Vẹn nguyên hội Lồng tồng

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/2/2018 | 9:42:03 AM

YBĐT - Hội Lồng tồng là sinh hoạt tín ngưỡng của các dân tộc Tày, Dao nhằm tạ ơn đất, trời, các vị thần linh, thổ địa, thành hoàng trong vùng… đã phù hộ cho mùa màng bội thu, cuộc sống tốt lành, đồng thời cầu xin một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh, cuộc sống yên vui, an lành và hạnh phúc.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Theo dọc dải Đông hồ Thác Bà tới vùng thượng huyện Yên Bình, khi hoa mận, hoa đào thi nhau khoe sắc cũng là lúc cây còn được dựng lên.

Quả còn có đuôi nhiều màu bay tới tấp, nam nữ tay chuyền tay trao tình gửi hẹn trong ngày hội Lồng tồng. Vào hội còn, người con trai hát ướm: "Anh yêu em không sợ buồn sầu/ Cơm canh nóng anh thổi em ăn”.
 
Hát rồi chàng trai hướng quả còn vòng bay về phía cô gái mình yêu. Bất ngờ với lời ngỏ ngọt như mật ong, đón quả còn trên tay, má cô gái đỏ bừng nhưng vẫn thử lại: "Mến anh, em mến thương da diết/ Lo anh trồng cây mận chắn giữa/ Cây mận có nhiều gai khó thương”. Người con trai hiểu người con gái chưa tin lời mình: "Anh như cây chuối mới trồng/ Anh chưa có vợ có con”.
 
Lúc này, đôi mắt cô gái lúng liếng nhìn về phía chàng trai đầy tinh nghịch: "Thương nhau mười ngày đường hóa gần/ Không thương nhau nhà trên, nhà dưới cũng xa”. Từ phía xa, chàng trai vẫn dõi theo nụ cười nửa như tin, nửa như ngờ của cô gái mà hiểu rằng mình phải thổ lộ một cách quyết liệt nhất: "Yêu nhau nước suối đầy bờ cũng sang/ Không yêu vũng nước dấu chân trâu cũng tránh”.
 
Đón nhận lời ướm hỏi ngỏ tình ngọt lịm như cây mía mùa đông, cô gái không kìm nổi lòng mình nhưng vẫn có đôi phần do dự: "Ngọt nước lã ngọt đều/ Ngọt mật ong tan chóng”… Cứ thế, lời đáp lời, lòng đáp lòng, đã có nhiều người nên vợ chồng từ sau hôm hội.

Chăm chú lắng nghe tiết mục văn nghệ do chính nghệ nhân của dân tộc mình đang tái hiện hoạt động văn hóa dân gian trên sân khấu, những chàng trai, cô gái vùng Đông hồ Thác Bà hôm nay cũng tủm tỉm cười sau những lời yêu thương mộc mạc, ý nhị.
 
Trong thời buổi công nghệ hiện đại ngày nay dù có nhiều cách để tiếp nhận, trao đổi thông tin nhưng thông qua hình thức truyền dạy của các nghệ nhân dân gian đã truyền cảm hứng cho lớp thanh niên vẫn tiếp tục tung còn, trao tình, gửi hẹn trong lễ hội Lồng tồng đầu xuân. Sau nhiều năm tổ chức, lễ hội Lồng tồng ở vùng thượng huyện Yên Bình đã đổi mới bằng cách chọn xã điểm đăng cai từng năm nên thường thu hút đông đảo người dân của 8 xã: Yên Thành, Xuân Lai, Mỹ Gia, Cảm Nhân, Tích Cốc, Phúc Ninh, Ngọc Chấn, Xuân Long tới tham dự.

Hội Lồng tồng là sinh hoạt tín ngưỡng của các dân tộc Tày, Dao ở đây nhằm tạ ơn đất, trời, các vị thần linh, thổ địa, thành hoàng trong vùng… đã phù hộ cho mùa màng bội thu, cuộc sống tốt lành, đồng thời cầu xin một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh, cuộc sống yên vui, an lành và hạnh phúc.
 
Mâm cúng gọi là thanh bông hoa quả được đồng bào trong thôn, làng đóng góp công sức cùng nhau chuẩn bị. Tùy theo tục của thôn mà mâm cúng chỉ toàn các món chế biến từ thịt lợn, hay có mâm cỗ cúng chỉ toàn thịt gà cùng với các loại bánh được làm từ gạo với các loại bánh theo tập tục xưa như: bánh uôi, bánh pìa, chè lam, bánh cây trầu, bỏng gạo.
 
Vào giờ tốt tổ chức lễ cúng, thầy tạo (thầy cúng) hướng về mâm cúng chính đặt cạnh cây còn vòng hướng về phía mặt trời mọc gửi lời thỉnh cầu tới thần linh, thổ địa, sau đó sẽ tung quả còn đầu tiên để bắt đầu nghi thức tung còn. Sau phần lễ, đại diện chính quyền địa phương sẽ đặt đường cày đầu tiên trong nghi thức tịch điền, mở đầu cho những hoạt động thi cấy, hát khắp, hát cọi, hát sình ca và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu các môn thể thao dân tộc truyền thống như: bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, chọi gà, điệu khắp… thu hút hàng trăm người tham gia.

Lễ hội Lồng tồng ở vùng Đông hồ Thác Bà là hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân gian truyền thống đã được lưu giữ và phát huy mạnh mẽ và trở thành hoạt động thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm trong hành trình khám phá vùng đất phía Đông hồ Thác Bà.

Văn Dương

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục