Một dấu mốc quan trọng của văn học - nghệ thuật Yên Bái
- Cập nhật: Thứ tư, 23/11/2016 | 2:40:17 PM
YBĐT - Ngày 8/12/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã ký Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Yên Bái 5 năm.
Đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái xem tranh tại Triển lãm Mỹ thuật sắc hoa xuân 2016.
|
Đây là Giải thưởng VHNT cao quý của tỉnh Yên Bái trao tặng cho các tác phẩm có chất lượng cao của các hội viên Hội Liên hiệp VHNT sáng tác trong mỗi nhiệm kỳ 5 năm.
Giải thưởng nhằm đánh giá và biểu dương tài năng, cống hiến của văn nghệ sỹ trong lao động sáng tạo nghệ thuật; đồng thời, động viên, khích lệ các văn nghệ sỹ luôn tích cực phấn đấu, vươn lên để có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, phản ánh sâu sắc, toàn diện vẻ đẹp của đất và người Yên Bái trong công cuộc xây dựng và phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Ngay sau khi có Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, Trang VHNT Yên Bái điện tử và Tạp chí Văn nghệ Yên Bái đã đăng tải công khai toàn bộ nội dung Quy chế xét Giải nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về Quy chế và quy trình, điều kiện xét Giải, thời hạn nhận tác phẩm.
Bước tiếp theo, Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái đã ra thông báo, hướng dẫn việc nộp tác phẩm tham dự Giải thưởng tới tất cả hội viên, tổ chức thu nhận tác phẩm xin dự Giải và thành lập Hội đồng Sơ khảo; đồng thời, tham mưu giúp UBND tỉnh thành lập và mời các văn nghệ sỹ có uy tín về chuyên môn của các hội chuyên ngành trung ương tham gia Hội đồng Chung khảo.
Tổng số đã có 191 tác phẩm, cụm tác phẩm của 87 tác giả và nhóm tác giả tham dự đúng quy chế. Gồm 14 tác phẩm văn xuôi của 14 tác giả; 16 tác phẩm thơ của 15 tác giả; 24 tác phẩm mỹ thuật của 12 tác giả; 73 tác phẩm nhiếp ảnh của 10 tác giả; 25 tác phẩm âm nhạc của 9 tác giả; 3 tác phẩm văn hóa dân gian của 3 tác giả, nhóm tác giả; 16 tác phẩm biểu diễn - sân khấu - múa của 7 tác giả; 8 tác phẩm điện ảnh- truyền hình của 5 tác giả, nhóm tác giả; 12 tác phẩm kiến trúc của 12 tác giả và nhóm tác giả.
Qua quá trình làm việc khách quan, công tâm, vô tư, công bằng và trách nhiệm, Hội đồng chấm Chung khảo Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm lần thứ Nhất đã xét chọn và trình lên Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định trao Giải thưởng VHNT tỉnh Yên Bái 5 năm lần thứ Nhất cho 61 tác phẩm, cụm tác phẩm gồm 7 tác phẩm, cụm tác phẩm xếp loại A, trong đó có 1 tác phẩm văn xuôi, 1 tác phẩm thơ, 1 tác phẩm mỹ thuật, 1 tác phẩm nhiếp ảnh, 1 tác phẩm kiến trúc, 1 tác phẩm biểu diễn - sân khấu - múa, 1 tác phẩm âm nhạc; 16 tác phẩm, cụm tác phẩm xếp loại B, trong đó có 2 tác phẩm văn xuôi, 2 tác phẩm thơ, 1 tác phẩm văn hóa dân gian, 2 tác phẩm mỹ thuật, 2 tác phẩm nhiếp ảnh, 2 tác phẩm kiến trúc, 2 tác phẩm biểu diễn - sân khấu - múa, 2 tác phẩm âm nhạc và 1 tác phẩm điện ảnh - truyền hình.
Trao 19 tác phẩm, cụm tác phẩm xếp loại C, trong đó có 2 tác phẩm văn xuôi, 1 tác phẩm thơ, 2 tác phẩm văn hóa dân gian, 3 tác phẩm mỹ thuật, 3 tác phẩm nhiếp ảnh, 3 tác phẩm kiến trúc, 2 tác phẩm biểu diễn - sân khấu - múa, 3 tác phẩm âm nhạc; 19 tác phẩm, cụm tác phẩm xếp loại Khuyến khích, trong đó có 3 tác phẩm văn xuôi, 3 tác phẩm thơ, 3 tác phẩm mỹ thuật, 3 tác phẩm nhiếp ảnh, 3 tác phẩm kiến trúc, 1 tác phẩm biểu diễn - sân khấu - múa, 3 tác phẩm âm nhạc.
Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo chủ trì cuộc họp xét Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm lần thứ Nhất vòng chung khảo.
Có thể nói, việc thực hiện xét Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm lần này là một sự kiện lớn của VHNT Yên Bái. Coi là một sự kiện lớn vì nhiều lý do. Trước hết, đây là lần đầu tiên VHNT Yên Bái có giải thưởng 5 năm, đánh giá cả một quá trình sáng tác và thành tựu xuất sắc của các tác phẩm bên cạnh giải thưởng hàng năm.
Điều đặc biệt là Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm lần thứ Nhất này xét Giải cho tất cả các tác phẩm của VHNT Yên Bái được xuất bản, công bố từ 1954 đến 2015, nên cũng có thể coi Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm lần thứ Nhất này là Giải của VHNT Yên Bái 60 năm. Vì vậy, Giải thưởng thực sự là một sự kiện lớn, một dấu mốc quan trọng của VHNT Yên Bái. Các tác giả VHNT Yên Bái đã chờ đợi giải thưởng này từ khá lâu rồi. Có tác giả được trao giải đợt này đã đi xa như: cố nhà văn Hoàng Hạc, cố nhạc sỹ Ngọc Quang…
Trong khi đó, hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, ngay các tỉnh ở cận kề với Yên Bái cũng đã có giải thưởng 5 năm từ lâu. Phú Thọ có Giải thưởng Hùng Vương, Lào Cai có Giải thưởng Phan-Xi-Păng, Tuyên Quang có Giải thưởng Tân Trào, Hải Dương có Giải thưởng Côn Sơn, Hà Nam có Giải thưởng Nguyễn Khuyến, Ninh Bình có Giải thưởng Trương Hán Siêu…
Ngoài dấu mốc quan trọng, Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm còn là một nguồn vui, nguồn động viên, niềm tự hào của VHNT Yên Bái nói chung và từng tác giả nói riêng.
Đành rằng, văn nghệ sỹ sáng tác không phải vì giải thưởng, các sáng tác, đặc biệt là các sáng tác có chất lượng đều bắt nguồn từ năng lực, sự đam mê sáng tạo, nhu cầu giao tiếp nghệ thuật và lương tâm, trách nhiệm nghệ sỹ. Song Giải thưởng cũng là sự ghi nhận cho những tài năng, tâm huyết, nghị lực của đội ngũ văn nghệ sỹ Yên Bái, tạo thêm cho họ động lực sáng tạo các tác phẩm, các công trình nghệ thuật có giá trị.
Sự ra đời của Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm, còn cho thấy sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Mặc dù Yên Bái còn là một tỉnh nghèo, nhiều khó khăn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhiều thách thức đang phải đối mặt song tỉnh vẫn dành một nguồn kinh phí khá lớn để trao giải cho các tác phẩm xuất sắc, đóng góp cho VHNT nói riêng và đời sống văn hóa xã hội tỉnh nhà nói chung.
Điều đó cũng thể hiện sự khẳng định những thành tựu, đóng góp của VHNT Yên Bái đã đạt được trong những năm qua và cả sự mong đợi, hy vọng VHNT Yên Bái sẽ còn vươn cao, bay xa hơn nữa trong thời gian tới của lãnh đạo tỉnh cũng như toàn thể nhân dân các dân tộc Yên Bái.
Vòng sơ khảo xét Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm lần thứ Nhất.
Có được Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm là một niềm vui lớn, niềm phấn khởi, tự hào song bình tĩnh nhìn lại cũng có nhiều điều phải suy nghĩ, nhiều việc cần phải làm ngay.
Đó là, các tác phẩm đoạt giải đợt này, tuy đã có nhiều thành công cả về nội dung và nghệ thuật song cũng phải mạnh dạn nói rằng, vẫn còn những hạn chế ở từng mặt, từng khía cạnh. Vẫn còn những tác phẩm chưa phản ánh hết, phản ánh hay, phản ánh đặc sắc hiện thực cuộc sống, chưa ngang tầm với đất và con người Yên Bái, một vùng quê núi non, sông hồ hùng vĩ, thơ mộng, có nhiều dân tộc anh em chung sống, giàu bản sắc văn hóa độc đáo và truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng kiên cường, đang nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Vì vậy, đòi hỏi mỗi chúng ta không được “ngủ quên” trên những gì đã có. Con đường sáng tạo nói chung và sáng tạo VHNT nói riêng không bao giờ là con đường bằng phẳng, dễ dàng, vui làm, khó bỏ. Nó luôn đòi hỏi sự tâm huyết, sự nỗ lực phấn đấu, vươn lên, không lặp lại của các văn nghệ sỹ.
Nhìn vào các tác giả có tác phẩm đoạt giải đợt này, ta còn thấy hầu hết là tác giả thuộc thế hệ thứ nhất và thứ hai của đội ngũ tác giả Yên Bái. Đó là Hoàng Hạc, Ngọc Quang, Ngọc Bái, Vũ Chấn Nam, Dương Soái, Quách Hùng, Trần Cao Đàm, Hán Trung Châu, Hoàng Thế Sinh, Hà Lâm Kỳ, Hoàng Xô, Hà Bích Thảo, Hoàng Việt Quân, Nguyễn Tiến Thành…
Sau hơn một chút là Nguyễn Hiền Lương, Nguyễn Đình Thi, Trần Quang Minh, Nguyễn Văn Sự, Hoàng Anh Đậu, Tuấn Nghĩa, Thanh Miền, Vũ Chiến, Ngọc Trìu, Đoàn Ngọc Bình, Đào Thị Sinh, Đặng Quyết Thắng, Thái Hoàng, Hoàng Đô…
Điều này sẽ có những tác động, tạo thêm động lực cho các tác giả trẻ, chưa có tác phẩm đoạt giải đợt này tích cực phấn đấu để có những tác phẩm đoạt giải ở mùa giải sau, như: Nguyễn Ngọc Yến, Nông Quang Khiêm, Hoàng Kim Yến, Nguyễn Xuân Tình, Vũ Thị Bích Hạnh, Trần Nghị, Nguyễn Ngọc Duẩn, Đặng Trung Hiếu, Nguyễn Tuấn Vũ…
Song cũng phải nhận thấy một thực tế, các tác giả đoạt giải, có người đã mất, còn lại đa phần đã cao tuổi, sức sáng tạo trong 5 năm tới tất yếu sẽ có những hạn chế.
Trong khi đó, sự xuất hiện một thế hệ tác giả trẻ, tác giả mới, tác giả là người dân tộc thiểu số có năng lực sáng tạo chưa nhiều. Đó là một khó khăn cho sự phát triển và nâng cao chất lượng tác phẩm, cũng như chất lượng của Giải.
Không thể để Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm lần thứ 2 lại có sự thụt lùi so với mùa giải đầu tiên. Điều này ngoài sự nỗ lực cố gắng của các tác giả, việc tổ chức các hoạt động chuyên môn của cơ quan thường trực Hội còn phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh.
Thời gian tới, cơ quan thường trực Hội sẽ đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ và nâng cao chất lượng tác phẩm, công trình nghệ thuật để có thể duy trì và phát triển chất lượng của Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm trong những kỳ tiếp theo.
Phấn đấu để có tác phẩm hay về nghệ thuật, tốt về tư tưởng, nâng cao chất lượng của giải thưởng 5 năm không phải là một điều dễ dàng song chúng ta vẫn có quyền hy vọng, tin tưởng vào một tương lai, triển vọng tốt đẹp từ đợt trao tặng Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm lần thứ Nhất, một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của VHNT Yên Bái.
Họa sỹ Nguyễn Đình Thi - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh Yên Bái
Các tin khác
Chiều 22/11, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức khai mạc triển lãm "Hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1954-1969".
Emily Hồng Nhung, đại diện Việt Nam đã xuất sắc lọt vào top 9 chung cuộc Hoa hậu Du lịch quốc tế 2016-Miss Tourism Metropolitan International 2016, vừa diễn ra tại Campuchia.
YBĐT -Với 712 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó, có 83 di tích văn hóa được xếp hạng với 13 di tích quốc gia, 73 di tích cấp tỉnh, Yên Bái còn là một vùng đất chứa đựng nhiều vốn văn hóa phi vật thể vô cùng độc đáo, mang sắc thái riêng của 30 dân tộc anh em.
Sắp diễn ra Cuộc thi múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số Việt Nam - Khu vực phía Bắc lần thứ nhất
Từ ngày 27-29/11, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức Cuộc thi múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số Việt Nam - Khu vực phía Bắc lần thứ nhất.