Mùa xuân kể chuyện Nàng Han

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/1/2018 | 7:21:06 AM

YBĐT - Từ lâu ở Mường Lò đã lưu truyền trong dân gian câu truyện về Nàng Han. Đến hôm nay vẫn chưa ai biết họ tên thật của Nàng. Nàng là người dân tộc nào, quê quán, năm sinh, tháng đẻ; chuyện ăn ở, học hành và sự nghiệp của một con người như Nàng? Và vì thế người Mường có cách kể của người Mường, người Thái lại nhận nàng là dòng giống Thái.

Chỉ biết rằng, tục chơi hang Thẩm Han mỗi mùa xuân về là có thực. Chẳng thế mà có cả một bài thơ dài "Chơi hang Thẩm Han" với những câu ca quyến rũ lòng người: "Hai ta làm cánh hoa ban/Đến đây kể chuyện Nàng Han đôi lời". Dựa vào truyền thuyết này, cộng với vốn hiểu biết về lịch sử và văn hóa, nhà văn Hà Lâm Kỳ đã sáng tạo nên thiên dã sử "Thủ lĩnh Nàng Han" nhằm đem đến cho bạn đọc một cảm nhận mới về vùng đất giàu huyền thoại.

Nàng Han được sinh ra trong gia đình có bốn người con là: Sảnh, Han, Hon, Măng. Chẳng may bố mẹ mất sớm do bị lũ ống khi đi bắt cá ở suối Viềng. Ông Tùng, bà Tà thương tình đem lũ trẻ về nuôi dạy và cho người anh cả được mang họ của người Chiềng La nên có tên Hà Sảnh. Càng lớn Han càng đẹp, mười sáu tuổi đã như "người đàn bà đúc thành khuôn" (Me pa ló có lười - Thành ngữ Thái).
 
Trước khi mất, ông Tùng, bà Tà truyền dạy: "Bố mẹ cho con trai Hà Sảnh cái đất Chiềng La làm nơi ở, cho con gái Han cái hang Cá Trê ngoài núi Thiên Tạo làm nơi chơi. Nó là đất mường, đất bản các con giữ lấy".
 
Lời bố mẹ nuôi hay cũng chính là sứ mệnh thiêng liêng bố trời, mẹ đất giao cho mỗi con dân sống trên mảnh đất quê hương. Nuôi khát vọng trở thành tù trưởng hùng mạnh, Sảnh bàn với các thổ ty, lang đạo, phìa, tạo... mở rộng địa giới, gây dựng quyền lực "Đất Chiềng La ta hẹp, người Chiềng La ta nhiều, nay mai đất hẹp nữa, người nhiều nữa. Tôi muốn đòi lại Mường Cài, Mường Hôm. Muốn mở lên Bản Én, mở xuống Đồng Đằm".
 
Nhưng cùng với khát vọng mở đất thì thói xấu sinh ra từ quyền lực như đánh bạc, thích rượu, thích gái đẹp cũng dần làm mờ mắt Hà Sảnh. Được anh giao cho làm trợ thủ, Nàng Han nghĩ "phải làm thế nào để anh không là người xa cách  với các chức dịch Chiềng La. Xa cách sẽ thích chơi với người nịnh hót, không ưa người ngay thẳng. Anh sẽ có lúc gặp họa, người hành hung, trời thì quở phạt". Và bằng sự khéo léo của người con gái, tình yêu cùng trách nhiệm của người em, Nàng Han từng bước đã giúp anh tỉnh ngộ để lo việc bản, việc mường.
 
Riêng Nàng, khi được giao lập đội quân binh để giữ mường - trở thành Thủ lĩnh Nàng Han thì trách nhiệm đè nặng đôi vai. Ngoài luyện binh còn phải "nghĩ nhiều tới việc giúp dân trồng cấy, chăn nuôi; giúp dân biết dệt vải, đan lát, săn bẫy thú rừng, bắt cá. Rồi cả việc xên đông, xên mường theo tục truyền thống của người họ Lò".
 
