Hướng tới kỷ niệm 92 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017)

Một thời để nhớ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/6/2017 | 11:53:16 AM

YBĐT -  Trong miền ký ức của ông, những năm tháng gắn bó cùng đồng đội nơi chiến trường xưa luôn được gìn giữ và trân trọng bởi nó gợi nhớ biết bao kỷ niệm sâu sắc về một thời gian khổ nhưng hào hùng, vẻ vang của dân tộc.

Có lẽ trong tâm hồn mỗi chúng ta đều lưu giữ những miền ký ức không thể nào quên. Miền ký ức ấy giống như một cuốn nhật ký ghi lại những chặng đường đã qua, những dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời để mỗi khi lật giở ta lại tìm thấy bóng dáng của mình trong đó, được sống lại những kỷ niệm khó phai.

Với nhà báo – chiến sĩ Trần Cao Đàm cũng vậy, trong miền ký ức của ông, những năm tháng gắn bó cùng đồng đội nơi chiến trường xưa luôn được gìn giữ và trân trọng bởi nó gợi nhớ biết bao kỷ niệm sâu sắc về một thời gian khổ nhưng hào hùng, vẻ vang của dân tộc.

Năm 1967, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta bước vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất, Trần Cao Đàm lúc ấy đang là một phóng viên trẻ của Đài Truyền thanh Nghĩa Lộ đã xung phong lên đường chiến đấu. Ông được biên chế vào Tiểu đoàn 927, Đoàn 766, quân tình nguyện Việt - Lào, hoạt động ở vùng biên giới Sầm Nưa.

Cũng giống như nhiều thanh niên lúc bấy giờ, cùng với bầu nhiệt huyết sục sôi của tuổi trẻ và khát vọng chiến đấu vì nền độc lập nước nhà, trong hành trang của người lính trẻ Trần Cao Đàm có một cuốn sổ nhỏ luôn được ông gìn giữ và mang theo bên mình.

Cuốn sổ đó đã giúp ông ghi lại cuộc sống của người lính, những trận đánh, những mất mát hy sinh và cả những tâm tư tình cảm, nỗi nhớ nhà của người lính nơi biên cương vời vợi. Cuốn sổ đó sau này đã trở thành nguồn tư liệu quý giá để Trần Cao Đàm có được những trang viết sống động, chân thực về hình ảnh, cuộc sống, sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ vùng biên giới Việt - Lào.

Trong những năm tháng khoác áo lính, Trần Cao Đàm vừa làm nhiệm vụ của một chiến sĩ trực tiếp cầm súng chiến đấu với kẻ thù vừa viết tin bài cộng tác với các báo: Quân đội nhân dân, Chiến sĩ Tây Bắc… Nhưng những bài viết của ông lúc đó còn khá dè dặt và không thường xuyên.

Có thể nói, sự nghiệp làm báo của Trần Cao Đàm chỉ thực sự bắt đầu khi ông tốt nghiệp Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) năm 1979. Lúc này, đất nước đã hòa bình và bước vào công cuộc tái thiết, khôi phục lại những hậu quả sau chiến tranh. Với những kiến thức đã được trang bị từ nhà trường cùng với những trải nghiệm sâu sắc của một người lính từng cận kề cái chết, Trần Cao Đàm rất tích cực và hăng hái với công việc của một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa.

Năm 1979, cuộc chiến biên giới xảy ra, Trần Cao Đàm khi ấy đang là phóng viên của Đài Truyền thanh Hoàng Liên Sơn, ông thường xuyên có mặt ở nhiều vùng đất trên dải Hoàng Liên hùng vĩ, lúc ở Bắc Hà, lúc ở Bát Xát, lúc lại có mặt ở Sa Pa.

Tận mắt chứng kiến sự chiến đấu dũng cảm của người lính, tận mắt chứng kiến sự chà đạp của quân giặc với đồng bào mình, ông đã viết truyện ngắn “Hương ngải bên rừng” để ca ngợi những tấm gương anh hùng nơi vùng biên ải. Truyện ngắn của ông được đăng trên Báo Văn nghệ năm 1982. “Hương ngải bên rừng” là tác phẩm văn học đầu tay của Trần Cao Đàm đã được bạn bè, đồng nghiệp và người đọc đánh giá cao, ghi dấu sự trưởng thành trong nghề nghiệp của Trần Cao Đàm.

Thành công đó đã thôi thúc ông không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và sáng tác nhiều tác phẩm đậm chất văn học nhưng cũng mang hơi thở cuộc sống đương đại. Sau “Hương ngải bên rừng”, Trần Cao Đàm tiếp tục có nhiều tác phẩm hay được đăng tải trên các báo, tạp chí của trung ương và địa phương, như: “Ngọn lửa vùng biên”; “Dòng máu”… Đó đều là những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh mà âm hưởng chủ đạo chính là ngợi ca những tấm gương chiến đấu anh dũng trong công cuộc bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.

Không chỉ ca ngợi hình ảnh người lính trong chiến tranh, Trần Cao Đàm còn đi sâu khai thác cuộc sống đời thường của người lính, đó là những góc khuất trong tâm hồn mà chỉ những người từng trải qua chiến tranh mới có thể cảm nhận được. Người lính trong chiến tranh phải vượt qua bao khó khăn, gian khổ nhưng khi trở về với cuộc sống đời thường cũng chẳng dễ dàng gì.

Những truyện ngắn “Câu hỏi sau chiến tranh”; “Chuyện tình của đồng đội” hay “Trăng rừng”… in trong tập “Lẽ đời” đã cho khiến người đọc không khỏi chua xót và day dứt trước những hoàn cảnh éo le, khắc nghiệt của người lính.

Sinh ra và lớn lên ở Nghĩa Lộ nên Trần Cao Đàm có biết bao kỷ niệm sâu sắc, tình cảm lưu luyến với mảnh đất này, nhất là khi mảnh đất ấy đã từng chìm trong khói lửa chiến tranh. Người dân nơi đây đã chịu bao đau thương mất mát, bao hy sinh để giành lại từng tên đất, tên làng…

Trong tâm trí của Trần Cao Đàm, hình ảnh quê hương từ những gì giản dị nhất, như: cây đa, dòng suối, những ngôi nhà sàn của người Tày, người Thái… đều da diết yêu thương và gợi nhớ trong ông biết bao kỷ niệm. Từ những tình cảm đó, Trần Cao Đàm đã viết tập tiểu thuyết: “Đất Mường thời dông lũ” như một món quà ân tình để dành tặng quê hương yêu dấu. Tác phẩm đã đoạt giải A trong Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật “Tự hào về truyền thống quê hương Yên Bái” do Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức năm 2012.

Sau khi nghỉ hưu, Trần Cao Đàm càng có nhiều thời gian để tập trung sáng tác văn học. Các tiểu thuyết: "Bến ngòi", “Âu Lâu bến lửa” cũng ra đời vào thời điểm này. Ngoài ra, ông còn có nhiều truyện ngắn, bút ký viết về cuộc sống, con người và những dấu ấn văn hóa của quê hương Yên Bái, được đăng tải trên các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương, chủ yếu là trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái.

Hơn 70 tuổi nhưng Trần Cao Đàm vẫn say mê với công việc của một người cầm bút. Ngoài những lúc sáng tác, ông cần mẫn chăm sóc vườn thuốc nam của mình. Ông có nhiều bài thuốc quý học được từ những ngày còn trong quân ngũ, giờ vẫn được ông áp dụng để chữa bệnh cho nhiều người.

Ông có dự định sẽ tiếp tục viết về mảnh đất Nghĩa Lộ quê ông và những vùng đất đã để lại trong ông nhiều ấn tượng khó phai bởi trong quá trình công tác Trần Cao Đàm đã tích lũy được nhiều tư liệu quý giá. Bạn đọc hy vọng vào những tác phẩm mới của ông và hy vọng với niềm say mê sáng tác, Trần Cao Đàm sẽ tiếp tục cho ra  mắt bạn đọc nhiều trang viết sống động và hấp dẫn hơn nữa.

Mai Phương

Các tin khác
Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Tối 17/4, tại sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hội tụ non sông”, chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Chương trình nghệ thuật sử thi

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Các đại biểu tham gia chương trình.

Chiều 16-4, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023. Đáng chú ý, sau khi tiến hành sơ loại, có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện tham gia Giải Báo chí quốc gia kỳ này.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên họp.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Sở Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn xây dựng về kinh phí, trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo đúng đủ kinh phí cho hoạt động kỷ niệm; các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể các điểm bắn pháo hoa, chương trình nghệ thuật ánh sáng tối 10/10/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục