“Đàn bà Mông rất đỗi thương chồng”
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/11/2016 | 1:59:51 PM
YBĐT - Trong những chuyến công tác vùng cao, tôi đã được gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số. Đó là những người phụ nữ Tày, Thái, Mường, Dao, Mông… chỉ biết gắn bó với ruộng nương trên những bản làng quanh năm mây phủ; là những thiếu nữ các dân tộc e ấp, duyên dáng trong bộ váy áo mới xuống chợ…
Nhưng tôi đặc biệt ấn tượng với người phụ nữ dân tộc Mông luôn cần cù, nhẫn nại, chịu thương chịu khó. Đó là hình ảnh những người phụ nữ Mông cặm cụi bên bếp lửa, miệt mài trên nương đồi hay hồ hởi, rạng rỡ trong những phiên chợ lung linh sắc màu thổ cẩm, nhưng dù thế thì trên tay họ luôn có cuộn lanh, tấm thổ cẩm và cây kim để từ đôi bàn tay khéo léo làm nên những chiếc váy Mông rực rỡ sắc màu.
Có lẽ từ những cảm nhận yêu mến, khâm phục người phụ nữ Mông như vậy nên khi bắt gặp bài thơ “Đàn bà Mông” của tác giả Lê Vân, tôi có cảm giác thật gần gũi, mến thương. Tác giả đã mở đầu bài thơ bằng hình ảnh:
“Đàn bà Mông theo chồng về bản
Chồng ngồi lưng ngựa, vợ cầm đuôi lên dốc
Chiếc áo phập phồng gió núi Hoàng Liên”
Giữa núi rừng hùng vĩ, giữa con đường mòn ngược dốc bao la gió ngàn; hình ảnh đôi vợ chồng người Mông trở về bản sau phiên chợ như nét chấm phá trong khung cảnh ấy. Đó cũng là hình ảnh quen thuộc dễ bắt gặp khi bạn có dịp lên với vùng cao. Nhưng đằng sau đó là sự chịu đựng, nhẫn nhịn đến tuyệt vời của người phụ nữ Mông.
Trước khi cùng nhau về bản như thế thì người phụ nữ Mông đã phải chờ đợi chồng tan cuộc rượu, chăm sóc chồng cho hết hơi men. Đàn ông Mông thường uống rượu rất nhiều, nhiều khi mải mê quên cả việc nhà nhưng đàn bà Mông thì phải chăm lo, vun vén gia đình và làm hầu hết mọi việc.
Từ nấu ăn, giặt giũ, kiếm củi, gùi nước, làm nương, xuống chợ… Nhưng người đàn bà Mông không bao giờ kêu ca, than vãn mà coi đó là bổn phận của mình. Quanh năm ngày tháng họ chỉ quanh quẩn với chồng con, công việc và rất ít có sự sẻ chia. Dường như họ sinh ra chỉ để dành cho gia đình. Vai trò của người phụ nữ Mông lớn lao là vậy nhưng vị trí của họ thì luôn luôn phải là ở phía sau người chồng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tuy vậy, người đàn bà Mông cũng có những khát khao, những giây phút được sống cho riêng mình. Và những lúc như thế, dường như họ bỗng trở thành con người khác: mạnh mẽ và đằm thắm hơn. Bạn sẽ bắt gặp giây phút ấy của người đàn bà Mông khi họ đến với phiên chợ tình - phiên chợ chỉ dành cho những tình yêu chung thủy, cao đẹp và trong sáng đến lạ kỳ. Những lúc như thế:
“Đàn bà Mông uống rượu bằng bát
Đêm chợ tình say múa hát
Đôi bàn tay dẻo như dệt vải, se lanh
Chiếc váy xoè như cánh chim công”
Bỏ lại đằng sau bao bộn bề của công việc, gia đình; người đàn bà Mông bỗng chốc hoá thành thiếu nữ thuở nào đang căng tràn sức xuân. Họ lại say sưa múa hát, mê mải chuyện trò như quên hết tháng ngày.
Chỉ một ngày đêm đến với chợ tình để trở lại là mình của ngày xưa nhưng ngần ấy cũng đủ để người phụ nữ Mông lại có thêm niềm vui, sức sống trở về với chồng con và công việc gia đình. Họ lại tiếp tục vòng quay mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm; lại lặng lẽ chịu đựng và tìm niềm vui trong hạnh phúc của chồng con. Cũng bởi một lẽ:
“Đàn bà Mông rất đỗi thương chồng
Chồng ăn cơm, mình ăn mèn mén
Quạt không rời tay khi chồng say xỉn
Tiếng cười theo vó ngựa thời gian.”
Qua những câu thơ trên có thể người đàn bà Mông không chỉ yêu mà còn “rất đỗi thương chồng”. Và khi đã thương thì họ chăm sóc bằng cả tấm lòng, sự tận tụy, bao dung.
Với mở đầu và kết thúc đều bằng hình ảnh người đàn bà Mông nhẫn nhịn theo chồng, chăm sóc chồng; bài thơ “Đàn bà Mông” của tác giả Lê Vân như một câu chuyện kể chân thực, sống động về cuộc sống và những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Mông. Họ chính là những người có sức chịu đựng và tình yêu lớn lao nhất của núi ngàn. Và có lẽ, nhờ những người phụ nữ Mông ấy mà ta thêm ghi nhớ, ấn tượng hơn về một miền sơn cước nào đó bước chân đã đi qua.
Anh Thư
Các tin khác
Lễ khai mạc Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ IV đã diễn ra tối 1/11, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.
Với định dạng phim Urtra HD 4K, tác phẩm kinh điển thế giới "Đông Dương" từng giành giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar sẽ chính thức ra rạp vào ngày 4/11 tới đây.
Điện ảnh-Hội nhập và phát triển bền vững là chủ đề của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ IV được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 1-5/11.
Nghệ sĩ Phạm Bằng vừa qua đời lúc 20h ngày 31-10 sau 2 tháng điều trị bệnh viêm gan và viêm mật tại bệnh viện Hồng Ngọc.