Khi “hồn xòe” quyện hòa cuộc sống

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/7/2017 | 7:59:57 AM

YBĐT - Năm 2015, xòe Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò vinh dự được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó, thị xã Nghĩa Lộ đã có đề tài nghiên cứu khoa học về xòe cổ và nhiều giải pháp khôi phục, phát huy, truyền dạy 6 điệu xòe cổ trong nhân dân.

Kết quả này đã được ghi dấu ấn tượng bằng màn trình diễn đại xòe cổ lớn nhất xác lập kỷ lục Việt Nam với sự tham gia của 2013 diễn viên, nghệ nhân, nhân dân các dân tộc trên địa bàn thị xã trong Lễ công bố quyết định của UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt Đề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ giai đoạn 2013 - 2020.

Đến nay, xòe đã thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, được ví như cơm ăn, nước uống hàng ngày trong đời sống đồng bào dân tộc Thái ở Nghĩa Lộ. Trong ngày lên nhà mới của nhiều gia đình dân tộc Thái, bên mâm cỗ, cùng với những lời trò chuyện, chúc tụng gia chủ là những lời hát chúc mừng đầy ý nghĩa. Khi men rượu đã nồng, lời hát tình tứ, mượt mà hơn cũng là lúc mọi người nắm tay nhau hòa vào vòng xòe uyển chuyển, nhịp nhàng.

Chỉ cần một vài cây tre để gõ tằng pẳng và bất kể đồ dùng gì có thể thay trống, chiêng là đều được tận dụng để âm thanh của điệu xòe được cất lên cùng với những tiếng hát say sưa chất chứa tình cảm, để rồi bất kể già trẻ, gái trai đều hào hứng bước vào vòng xòe. Đặc biệt, trong ngày cưới của đồng bào dân tộc Thái, bên cạnh những chén rượu chúc phúc, những bài hát chúc mừng lứa đôi là những điệu xòe xao xuyến, quyến luyến của những nam thanh, nữ tú ở bản làng đó như gửi gắm tình yêu của lứa đôi, của niềm hạnh phúc.

Xòe vốn dĩ xuất phát từ trong cuộc sống, chính vì thế, xòe ngày càng ăn sâu vào cuộc sống. Không chỉ lúc vui, ngày hội mới xòe mà cả những lúc có công việc nặng nhọc xong xuôi người Thái cũng múa xòe để thư giãn, thoải mái tinh thần, tạo niềm vui, động lực để tiếp tục lao động sản xuất.

Người Thái quan niệm rằng, múa xòe thì phải vui, càng đông thì càng vui, càng vui thì cây cối càng đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu. Sau những ngày lao động vất vả trên ruộng nương, không khí rộn ràng của múa xòe làm người dân nơi đây dường như quên đi hết những mệt nhọc thường ngày. Sau những đêm hội múa xòe, bà con dân tộc Thái lại trở về với cuộc sống thường nhật và ai cũng thấy yêu lao động, yêu cuộc sống hơn, để rồi lại đợi chờ đến đêm hội xòe tiếp theo để cùng nhau say trong điệu xòe.

Giờ đây, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, tất cả các thôn, bản đều có đội văn nghệ nòng cốt nhằm phục vụ các sự kiện, các ngày lễ hội của quê hương đất nước và phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn. Trong hoạt động du lịch cộng đồng, lúc nào cũng có đội văn nghệ biết xòe cổ và giới thiệu về các điệu xòe cổ, mời du khách cùng tham gia vòng xòe, thu hút du khách trong và ngoài nước cùng người dân bản địa tay trong tay hòa mình trong vòng xòe nơi phố thị miền Tây.

Bạn Lò Thị Thúy ở xã Nghĩa Lợi chia sẻ: “Mỗi khi được đắm mình trong điệu xòe, em cảm thấy rất tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình. Vì thế, em luôn xòe bằng cả tâm hồn, tình yêu của mình với quê hương, bản làng và hy vọng du khách sẽ cảm nhận được nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Thái chúng em”.

Xòe không chỉ hiện hữu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, trong phát triển du lịch mà giờ đây xòe đã đi vào các hoạt động ngoại khóa của các trường học trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Mỗi tuần 2 lần, các học sinh ở nhiều trường sẽ trình diễn 6 điệu xòe cổ vào giữa giờ ra chơi. Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lý Tự Trọng còn đưa múa xòe trở thành hoạt động thường xuyên trong giờ múa hát sân trường tất cả các ngày học trong tuần và trong các tiếng học ngoại khóa.

Anh Lê Thanh Tùng - giáo viên thể chất Trường Tiểu học và Trung học sở Lý Tự Trọng cho biết: "Luyện tập múa xòe cho các em học sinh không những góp phần truyền thụ những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương Mường Lò - Nghĩa Lộ đến thế hệ trẻ trên địa bàn mà múa xòe còn là hoạt động giúp thư giãn cơ thể cho các em học sinh sau những tiết ngồi học lâu. Múa xòe cũng rất phù hợp với nhiệm vụ của năm học là triển khai tập luyện múa hát sân trường".

Xòe đã trở thành một hoạt động thường nhật của người dân bản làng, là hoạt động văn hóa tinh thần của đông đảo người dân trên địa bàn thị xã. Hồn xòe đã và đang quyện hòa trong cuộc sống ở các bản làng, cũng từ đó mà hun đúc thêm tinh thần đoàn kết, ước mơ, khát vọng về một cuộc sống mới tiến bộ, ấm no, hạnh phúc mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc để xòe thêm xứng đáng với sự tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thu Hạnh

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Triển lãm “70 năm đền ơn đáp nghĩa” sẽ được tổ chức từ 25-27/7, tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội) với nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017).

Ngày 9-7, tại TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp với Pháp viện Minh Đăng Quang đã khai mạc Hội thảo quốc tế của Hiệp hội Nghiên cứu tôn giáo và văn hóa Nam Á, Đông Nam Á (SSEARS) lần thứ 7. Hội thảo lần này có chủ đề "Vùng ASEAN và Nam Á: Nơi giao hòa của văn hóa và Phật giáo ở Đông Nam Á", thu hút phật tử và giới nghiên cứu tôn giáo từ 44 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.

Một quan chức cấp cao của Palestine ngày 4/7 đã hoan nghênh sự ủng hộ Liên hợp quốc đối với đề xuất của nước này và Jordan đưa ''Thành phố cổ Jerusalem và bức tường thành bao quanh'' vào danh sách Di sản thế giới.

Nhiều hoạt động văn nghệ quần chúng diễn ra tại Ngày hội.

Ngày hội giao lưu Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ 2 đã khai mạc tối qua (5/7) tại tỉnh Sơn La.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục