Vũ điệu tình yêu và ước vọng

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/12/2016 | 1:57:50 PM

YBĐT - Đồng bào Khơ Mú hiện có khoảng 56.000 người sinh sống chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc - trong đó có Yên Bái. Cuộc sống dẫu đã có những đổi thay song người Khơ Mú vẫn là một trong không nhiều dân tộc còn giữ được những sắc thái riêng biệt.

Cùng với những quy ước chặt chẽ cố kết cộng đồng, người Khơ Mú còn luôn tự hào về kho tàng dân ca, dân vũ phong phú của mình. Đó là các làn điệu  "tơm" (hát giao duyên); "kưn chơ" (hát gọi nhau lúc đi đường) và các điệu múa "tẹ rơ vớơt" (múa khăn), "tẹ cưm đắt sim" (múa đuổi chim) và "tẹ muôn pị hâm mệ" (múa mừng xuân mới)… thể hiện sự hồn nhiên và yêu thích nhảy múa hát ca của người Khơ Mú. Trong đó, phải kể tới tẹ cạ grang (múa cá lượn) - một vũ điệu độc đáo, giàu ngôn ngữ hình thể, rộn ràng tươi vui, luôn được các thế hệ người Khơ Mú yêu thích và say sưa biểu diễn thể hiện niềm lạc quan cùng những mong ước tốt đẹp về tình yêu và cuộc sống.

Nhạc cụ đệm cho vũ điệu tẹ cạ grang là âm thanh vang ấm thiêng liêng của các rơbang (chiêng đực và chiêng cái) hòa cùng thanh âm rộn rã của seng (chụm chọe) và các nhạc cụ được làm từ tre nứa như: ôm đing, tinh tờ la, đao, tót… Tẹ cạ grang thường múa tập thể từ 6 đến 8 người hoặc múa đôi trai gái với các động tác đánh vai, lắc mông và vẩy tay vừa uyển chuyển mềm mại vừa nhanh khỏe trữ tình và giàu biểu cảm. Động tác và bước múa trong tẹ cạ grang luôn nồng nàn, thân mật, tràn trề khát vọng tình yêu và ấm áp tình cảm gắn bó cộng đồng.

Nghệ nhân ưu tú Vì Văn Sang ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn kể rằng: "Ngày xửa ngày xưa, người Khơ Mú sống chủ yếu bằng nương rẫy và săn chim trong rừng - bắt cá dưới nước. Ngày xuân nọ, có một người đi tìm bắt cá dưới suối. Thấy chúng bơi lội tung tăng từng đôi vẫy đuôi xòe vây, so đầu, cọ mình lượn đi lượn lại rồi nhao lên mặt nước như giỡn đùa - thật đẹp mắt. Về nhà, ông hình dung và nghĩ ra điệu múa tẹ cạ grang (có nghĩa là cá lượn). Nó gồm 6 động tác chính giống như những cái vẫy đuôi, xòe vây, ghẹ đầu quấn quýt bên nhau của những con cá trắng dưới lòng khe trong mùa tìm nhau kết đôi. Người Khơ Mú rất thích tẹ cạ grang và thường múa trong các lễ hội và ngày vui của  dân tộc mình".

Người Khơ Mú thường sống quây quần thành từng bản lưng chừng các sườn đồi dốc thể hiện tính đoàn kết rất cao. Điều này còn được biểu hiện ở các nghi thức sinh hoạt cộng đồng và cả trong vũ điệu truyền thống tẹ cạ grang. Nhà truyền thống của người Khơ Mú là nhà sàn cột gỗ, mái hình mai rùa lợp cỏ tranh, tựa lưng vào sườn đồi và ngoảnh mặt ra thung lũng. Trên nóc nhà thường có hai chiếc chân đờ rưng clọ. Hình dáng và hoa văn hoàn toàn khác với những chiếc khau cút của người Thái. Chân đờ rưng clọ giống như những chiếc râu của con ốc sên với hàm ý đuổi ma dọa quỷ khỏi về quấy nhiễu. Dát nhà thường được làm bằng thân cây vầu - loại cây luôn gần gũi trong đời sống của người Khơ Mú. Trang phục phụ nữ Khơ Mú gần giống trang phục của người Thái thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc.

Song, áo của phụ nữ Khơ Mú màu xanh đen với hàng mắc pam hình chữ nhật lấp lánh ánh bạc. Khăn đội đầu được gọi là rơ vơớt dài hơn một sải màu nền xanh thẫm, trên đó thêu nhiều hoa văn tinh tế với màu đỏ chủ đạo như những đốm lửa thắp lên giữa rừng sâu - gợi cảm giác nồng nàn, ấm áp. Đây là trang phục được sử dụng thường ngày và cả trong các dịp lễ hội của người Khơ Mú.

Điệu tẹ ca grang với những động tác vui nhộn được diễn xướng ngay bên cạnh đám nương mới tra xong với mong muốn xua đuổi chim chóc về phá hại mùa màng, cầu cho hạt mưa rơi đều, lúa nương tươi tốt nuôi người Khơ Mú từ năm trước tới năm sau - từ đời này đến đời khác. Niềm vui trong lao động và sự tin tưởng vào cuộc sống no đủ dường như đã xua tan đi những mệt nhọc của công việc nương đồi. Âm thanh vui nhộn của các nhạc cụ và bóng dáng của các thiếu nữ trong vũ điệu cá lượn hồn nhiên và mê đắm là biểu hiện sinh động của khát vọng tình yêu, niềm tin ở đôi tay và sự sôi trào của cuộc sống con người giữa thiên nhiên hoang sơ và hùng vỹ.

Tự hào về truyền thống văn hóa và tâm nguyện gìn giữ cho mai sau, trước mỗi mùa lễ hội mừng măng mọc của bản, đêm đêm, bên bếp lửa nhà sàn, nghệ nhân Vì Văn Sang và các bậc cao niên bản Khơ Mú ở Nghĩa Sơn lại say sưa truyền lại cho con cháu mình vốn nghệ thuật dân gian độc đáo mà ông cha đã sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất. Những nhạc cụ mang âm hưởng của núi ngàn khe suối, những làn hát tơm - hát kưn chơ… vui như tiếng chim hót đầu xuân và thổn thức như tiếng gọi bạn tình cùng những động tác xốn xang mời gọi của vũ điệu tẹ cạ grang cứ nồng nàn và cháy mãi như bếp lửa hồng “tầm brạ” giữa núi ngàn xanh thẳm, thắp sáng lên niềm tin yêu hy vọng trong tâm thức của các thế hệ người Khơ Mú gắn bó bên nhau ở đất này qua bao mùa nương rẫy.

Trầm bổng nhịp rơbang, âm vang tiếng trống, rộn rã thanh âm của tinh tờ la - ôm đing - đao - tót , những gương mặt rạng ngời trong sắc khăn ấm nồng sắc lửa, uyển chuyển và đắm say, những dáng hình thiếu nữ trong điệu múa tẹ cạ grang - vũ điệu của tình yêu và ước vọng… hẳn sẽ mãi là niềm tự hào của đồng bào Khơ Mú - những con người hồn hậu, thủy chung tôn trọng quy tắc cộng đồng, sống chan hòa giữa thiên nhiên và giàu khát khao mơ ước.

Thanh Tửu

Các tin khác
Khách tham quan triển lãm.

Ngày 27/12, tại Hà Nội, Tạp chí Heritage tổ chức lễ trao giải và triển lãm Hành trình di sản 2016, và phát động “Giải thưởng nhiếp ảnh Heritage – Hành trình di sản 2017”.

Ảnh minh họa.

Lần đầu tiên TP. Hội An tổ chức lễ hội trình diễn ánh sáng nghệ thuật tại khu phố cổ Hội An chào đón Tết Nguyên đán 2017.

Đại diện BTC cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 tại buổi họp báo.

Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 chính thức bắt đầu từ ngày 1/1/2017 – 19/8/2017, đêm chung kết sẽ diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa).

Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ).

Việt Nam là quốc gia có các nguồn lực văn hóa dồi dào và nếu được khai thác, phát huy hợp lý sẽ trở thành sức mạnh bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước. Dưới góc nhìn khoa học, các nhà nghiên cứu tham gia hội thảo “Các nguồn lực văn hóa cho phát triển bền vững - Lý luận, thực tiễn và các giải pháp chính sách” - diễn ra trung tuần tháng 12, đã phân tích, đề xuất một số giải pháp nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực văn hóa, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục