt khi hình tượng “cỏ” được đặt trong bối cảnh đặc biệt:
“Cỏ đã lớn lên từ lòng đất mẹ
Không ngại nhọc nhằn, không lựa tốt tươi”.
Câu thơ dung dị lột tả được bản chất của “cỏ” khi được “đất mẹ”, nơi có biết bao liệt sĩ đã ngã xuống, nuôi dưỡng, tiếp sức và làm nên sự sống, không trở lực nào ngăn nổi và quý thay “cỏ” không “lựa” cho riêng mình chút xanh non tươi tốt. Sự khẳng định ấy rõ nét hơn khi tác giả dùng điệp từ “không”, “không ngại”, “không lựa”. Những người chân chính như vậy đấy, luôn mạnh mẽ vươn lên bất chấp hoàn cảnh khắc nghiệt, không mảy may chọn cho mình chút quyền lợi nào.
Từ “lựa” ở đây thật đắc dụng, cái tôi không còn nữa, chỉ xanh mãi màu xanh của muôn ngọn “cỏ”.
Đi giữa đất trời tự do hôm nay, tác giả như cảm nhận được: “Nhịp tim từ lồng ngực anh tôi/ Khi áp xuống mặt đồi tìm lên đồn giặc”... Câu thơ khiến người đọc rưng rưng một niềm tri ân “...thổn thức cả một chiều gió lặng”.
Bài thơ chợt sáng lên khi ta bắt gặp hình ảnh: “Lỗ châu mai dẫn pháo tự năm nào/ Nay đứng đó thành hướng nhìn của cỏ”. Hiện thực được nâng lên thành biểu tượng của sự sống, ngạo nghễ vượt lên cái chết và “vầng cỏ non xanh” kia như một biểu tượng của sự bất diệt. “Những tiếng chim lánh lót gọi bình minh” chính là âm thanh của sự sống, đánh thức những hạt mầm trong lòng đất mẹ, những nhánh cây ngọn cỏ, gieo vui trong ánh mắt người. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả nhắc lại từ “đã” như một sự khẳng định tới ba lần.
Niềm tin của bao người nay đã thành hiện thực và từ “vô biên” làm cho người đọc cảm nhận sâu sắc sự hy sinh của bao thế hệ. Bài thơ được đẩy lên cao trào, ngân rung một cung đàn muôn điệu về sự hy sinh không chút vụ lợi của bao anh hùng, liệt sĩ, về niềm tin son sắt, mãi ngân xanh màu xanh của sự sống bất diệt và trường tồn.
Khổ thơ cuối chợt lắng lại, màu xanh của “cỏ” khiến ta liên tưởng tới màu áo của các anh bộ đội, của bà, của mẹ thân quen, sự hy sinh vất vả của bao người, màu xanh như điểm tựa, “như bài ca gọi người ra trận” nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai. Cái tôi hòa trong cái ta một cách thầm lặng, tự nguyện. Chính điều ấy làm nên sự vĩ đại, lớn lao mang bản sắc của cả dân tộc có bề dày lịch sử bốn nghìn năm. “Đồng lúa non xanh, núi đồi bất tận/ Đã chìm vào sắc biếc cỏ non”. Không gian và thời gian được mở ra rộng lớn đến vô cùng, ý nghĩa nhân văn của bài thơ vượt ra khỏi khuôn khổ của câu chữ.
Bài thơ nhẹ nhàng, đầy xúc cảm cùng những suy ngẫm sâu sắc làm sống lại một thời hào hùng và bi tráng, gieo vào lòng người đọc lòng biết ơn và những suy tư trăn trở về trách nhiệm sống của con người và bài ca về cỏ chính là bài ca về sự bất tử của những trái tim người yêu nước.
Trần Vân Hạc
Các tin khác
Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan, tối 28/7, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa Vương quốc Thái Lan, Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Những ngày Văn hóa Thái Lan tại Việt Nam.
Ngày 29-7, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ mang vở kịch thiếu nhi “Con gà trống” sang Nhật Bản tham dự Liên hoan Sân khấu thiếu nhi quốc tế.
MTV vừa công bố danh sách đề cử MTV Video Music Awards (VMA) 2016. Trong đó, nổi bật là các gương mặt đình đám: Beyonce, Adele, Drake, Justin Bieber, Kanye West..., nhưng lại không có Taylor Swift - nghệ sĩ có nhiều đề cử nhất hồi năm ngoái.
Giải thưởng Búp sen vàng lần thứ 7 sẽ diễn ra tối 21/8, tại rạp Công nhân, số 42 Tràng Tiền, Hà Nội.