Với cách nghĩ, cách làm này, Nàng Han sớm có tư chất của thủ lĩnh, thật phù hợp với truyền thống dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đội quân do Nàng thành lập ngày càng lớn mạnh, lực lượng đã lên tới 5 tập quân; tham mưu có phó thủ lĩnh kiêm tham sư võ hầu Hoàng Văn Hánh, chẩu mường Sa Văn Đăm làm tham sư văn hầu... Họ chọn cánh rừng già Pu Cút ở chân núi Thiên Tạo làm nơi hợp quân, luyện võ, mài đao, thử kiếm, thi thố cung tên.
 
Rồi nhất loạt chọn tấm lụa hồng có hình ba ngọn núi xanh với những dải tua thổ cẩm làm cờ xúy. Dụng binh mà trong lòng người nữ thủ lĩnh lúc nào cũng "chỉ mong cho đất trời bình yên, không ai tranh chấp, không có giặc giã. Nghĩa là không cần cầm đến thanh kiếm này. Thế là sung sướng lắm rồi".

Nhưng rồi giặc Tàu Ô tới, hết Cờ đen đến Cờ trắng lại Cờ vàng. Đi tới đâu là chúng cướp phá, giết người, chiếm đất. Từ Vân Nam tràn sang đất Việt, từ bờ sông Thao tiến đánh Mường Mẻng, Mường Lò. Sau chiến thắng ban đầu, quân binh tạm chịu thất thủ phủ Vần trước đội quân kiến cỏ Cờ vàng cùng những tên tướng quỷ quyệt như Sầm Nghi, Đặng Tiểu  Song với ý chí "thề quét sạch quân Tầu Ô" và tài chỉ huy của Thủ lĩnh Nàng Han, âm mưu đánh úp Mường Lò trước tết Nguyên đán của giặc đã bị đánh tan. Một trận Suối Thia rơi đầu phó tướng Đặng Tiểu, Sầm Nghi cùng tàn binh ôm đầu máu chạy thoát khỏi vòng mà tim đập chân run.
 
Giặc Cờ vàng tạm thời rút khỏi đất Mường Lò, Mường Mẻng. Chúa mường Hà Sảnh mừng lắm cho mở tiệc vui thâu đêm. Các tướng lĩnh được thưởng công bằng giao đất để dễ bề xây dựng đạo quân lớn mạnh, lo việc bình yên cho mường phủ. Phần mình, Nàng Han vẫn không quên tác thành cho đôi trai tài gái sắc đồng thời là tùy tướng thân cận: Đình Động, Đặng Loan.

Kết thúc tác phẩm, Hà Lâm Kỳ để cho Thủ lĩnh Nàng Han bị tên phản bội Trần Đức bắn vào ngực trái khi nàng đang cùng Loan và Măng tắm tại vực Vằng Phăng. Một kết thúc như trong truyền thuyết song cũng hợp lý để người nối tiếp sự nghiệp đánh giặc Cờ vàng là tạo Cầm Hánh.
 
Dù nhiều nuối tiếc thì người tiếp nhận tác phẩm vẫn được rung cảm với hình tượng nhân vật phụ nữ đẹp người "Me pa ló có lười"; nhân hậu "Nàng Han chợt nghĩ nhà sàn vẫn là đây, mái thông, khau cút vẫn là đây. Đồng lúa, dân bản, đồi rừng, con suối, cả ngọn núi nữa, anh em mồ côi đã lớn lên, đã biết nghĩ biết làm, nhất định sẽ làm những điều tốt, chỉ làm những điều tốt cho tất cả mọi người"; dũng cảm và bao dung "Nữ thủ lĩnh giơ tay chào đạo quân, rồi nàng tháo kiếm đầu rồng đeo bên người. Hà Đình Động bước tới đứng bên vị thủ lĩnh trẻ, đĩnh đạc. Nàng Han tút kiếm giơ lên, lưỡi kiếm dài sáng loáng như một lời chào ba quân.
 
Dưới bóng cây gạo to đang mùa trổ hoa, nữ tướng quân như nàng tiên giáng trần, lại như Bà Trưng ra trận. Những bông gạo đỏ gặp làn gió nhẹ rơi, xoay xoay trước mặt. Thủ lĩnh trao thanh kiếm cho tập trưởng quân Đình Động. Động cúi mình nhận vật báu. Đám quân binh lập tức lại bùng lên hô to: Thủ lĩnh Nàng Han. Thủ lĩnh Nàng Han".

Đọc "Thủ lĩnh Nàng Han", ta còn thấy vốn hiểu biết phong phú về địa chí, phong tục, văn hóa tộc người của tác giả. Một sự tích chiếc khăn piêu, một gia phả họ Trần Đình, các địa danh cổ của vùng đất suốt từ Khau Phạ đến tận sông Hồng. Nhiều đoạn văn giàu chất thơ, thể hiện sự quan sát tinh tế của người viết: "Nàng Han nhận lễ quy phong, bái lạy trời đất. Bỗng chốc trời nổi giông gió, khe suối rào rào thác đổ.
 
Bên kia đèo Vặn, chín sắc cầu vồng vắt qua dãy núi con Voi, cắm xuống suối Thia. Nàng Han nghiêng vai kéo cánh cung. "Pựt", mũi tên vút đi, bay đúng cửa hang Cá Trê của đồi Pu Cút, chân núi Thiên Tạo trên đất Mường Luông. Mo bản gõ ba hồi trống đất. Từ hôm nay hang Cá Trê của ông Tùng bà Tả thành nơi điều quân khiển tướng, dụng việc binh đao của Thủ lĩnh Nàng Han, chứ không còn là chốn dạo chơi sơn cảnh của mấy anh em nhà nàng như ngày còn bé nữa".

Tôi từng đọc truyện lịch sử viết cho thiếu nhi: "Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, "Đội du kích thiếu niên Đình Bảng" của nhà văn Xuân Sách... Vấn đề phản ánh chân thực lịch sử luôn phải được đặt ra bên cạnh quyền hư cấu của người viết. Hà Lâm Kỳ từng ghi dấu ấn về Đội du kích thiếu niên Hoàng Văn Thọ của quê hương Đại Lịch qua tác phẩm "Chim ri núi". Đó chính là tiền đề để anh cho ra đời tiếp "Thủ lĩnh Nàng Han".
 
Dẫu còn vấn đề phải bàn tiếp khi gom lịch sử của nhiều vùng đất, nhiều sự kiện quá xa cách về mặt thời gian trong cuốn dã sử. Song tác phẩm vẫn là bài học giáo dục quý về truyền thống yêu nước và Nàng Han của Mường Lò: "Gái mường ấy người đời sau gọi/Nữ tướng là Thủ lĩnh Nàng Han".

Thế Quynh

Các tin khác

"Táo Quân 2018" - cuộc gặp gỡ cuối năm được kì vọng, yêu mến, nhưng cũng sẽ mang nhiều tiếc nuối, khi có thể trở thành lần cuối những gương mặt thân quen hội tụ đầy đủ.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Múa rối nước là một trong những nghệ thuật biểu diễn nổi tiếng nhất Việt Nam

Kênh truyền hình Mỹ National Geographic mới có đoạn clip ngắn giới thiệu về nghệ thuật múa rối nước hơn 1.000 năm tuổi của Việt Nam.

Khu Di tích lịch sử Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Chiều 11/1, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám chính thức đưa vào hoạt động hệ thống thuyết minh tự động với 8 ngôn ngữ phục vụ nhu cầu tham quan của du khách trong nước và quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục