Kỷ niệm 10 năm thành lập Chi hội thơ Đường luật tỉnh Yên Bái (2007 - 2017)

Bước tiếp trên chặng đường mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/5/2017 | 8:09:41 AM

YBĐT - Chi hội Thơ Đường luật tỉnh Yên Bái, tiền thân là Chi nhánh Unesco thơ Đường Yên Bái được thành lập theo Quyết định số 05/TC-TĐ ngày 8/5/2007 về việc công nhận Chi nhánh Unesco thơ Đường tỉnh Yên Bái của Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Unesco thơ Đường Việt Nam, thuộc Hiệp hội Unesco Việt Nam.

Các đại biểu dự Đại hội IV, nhiệm kỳ 2016 - 2019 Chi hội Thơ Đường luật tỉnh Yên Bái.
Các đại biểu dự Đại hội IV, nhiệm kỳ 2016 - 2019 Chi hội Thơ Đường luật tỉnh Yên Bái.

Từ tháng 12/2012, Chi hội Thơ Đường luật tỉnh Yên Bái trực thuộc Hội thơ Đường luật Việt Nam, là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Hội viên hiện ở 5/9 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, là hội viên của nhiều hội, CLB như: Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, Hội Nhà báo, CLB Thơ Việt Nam, CLB Di sản thơ văn truyền thống và Hán Nôm Việt Nam… Từ 15 hội viên ban đầu, qua các năm đã kết nạp gần 80 hội viên để có số hội viên thường xuyên sinh hoạt là 50 người, tuổi đời từ 65 trở lên chiếm 70%.

10 năm qua, Chi hội đã tổ chức 4 kỳ đại hội. Đại hội bầu Ban Chấp hành là cơ quan lãnh đạo Chi hội giữa 2 kỳ đại hội. Cùng với Ban Chấp hành có các ban chuyên môn phụ trách từng phần việc cụ thể, như: Thường trực, Nội dung - Tuyên truyền, Tài chính - Đời sống, Kiểm tra, Văn nghệ và các tổ thơ. Ban Chấp hành đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng chức danh, từng ban chuyên môn trên tinh thần: dân chủ tập trung, đoàn kết thống nhất, phát huy cao độ tính năng động sáng tạo của mỗi thành viên cho nhiệm vụ chung.

Nhìn lại mười năm xây dựng, Chi hội đã dành được kết quả toàn diện rất đáng khích lệ trong nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị cao đẹp của thơ Đường luật. Nhớ lại buổi đầu đến với thơ Đường, nhiều tác giả chưa nắm chắc 5 yếu tố cơ bản: niêm, luật, vần, đối ngẫu và bố cục. Phần lớn người yêu thơ đến với thể loại thơ này để sống vui, để thơ được giao lưu trao đổi song hiểu biết và kinh nghiệm còn nhiều hạn chế nên bài viết bố cục thiếu mạch lạc, tiền hậu bất nhất, thực luận không phân minh, đối ngẫu không chỉnh, trùng từ, điệp vận còn khá phổ biến.

Bài viết thường hay mắc những lỗi như: bình đầu, thượng vĩ, đại vận, tiểu vận, hạc tất, phong yêu, bàng nữu, chánh nữu… Hay dùng những từ đệm, những từ bắc cầu, đưa đẩy (gọi là hư từ) như: rằng, thì, là, mà, cũng, đã, dù, ví, với, vẫn, cho hay, âu là… làm mất đi nhiều ý, giảm giá trị của bài thơ. Bởi vậy, học tập nâng cao năng lực và chất lượng sáng tác là yêu cầu bức thiết đã được quan tâm đúng mức và thu được kết quả tốt đẹp.    

Hàng năm, Chi hội đã tổ chức tốt “Ngày thơ Việt Nam” (Thơ Nguyên tiêu), “Ngày thơ truyền thống 20/9” của Chi hội, có nội dung phong phú và thiết thực. Tích cực tham gia “Ngày hội thơ Đường toàn quốc” tổ chức thường niên ở các tỉnh, thành. Thường xuyên tổ chức giao lưu trao đổi với các chi hội thơ Đường trong khu vực, xướng họa thơ với các thi huynh, thi hữu trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu là nhóm thơ Rừng Hạnh gồm 3 tác giả đã có thơ mời họa, được 85 bạn thơ ở 15 tỉnh, thành hưởng ứng, gửi về Ban Biên tập trên 300 bài thơ để in tập thơ xướng họa có tựa đề “Sắc thu”. Tập thơ được bạn đọc gần xa đón nhận và đánh giá có chất lượng.

