Quê núi qua “Đôi nét làng Mông” của Dương Soái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/9/2017 | 8:01:03 AM

YBĐT - Từng có nhiều năm tháng gắn bó với những bản làng vùng cao, tác giả Dương Soái không chỉ cùng ăn, cùng ở với bà con mà còn khá am hiểu phong tục quán của đồng bào. Điều đó đã được ông thể hiện trong bài thơ "Đôi nét làng Mông”.

Doi núi hình cánh cung
Nhà dựng chênh vênh cong làng xuống vực
Con đường lên - mũi tên vừa lắp
Sắp bật vào không trung.

Cổng đá hoang sơ như một cổng thành
Trâu cọ lưng chà nhẵn mịn.
Lô xô dãy đá kê lối đi - gân lá chụm lại cổng thành - cái cuống.
Nâu xỉn những mái nhà dãi nắng dầm mưa.

Đôi gỗ gạc chéo nhau - làng đang bận sang mùa
Nhà vắng. Trẻ đã theo già lên nương gieo hạt.
Những ống vầu mắc hờ chờ người về địu nước
Gió rót vô tình, vi vu.

Mây bỗng ào lên giăng một thoáng sương mờ
Làng thoắt ẩn mình giữa lòng biển trắng
Tiếng gia súc bầy đàn chợt kêu vang xáo động
Ấm áp làng Mông định cư.

Lời bình của Anh Thư:

Điều đầu tiên tác giả cảm nhận khi đến với làng Mông đó là hình ảnh "nhà dựng chênh vênh” khiến ông có cảm giác làng Mông như cong xuống vực. Đồng bào Mông vốn có thói quen ở những nơi sườn núi cao. Điều này đã được nói nhiều trong những câu chuyện cổ về nguồn gốc của người Mông và cũng thể hiện tính cách hiên ngang, dũng cảm của họ.
 
Tác giả Dương Soái hiểu rõ điều đó và ông thể hiện sự cảm phục của mình qua câu thơ miêu tả con đường lên bản người Mông vừa cao vừa dốc đứng như mũi tên sắp bật khỏi cung tên: "Con đường lên - mũi tên vừa lắp/ Sắp bật vào không trung”.

Ở khổ thơ tiếp theo, tác giả tiếp tục bước chân đến gần hơn những ngôi nhà của người Mông. Và đặc trưng của nếp nhà người Mông thể hiện ngay từ cổng vào. Đó là cổng đắp bằng đá như một chiếc cổng thành kiên cố, vững trãi. "Cổng đá hoang sơ như một cổng thành/ Trâu cọ lưng chà nhẵn mịn/ Lô xô dãy đá kê lối đi…”.
 
Từ xưa đến nay, cách bố trí nhà trong bản của người Mông thường thuận theo thế đất mà dựng; hướng trước quay về phía có vị trí quan sát thuận lợi, không bị che khuất; hướng sau dựa vào núi. Bởi thế, giữa những sườn non cao nhưng ngôi nhà của người Mông vẫn rất vững chãi và dễ dàng bao quát xung quanh.

Sự am hiểu phong tục đồng bào Mông của tác giả Dương Soái còn thể hiện qua câu thơ: "Đôi gỗ gạc chéo nhau - làng đang bận sang mùa”. Mỗi dân tộc đều có những kí hiệu riêng báo hiệu sự kiêng kị hoặc nhà đang có việc gì đó cho khách đến nhà. Nếu không am hiểu thì tác giả sẽ không biết "đôi gỗ gạc chéo nhau” nói lên điều gì. Thế nên không cần hỏi, tác giả cũng biết nhà đang vắng người bởi già trẻ cả nhà đã lên nương. Chỉ có âm thanh "Những ống vầu mắc hờ chờ người về địu nước/ Gió rót vô tình, vi vu” giúp xua tan không gian tĩnh lặng ấy.

Đến khổ cuối, nét đẹp của bản Mông càng hiện rõ: "Mây bỗng ào lên giăng một thoáng sương mờ/ Làng thoắt ẩn mình giữa lòng biển trắng/ Tiếng gia súc bầy đàn chợt kêu vang xáo động/ Ấm áp làng Mông định cư”.
 
Dù không có chút sự xuất hiện nào của con người, chỉ có một vài âm thanh của cuộc sống và nét đẹp bản Mông đến từ vẻ đẹp của thiên nhiên nhưng cảm giác "ấm áp làng Mông” đọng lại cuối bài thơ đã có sức dư ba mạnh mẽ. Phải chăng tác giả muốn nhấn mạnh: chính sự bình yên, tĩnh lặng của bản Mông; sự bình dị trong cuộc sống đồng bào vùng cao là nét đẹp riêng có, đủ sức cuốn hút, lưu luyến những ai từng một lần tới bản Mông.

Thế nên, dù chỉ là "Đôi nét làng Mông” nhưng cho người đọc cảm nhận tình yêu, sự trân trọng của tác giả với con người, cuộc sống nơi non cao. Họ cứ bình dị, hồn nhiên giữa núi rừng mà hiên ngang, vững chãi. Để rồi năm qua đi, tháng qua đi, làng Mông vẫn cứ ấm áp, vui tươi và xuân sắc như bông hoa giữa núi rừng.

Anh Thư

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục