Đi tìm di tích đình làng của người Tày Khai Trung
- Cập nhật: Thứ sáu, 2/12/2016 | 8:14:11 AM
YBĐT - Từ lâu tôi đã được nghe đến những câu chuyện huyền bí xoay quanh những cây cột gỗ - dấu tích còn sót lại của một ngôi đình cổ của đồng bào dân tộc Tày, xã Khai Trung, huyện Lục Yên. Đây chính là minh chứng cho sự tồn tại của nét văn hóa tâm linh đặc sắc.
Ông Phương Xuân Lực giới thiệu chiếc chiêng dùng trong lễ cúng - di vật duy nhất của ngôi đình còn được lưu giữ.
|
Những ngày cuối tháng 11, theo chân đồng chí Lý Đạt Lam - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lục Yên chúng tôi tìm đến xã Khai Trung - nơi được mệnh danh là bình nguyên xanh nằm ở độ cao trên 700 m so với mực nước biển. Nằm cách trung tâm huyện Lục Yên chỉ 15 km, bao quanh xã là những dải núi đá trùng điệp tạo cho nơi đây một tiểu vùng khí hậu riêng biệt.
Ngay khi đặt chân đến mảnh đất này, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là đất đai rất màu mỡ. Những cánh đồng lúa, cánh đồng ngô bằng phẳng trải dài đến tận chân núi, tầng đất dày, tơi xốp, màu mỡ tưởng như cây trồng chỉ gieo xuống là mùa màng bội thu. Thực tế không khác nhiều với những cảm nhận của chúng tôi. Những ngôi nhà sàn sáng bóng nằm bình yên trong các ngôi làng no ấm, đỏ rực dưới sàn nhà từng vựa ngô lớn vừa thu hoạch.
Theo những người già ở đây thì người Tày đến Khai Trung khai hoang mới được 5 đời, lúc mới đến chỉ có 7 hộ, đến nay đã phát triển lên gần 200 hộ, chiếm 42% dân số của xã. Trong suốt quá trình phát triển của mình, người Tày ở Khai Trung vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng, trong đó có ngôi đình làng được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX đến nay vẫn còn những dấu tích lịch sử.
Dẫn chúng tôi đến thăm những di tích còn sót lại ngôi đình cổ của người Tày tại thôn Giáp Cang, đồng chí Nguyễn Khắc Thắng - Chủ tịch UBND xã Khai Trung cho biết: “Hiện nay, ngôi đình chỉ còn sót lại 5 chiếc cột bằng gỗ lý, toàn bộ di vật hầu như đã mất, trong đó đáng giá nhất là chiếc chuông cổ. Ngày nay chỉ còn lại một chiếc chiêng”.
Nằm tựa vào lưng núi nhìn ra cánh đồng rộng lớn của xã, theo người dân địa phương, ngôi đình linh thiêng lắm, đã từng có người phạm vào mà cuộc sống trở nên khó khăn. Những chuyện ly kỳ đó tuy không ai dám khẳng định nhưng mảnh đất nơi ngôi đình tọa lạc ngày nay chẳng ai dám động vào, cây cối um tùm bao phủ lên dấu tích còn sót lại. Trong 5 chiếc cột gỗ chỉ có 2 chiếc còn khá nguyên vẹn, một chiếc đang bị mối xông. Chúng tôi tìm đến gặp ông Phương Xuân Lực - người thuộc dòng họ cuối cùng làm nhiệm vụ trông coi ngôi đình.
Ông Lực năm nay 62 tuổi, gia đình ông cũng là một trong những dòng họ đầu tiên đến khai hoang ra vùng đất này. Bố của ông Lực là ông Phương Văn Bình, sinh năm 1914, là thầy cúng và cũng là phú mo đình (tức người trông coi ngôi đình trước đây). Theo lời ông Lực, khi bố ông được 6 tuổi thì mới đến đây và cũng là một trong 7 hộ dân đầu tiên đến khai hoang. Còn ngôi đình được xây dựng khoảng những năm 1920.
Thời điểm đó, ruộng đồng của người dân thường xuyên bị hổ, báo, gấu, hươu, nai phá phách, người dân bàn nhau dựng ngôi đình nhìn ra cánh đồng thờ thần núi, thần sông, thổ địa, cầu bình an mùa màng tươi tốt, cầu không bị thú rừng quấy nhiễu.
Từ đó, cứ đến ngày mùng 3 tháng Chạp hàng năm, người dân lại về tụ họp làm lễ tế thần. Mỗi năm đến ngày lễ tế thần, một hộ sẽ góp một con lợn làm cỗ cúng, sau đó cả làng sẽ cùng uống rượu, ca hát. Ngôi đình tồn tại đến năm 1971 thì bị phá, lễ cúng cũng bị bỏ. Khi đó, ông Lực đem theo chiếc chuông cổ và một chiếc chiêng về lập miếu thờ ở nhà. Tuy nhiên, đến nay, chiếc chuông cổ đã bị mất cắp, chỉ còn lại chiếc chiêng đồng vẫn được gia đình ông Lực lưu giữ.
Một chiếc cột gỗ của đình còn tồn tại sau gần 100 năm.
Tục thờ cúng thần núi, thần sông, thờ thổ địa trong những ngôi đình của người Tày là một nét văn hóa tâm linh đặc sắc, tồn tại từ nhiều đời nay. Ngôi đình ngày nay vẫn còn dấu tích lịch sử, là minh chứng rõ nhất cho sự tồn tại của nét văn hóa đặc trưng của người Tày Khai Trung. Theo lời đồng chí Chủ tịch UBND xã Khai Trung, thời gian tới, xã sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ du lịch cộng đồng, tập trung vào khai thác phong cảnh núi đá với điều kiện khí hậu trong lành để nơi đây sẽ là địa điểm lý tưởng cho du khách khám phá thiên nhiên. Tuy nhiên, để phát triển du lịch, địa phương cần phải có những sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách tham quan.
Được biết, năm 2015, xã đã khôi phục thành công lễ hội Lồng tồng của người Dao. Lễ hội đã thực sự là ngày hội văn hóa không chỉ của người Dao mà còn của đông đảo bà con các dân tộc trong xã nói riêng và huyện Lục Yên nói chung. Do vậy, thời gian tới, để có những sản phẩm du lịch phong phú, Khai Trung cần khôi phục lại ngôi đình cổ của người Tày, tạo nên những sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh để thu hút khách du lịch đến và lưu trú lâu hơn nơi bình nguyên xanh.
Anh Dũng
Các tin khác
Ngày 30/11, trong một cuộc họp tại thủ đô Addis Abeba của Ethiopia, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã đưa Văn hóa bia Bỉ vào danh sách "Di sản văn hóa phi vật thể" của nhân loại.
Ngày 30/11, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổng kết và trao giải thưởng “Ngày Hội nhật ký minh họa của thiếu nhi châu Á Mitsubishi Enikki 2015-2016.”
Lễ hội đèn lồng khổng lồ Việt Nam - Hàn Quốc 2016 sẽ diễn ra từ ngày 3/12/2016 đến 22/1/2017 tại công viên Yên Sở, Hà Nội.
Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL ) cho biết, ngày 28-11, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể 2003 của UNESCO chính thức họp phiên toàn thể tại Ethiopia.