Thực tế bao giờ cũng khơi nguồn cảm hứng một cách hiệu quả đối với các nhà thơ, các tác giả thơ. Chi hội đã tổ chức thành công 2 chuyến du lịch Thác Bà và Văn Chấn - thị xã Nghĩa Lộ để tìm cảm hứng sáng tác, kết quả có gần 100 bài thơ Đường viết về non nước, đồng quê về các di tích lịch sử đằm thắm, xúc động hình thành trong 2 chuyến đi này. Để nâng cao chất lượng sáng tác cho hội viên, Chi hội đã tổ chức thành công 2 cuộc thi: sáng tác câu đối năm 2013, sáng tác thơ và họa thơ năm 2015.

Chi hội còn làm tốt việc giới thiệu nhiều tác phẩm thơ của tập thể và hội viên trong các kỳ sinh hoạt. Những bài viết được chuẩn bị công phu đã nêu bật được giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, điều đó không những cổ vũ, động viên đối với từng tác giả mà còn giúp mọi người cảm nhận tác phẩm sâu sắc hơn, học hỏi được nhiều điều hay, ý đẹp hơn. Đặc biệt, tập thơ “Thao thức một miền quê” của tác giả Lê Ngân không chỉ dừng lại ở cấp độ giới thiệu mà còn nâng lên thành cuộc hội thảo với 7 bản tham luận của các nhà văn, nhà thơ trong tỉnh và trung ương.

Việc đăng tải các sáng tác của hội viên cũng được quan tâm đúng mức. Chi hội có một số tập thơ in chung đó là: “Yên Bái Đường thi”, “Thơ Đường Yên Bái”, “Yên Bái Đường thi chọn lọc”, “Mùa xuân xướng họa thơ Đường”, “Thơ Đường Yên Bái kỷ yếu và tác phẩm”, “Hồn thiêng sông núi” và “Giang sơn gấm vóc”. Với số lượng hơn 2.000 bài thơ, hàng trăm câu đối và bài phú được giới thiệu. Một số tập thơ đã có mặt trong Thư viện tỉnh và một số trường trung học phổ thông.

Đồng thời, nhiều hội viên có bài đăng trong các tập “Thắp sáng Đường thi”, “Thơ Đường luật Việt Nam”, “Tuyển tập thơ Đường luật Việt Nam kỷ niệm 10 năm” (2005 - 2015), “Thơ dâng Bác”, chuyên san “Thơ Đường đất Việt” và gần đây là “Đường về xứ Nghệ” của Hội thơ Đường luật Việt Nam với số lượng gần 500 bài. Thơ in chung với các chi hội khác trong nước gồm: “Đất rồng thiêng”, “Nhớ Tú Xương”, “Đường luật Phú Yên” tập 5 và tập 6, “Đà Nẵng yêu thương”, “Miền linh diệu”, “Võ Nguyên Giáp trong hồn thơ Việt”,  “Phố mới Trung Tâm” tập 5. Số bài in chung trong các tập thơ này có trên 300 bài. Tác phẩm in riêng của 18 tác giả từ 2007 đến nay là 35 tập, trong đó 31 tập thơ và 4 tập truyện, ký và tiểu luận. Tác giả có nhiều ấn phẩm được giới thiệu là: Lê Lộc, Lương Quang Bách, Lê Ngân và cố thi sĩ Đinh Hội, số lượng từ 4 đến 7 tác phẩm. Số còn lại có từ 1 đến 2 tác phẩm.

Những năm qua, nhiều hội viên đã có bài được giới thiệu trên báo, tạp chí của tỉnh và các tỉnh bạn, như: Lương Quang Bách, Lê Lộc, Lê Ngân. Nguyễn Văn Chiêu, Nguyễn Thu My, Vũ Thị Tường Vy, Nguyễn Sỹ Đào, Nguyễn Văn Đính, Lại Cao Mùi, Nguyễn Văn Hợp và một số tác giả khác. Cùng với việc in sách, các tác giả thơ trong Chi hội còn có trang web cá nhân, như: Nguyễn Sỹ Đào, Nguyễn Đức Pha, Nguyễn Văn Đính, Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Thị Hồng Thịnh, Lê Huy Sa, Nguyễn Duy Tâm, Trần Quốc Hùng… Chi hội có khoảng 35% hội viên sử dụng Facebook và hộp thư điện tử, thuận lợi cho việc giao lưu trao đổi và đăng tải các tác phẩm rộng rãi hơn. 

Thành tích nổi bật là nhiều bài thơ được trao giải thưởng của UBND tỉnh cùng các cuộc thi, gồm: 3 giải nhất, 6 giải nhì, 11 giải ba và 8 giải khuyến khích của 11 tác giả. Với thành tích đạt được nêu trên, Chi hội đã được Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tặng Bằng khen, Hội thơ Đường luật Việt Nam tặng Giấy khen.

Kết quả rất đáng trân trọng nêu trên có được từ tình yêu đối với thơ, đến với thơ các thi nhân mong được sống vui, sống khỏe, được giao lưu trao đổi để thơ được quảng bá, đăng đàn. Đó cũng là sự lao động nghiêm túc, cầu thị tiến bộ trong nghiên cứu, học tập nâng cao năng lực và chất lượng sáng tác vì một nền thi ca dung dị, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao dân trí, phục vụ công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc.

Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, nếu thiếu sự định hướng về nội dung, tư tưởng, động viên khích lệ về tinh thần và giúp đỡ về vật chất của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, trực tiếp là Hội thơ Đường luật Việt Nam, cùng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm trong tỉnh thì hội viên Chi hội Thơ Đường luật tỉnh nhà, khó có điều kiện thuận lợi hơn cho sáng tác và giới thiệu các tác phẩm của mình.

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu đó, nguyện làm tốt nhất những điều mà cấp ủy, chính quyền và các ban ngành địa phương kỳ vọng trên tinh thần đoàn kết thống nhất, năng động sáng tạo, đổi mới, trí tuệ tích cực bảo tồn, quảng bá và nâng cao vị thế của thơ Đường luật, một thể thơ bác học, di sản quý của dân tộc, phấn đấu giữ vững danh hiệu là một trong những chi hội dẫn đầu của Hội thơ Đường luật Việt Nam.

Nguyễn Sỹ Đào - Chủ tịch Chi hội Thơ Đường luật tỉnh Yên Bái

Các tin khác
Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại; tạo động lực, khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực tham gia tuyên truyền thông tin đối ngoại thông qua các tác phẩm, sản phẩm mang hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, trí tuệ Việt Nam đến với thế giới, cũng như đưa thế giới đến với Việt Nam.

Thổi kèn đưa dâu trong đám cưới người Dao đỏ.

"Đừng thấy nhiều hoa mà phân tâm, đừng thấy nhiều bướm mà phản ý, hoa đẹp cũng chỉ hái một bông, bướm xinh cũng chỉ ghép một cặp". Tiếng kèn của người Dao đỏ ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên là niềm vui, niềm hạnh phúc lứa đôi nên chỉ sử dụng trong lễ cưới xin và lễ cấp sắc mà không sử dụng trong các lễ hội, ma chay như nhiều dân tộc khác.

Lễ mừng cơm mới đã thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng và trở thành sự kiện du lịch hằng năm.

Ở Yên Bái, người Mông có dân số khoảng trên 110.000 người, đứng thứ tư về số dân trong tỉnh gồm 4 nhóm chính là: Mông Hoa, Mông Đen, Mông Trắng và Mông Si. Trong đó, người Mông Hoa và Mông Si chiếm đa số và đều cư trú chủ yếu tập trung trên các triền núi cao ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu và các xã vùng cao huyện Văn Chấn, Văn Yên.

Các đội bóng chuyền tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trấn Yên hăng hái tham gia Giải bóng chuyền do huyện tổ chức dịp đầu tháng 3, chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (15/3/1947 - 15/3/2024), kỷ niệm 78 năm Ngày thể thao Việt Nam 27/3.

Thời gian qua, huyện Trấn Yên chú trọng công tác tuyên truyền, phát động Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với nhiều hoạt động cụ thể, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục