Trung thu đến rất gần

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/9/2016 | 1:53:01 PM

YBĐT - “Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh! Đây ánh sao vui chiếu xa sáng ngời. Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh! Ánh sao Bác Hồ tỏa sáng nơi nơi! …”- lời bài hát “Chiếc đèn ông sao” của nhạc sỹ Phạm Tuyên vang lên trong khu nhà văn hóa của phố Hoàng Hoa Thám (phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái) khiến ai đi qua cũng thấy lòng chộn rộn, xốn xang.

Người dân thành phố Yên Bái lựa chọn đồ chơi Trung thu cho trẻ em. (Ảnh: Hồng Duyên)
Người dân thành phố Yên Bái lựa chọn đồ chơi Trung thu cho trẻ em. (Ảnh: Hồng Duyên)

Là cảm xúc chung của nhiều người, năm nào cũng vậy, khi ánh trăng đêm rằm Trung thu sắp tỏa sáng nơi nơi thì cũng là lúc các em nhỏ trên khắp mọi miền của Tổ quốc hòa vào ngày hội lớn. Ngày hội của những trò chơi, điệu múa lân và cả những bữa tiệc ẩm thực mà ở đó không thể thiếu bánh dẻo, bánh nướng và các loại trái cây quen thuộc như: chuối, bưởi, hồng, nhãn…

Khác với năm học trước, năm nay, tết Trung thu đến cũng là lúc năm học mới của các em được bắt đầu. Vì thế, ngoài niềm vui được gặp lại bạn bè, thầy cô giáo và cả những trang sách mới, các em nhỏ lại náo nức cùng nhau chuẩn bị cho tết Trung thu của mình.

Em Hà Hoài Anh - lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái khoe: “Năm nay, các bạn lớp cháu tự làm đèn ông sao và tập các bài hát để biểu diễn trong đêm Trung thu. Chúng cháu sẽ tập múa lân và biểu diễn ở sân trường cho mọi người cùng xem”.

Háo hức, chờ mong không kém, em Hoàng Ngọc Sơn - lớp 5, Trường Tiểu học Hồng Thái, thành phố Yên Bái chia vui: “Đón Trung thu ở trường xong, cháu và các bạn sẽ về khu phố để vui đón tết Trung thu tiếp. Năm nào, chúng cháu cũng tham gia lễ rước đèn kéo quân và được xem các trò ảo thuật do các bác trong khu phố biểu diễn. Chúng cháu thích nhất là được lên tham gia cùng làm các trò ảo thuật biến hóa”.

Trung thu vui là thế bảo sao trẻ nhỏ không nhớ, không mong. Nhớ tết Trung thu năm nào, khi đất nước còn trong thời kỳ khó khăn, nhà nào khá lắm mới mua được cho con cặp bánh Trung thu, không thì chỉ có vài ba quả chuối, quả hồng và mấy chiếc kẹo lạc, kẹo tăm. Không có đèn ông sao lấp lánh sắc màu, các em nhỏ thường phải tận dụng giấy báo cũ để làm, còn bánh Trung thu thì là những chiếc bánh sắn hấp chín rồi cho vào khuôn cho giống hình bánh dẻo, bánh nướng. Mộc mạc, đơn sơ là vậy nhưng tết Trung thu nào cũng tràn ngập niềm vui, tiếng cười và là những ký ức không thể nào quên với mỗi người.

Đối với người Việt Nam, tết Trung thu cũng là dịp để các con, các cháu bày tỏ lòng thành kính, hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Vậy nên cuộc sống thời nay đã có nhiều thay đổi song truyền thống tốt đẹp đó vẫn luôn được gìn giữ và phát huy. Vào ngày này, các gia đình thường dâng cúng lên bàn thờ tổ tiên những loại quả, bánh kẹo ngon và quây quần bên mâm cỗ nhỏ, ngồi ngắm trăng lên.

Đặc biệt, để sẻ chia với trẻ em nghèo nơi vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, những năm gần đây, vào dịp tết Trung thu, không chỉ các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương mà nhiều gia đình cũng tự tổ chức những chuyến đi thiện nguyện để tặng quà cho các em. Ngoài quần áo, đồ dùng, sách vở, thì món quà ý nghĩa không thể thiếu mang tới cho các em chính là những chiếc đèn ông sao và những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon.

Chị Hồng Anh ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cho hay: “Năm nào cũng vậy, vào dịp tết Trung thu, gia đình tôi và mấy gia đình bạn thân lại mua quần áo, bánh kẹo gửi cho các em học sinh vùng cao. Cũng chẳng có nhiều nhưng đó là tấm lòng, mong các em sẽ có được những giây phút thật vui và ý nghĩa trong ngày tết của mình”.

Thật vui và ý nghĩa - đó là mong muốn của hầu hết mọi người dành cho các em nhỏ trong ngày tết Trung thu. Các em chính là “những mầm xanh tương lai” của đất nước. Mong rằng, không chỉ Trung thu năm nay mà Trung thu những năm tiếp theo, các em sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Và các em - những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ luôn chăm ngoan, học giỏi, vâng lời thầy cô, ông bà, bố mẹ để xứng đáng với những tình cảm tốt đẹp mà gia đình, cộng đồng, xã hội dành cho các em.

Châu Anh

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục