Yên Bái bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch
- Cập nhật: Thứ tư, 12/10/2016 | 1:02:20 PM
YBĐT - Bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân tộc, nói một cách cụ thể là khôi phục, giữ gìn cái hay cái đẹp có tính cách riêng biệt, độc đáo của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, làm cho mọi người đều thấy được cái hay cái đẹp đó, có ý thức giữ gìn, trân trọng, nâng niu và tự hào về dân tộc mình, quê hương, đất nước mình.
Thiếu nữ dân tộc Thái duyên dáng trong áo cỏm, khăn piêu.
(Ảnh: Thanh Ba)
|
Làm thế nào để bảo tồn được văn hóa dân tộc khi xu thế phát triển du lịch ngày càng lớn là một công việc vô cùng khó khăn phức tạp, đòi hỏi những người có trách nhiệm tổ chức, quản lý và khai thác du lịch phải có tầm nhìn xa trông rộng, hơn thế phải có tâm trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa cho muôn đời sau.
Nói đến những giá trị văn hóa truyền thống là nói đến văn hóa vật thể và phi vật thể. Có thể hiểu khái lược văn hóa vật thể là những giá trị vật chất như những công trình kiến trúc, những sáng tạo nghệ thuật như: lăng tẩm, đình, chùa, đền, miếu, tháp, phù điêu, đồ dùng trong lao động và sinh hoạt… Văn hóa phi vật thể là những sản phẩm tinh thần với những hình thái cơ bản như: văn hóa ngôn từ, nghi lễ, lễ hội…; nghệ thuật trình diễn như ca múa, nhạc, sân khấu…; tri thức dân gian như ẩm thực, phong tục, tập quán. Văn hóa phi vật thể chủ yếu là những thành quả sáng tạo mang tính dân gian, có được do sự kết tinh trong quá trình phát triển lịch sử của nhân dân các dân tộc.
Thực tế văn hóa vật thể và phi vật thể luôn có mối quan hệ chặt chẽ, hòa quyện với nhau, hàm chứa nhau. Ví dụ như một cái đình, chùa, đền…luôn gắn với những lễ hội mang màu sắc văn hóa tâm linh; hay một điệu quan họ, điệu hát xoan, ca trù, khắp Thái, ca bài chòi... lại được “vật chất hóa” khi được các nghệ nhân thể hiện.
Thực tế hiện nay do việc phát triển du lịch một cách ồ ạt, đôi khi mang tính tự phát, thiếu một kế hoạch mang tính chiến lược dài hơi, cùng với việc cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ trong một sợi dây liên hoàn, công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch còn mang tính thời vụ, thiếu chuyên nghiệp. Đội ngũ hướng dẫn viên còn thiếu và yếu, đặc biệt về chất… dẫn đến nhiều giá trị văn hóa quý báu bị sai lạc.
Sa Pa một thời thu hút du khách bởi tiểu vùng khí hậu rất đặc biệt, cảnh quan sơn thủy hữu tình, nhiều di tích lịch sử văn hóa cổ, thì nay không gian văn hóa bị phá vỡ vì những công trình xây dựng không theo một quy hoạch nào, mạnh ai người ấy làm, miễn là lợi cho mình. Để làm đường họ không cần suy nghĩ mà phá tan những khối đá cổ lưu giữ cả một kho tàng vô giá về văn hóa của tổ tiên…
Tôi nhớ mãi một lần tại khu du lịch suối khoáng Bình Châu - Vũng Tàu, những du khách người nước ngoài đứng ngắm rồi rất thích thú chụp ảnh trên cây cầu bắc ôm quanh một thân cây xanh nhỏ mà không chặt đi. Thì ra, họ yêu và kính trọng cái việc biết nâng niu tôn trọng thiên nhiên của người làm du lịch nơi đây. Chặt phá thì nhanh mà nuôi trồng, gìn giữ mới khó.
Chỉ điểm qua một số khu du lịch ở Tây Bắc, ta cũng thấy những giá trị văn hóa dân tộc cũng đang bị mai một dần do sự phát triển du lịch. Đi suốt một dải, từ Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình… chỉ còn lác đác đây đó bóng hoa ban trắng mà ngày xưa là rừng nối rừng, hoa trải thảm trên ngàn, hương thơm vấn vít từng áng mây ngọn gió và đã trở thành biểu tượng của Tây Bắc.
Rồi những khu du lịch đua nhau mọc lên như nấm nhưng lại thiếu đi nét đặc trưng của dân tộc, vùng miền. Đứng trước một ngôi nhà sàn văn hóa, dẫu xây cất bằng vật liệu gì du khách cũng không thể phân biệt được đó là nhà sàn của dân tộc nào, của người Tày, người Mường, người Thái hay của người Khơ Mú...
Trong các buổi biểu diễn hoặc giao lưu văn nghệ các vũ công người Mường lại xòe và hát Thái… Ngay các điệu xòe Thái vốn tinh tế và uyển chuyển trong điệu khèn, điệu “pí” - (sáo) hay đàn tính từng say lòng bao du khách trong và ngoài nước, nay cũng bốc lửa hơn bởi những động tác dậm chân và lắc hông trong tiếng nhạc xập xình. Hay đi vào những nét cụ thể của văn hóa dân tộc thì không sao kể hết cái đã bị hòa tan, bị lệch lạc, thậm chí mất đi nét đẹp là tinh hoa văn hóa tự bao đời.
Chỉ một ví dụ, bây giờ có bao nhiêu em gái Thái đen hiểu ý nghĩa nhân sinh cao đẹp của hàng cúc bạc hình bướm trên áo “cỏm” - (áo mặc ngoài bó sát người của con gái Thái) mình đang mặc, mà một bên là những con bướm đực, một bên là những con bướm cái. Bướm đực có đầu hình tam giác, mang đôi râu kiêu hãnh vươn ra phía trước, bướm cái đầu tròn, có lỗ nhỏ hình thoi ở giữa.
Khi luồn đầu bướm đực vào đầu bướm cái, vạt áo được khép lại kín đáo. Hai hàng bướm như đang chụm đầu vào nhau trong vũ điệu giao duyên huyền ảo. Con gái chưa chồng hàng cúc mang số lẻ như còn chờ đợi cặp đôi, con gái có chồng hàng cúc mang số chẵn chuyên chở hạnh phúc vẹn tròn. Ý nghĩa âm dương giao hòa, khát vọng một cuộc sống sinh sôi bất diệt được gửi gắm vào hàng khuy áo, nơi luôn được trái tim rực lửa yêu đương ấp ủ sao mà tinh tế và cao đẹp biết nhường nào!Bây giờ thôi thì đủ màu sắc, tay ngắn, vai bồng, hở cổ, hàng cúc chẵn lẻ tùy ý…
Đành rằng khi xã hội phát triển, ảnh hưởng sự giao lưu các nền văn hóa cùng sự cách tân theo quan điểm thẩm mỹ của thời đại, không thể cứ nệ cổ. Nhưng với chiếc áo sắc màu diêm dúa, thêm chút phấn son, các em như bước ra sân khấu, để rồi những du khách, những người Thái cao tuổi, đặc biệt là các nhà nghiên cứu không khỏi day dứt, tiếc nuối…
Các phong tục tập quán và lễ hội, do sự hiểu biết và năng lực còn hạn chế của cán bộ chuyên trách, lại chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nghệ nhân và các nhà sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian nên có lúc tổ chức còn nửa cổ nửa kim. Ví dụ “Hội cầu mưa của người Thái Tây Bắc” lại có hình ảnh “ông trời” cầm cành cây nhúng vào một bình nước vẩy tượng trưng cho cơn mưa(!) Một chợ tình đã thương mại hóa làm ảnh hưởng không nhỏ tới nét đẹp cổ truyền vốn có…
Các nghệ nhân thì ngày một già yếu và mất dần. Trong khi họ là người nắm hầu hết vốn liếng tài sản tinh thần của cộng đồng về những lĩnh vực nhất định. Chính họ chứ không phải ai khác là người lưu giữ và truyền cho thế hệ sau, chẳng thế mà tổ chức UNETSCO đề nghị tặng họ danh hiệu: “Báu vật nhân văn sống”. Song chúng ta đã làm gì, tạo những điều kiện như thế nào để cùng các nghệ nhân gấp rút sưu tầm, truyền dạy giá trị văn hóa ấy cho đồng bào, đồng thời tôn vinh chăm sóc “báu vật nhân văn sống” của mỗi tộc người?
Các địa phương khác trong cả nước, mức độ có thể khác nhau nhưng nhiều nơi việc tổ chức, quản lý và khai thác du lịch theo kiểu ăn xổi ở thì, chạy theo lợi nhuận, gây ra những tác hại không nhỏ cả về môi sinh, môi trường cùng việc “chết mòn” các giá trị văn hóa mà nhiều tác giả có tâm đã thể hiện quan điểm cùng nỗi xót xa trong rất nhiều bài báo và công trình nghiên cứu.
Các nước có ngành du lịch phát triển, cũng từng phải trả giá không nhỏ cho những điều tưởng như nhỏ nhặt kia. Song họ nhanh chóng biết rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời, bởi vậy tự thân các sản phẩm du lịch của họ, trong đó có văn hóa dân tộc, tỏa ra một sức hút đến say lòng du khách trong và ngoài nước. Cứ nhìn sang các nước láng giềng như Thái Lan… khởi điểm của họ cũng như ta, chưa nói có những yếu tố tự nhiên nhiều cái không bằng ta, vậy mà giờ đây du lịch Thái Lan đã phát triển mạnh mẽ, bao giờ chúng ta mới theo kịp họ?
Ngày nay hoạt động du lịch đang đem lại một nguồn lợi không nhỏ, được coi là ngành "công nghiệp không khói", có tác dụng như một đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế, văn hóa…. Song muốn lâu bền, phải chăng một trong những điều cần thiết là phải giữ được văn hóa đặc thù của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, thu hút được du khách ngày một đông hơn. Làm thế nào để văn hóa dân tộc mãi giữ được cái hồn cốt riêng ấy. Đó là câu hỏi lớn dành cho các cấp, các ngành có chức năng tổ chức, quản lý và khai thác du lịch, mà một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy du lịch là: tăng cường bảo vệ các di sản văn hóa và môi trường du lịch.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đặt ra rất nhiều vấn đề lớn, toàn diện và có tính chiến lược, mà khi áp dụng vào từng vùng, miền, các nhà lãnh đạo có trách nhiệm tổ chức, quản lý và khai thác du lịch cần có sự áp dụng khoa học và sáng tạo, nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân tộc. Tự thân nét đẹp văn hóa ấy tỏa ra một sức hấp dẫn với du khách.
Trần Vân Hạc
Các tin khác
Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày giải phóng thủ đô 10-10, cùng xem lại những bức ảnh của lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng - người vừa nhận giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2016.
Tối 8/10, tại Nhà hát chèo Ninh Bình đã diễn ra Lễ bế mạc “Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016”. BTC đã trao 5 giải Vàng cho các vở diễn xuất sắc.
Nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2016), tối 9/10, tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội), Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội tổ chức chương trình biểu diễn những điệu múa cổ Thăng Long và hát dân gian.
Ba ứng viên nặng ký cho giải Nobel văn học 2016 là Haruki Murakami (Nhật) , Ngũgĩ wa Thiong'o (Kenya) và Philip Roth (nhà văn Mỹ gốc Do Thái).