Nghi lễ kỳ yên đầu xuân

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/3/2018 | 2:02:59 PM

YBĐT - Khác với ở miền xuôi, vùng nông thôn miền núi và vùng dân tộc thiểu số hiếm có các công trình đình, đền, chùa, miếu lớn kèm theo các lễ hội đầu xuân. Tuy vậy, nghi lễ cúng tế đầu xuân hay còn gọi là lễ kỳ yên (cầu an) vẫn diễn ra khá phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Lễ vật cúng thủy thần trong lễ hội lồng tồng của người Thái ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn.
Lễ vật cúng thủy thần trong lễ hội lồng tồng của người Thái ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn.


Chẳng hạn, người Thái có nghi lễ "xên đông” nghĩa là cúng ma rừng và "xên mường” tức là cúng ma mường ma bản. Các dân tộc khác thì có những nghi lễ cúng tế khác như cúng miếu, cúng đình. Sở dĩ có các nghi lễ này là do người dân quan niệm, con người sống ở đâu cũng đều có thần linh thổ địa ở nơi đó giống như phúc thần bảo hộ cho dân chúng, nên phải thờ cúng thần linh thổ địa (sơn thần) chu đáo theo nghĩa "có thờ có thiêng".
 
Các phúc thần này tùy theo quan niệm của dân cư ở mỗi mường bản. Có nơi thì cho rằng, chốn cây cao bóng cả như cây đa, cây gạo, cây si trong mường bản là nơi trú ngụ của thần linh; nơi thì coi hang động, rừng cây, khối đá lớn, ngã ba đường cái, bờ suối (thờ thủy thần)… là chỗ linh thiêng.
 
Ở nơi nào có đình làng (chỗ hội họp của làng), người dân thường sử dụng luôn nơi đó để thờ thần linh, thổ địa hay thần hoàng làng xứ đó. Từ quan niệm ấy, nên khi đi vào các làng bản vùng cao, ta thường thấy người dân dựng các am miếu nhỏ thờ tự ở những chỗ nói trên.

Để tạ ơn các phúc thần đã bảo trợ cho người dân các mường bản, bà con định ra các nghi lễ, ngày tháng cúng tế, hèm cúng… nhưng phổ biến nhất là nghi lễ cúng tế này thường được tổ chức vào cuối năm âm lịch và cúng tế sau tết Nguyên đán (tháng Giêng).
 
Trong đó, lễ cúng cuối năm được gọi là lễ tạ, nhằm tạ ơn thần linh thổ địa trong một năm đã phù hộ cho dân làng được bình an, làm ăn phát đạt. Nghi lễ này chủ yếu do thầy mo, trưởng bản, hay trưởng dòng họ được dân làng giao cho nhiệm vụ coi sóc việc tế lễ thực hiện. Lễ cúng gồm có thịt, rượu, xôi, bánh, vàng mã để tạ ơn. Đến dịp đầu xuân, nghi lễ kỳ yên được tổ chức to hơn và có nơi còn mở hội.
 
Trong dịp này, các gia đình hoặc nhóm gia đình hay từng họ phải đóng góp tiền bạc để tổ chức tế lễ hoặc mang lễ đến để cúng tế. Phần lễ chung nhất thiết phải có thịt lợn, gà, xôi, rượu, vải vóc, vàng mã, hạt giống các loại. Cá biệt, có nơi hèm cúng phải mổ một con trâu đen và một trâu trắng như nghi lễ xên đông, xên mường của người Thái hay là phải hiến tế gà vịt sống, thịt dê sống, lợn sống thả xuống dòng nước trong lễ cúng thuồng luồng (cúng thủy thần cầu mưa thuận gió hòa) của nhiều dân tộc…

Trong nghi thức cúng tế, chủ tế sẽ thay mặt dân làng trình báo những ước nguyện của bà con mường bản trong một năm mới để thần linh biết được mà bảo trợ cho làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào, mưa thuận gió hòa, tránh được tai ách, dịch họa...
 
Sau nghi lễ cúng tế, thầy cúng sẽ cùng đại diện các gia đình, dòng họ đi cắm giới (cắm bùa chú) tại 4 hướng ở rìa các mường bản hay các lối đi vào mường bản để ngăn ngừa tà ma xâm nhập quấy nhiễu.
 
Các đồ tế lễ được dọn xuống để dân mường bản cùng ăn tại chỗ và phần thì chia để mang về cho các thành viên không đến dự được. Những hạt giống làm lễ vật cúng tế cũng được chia cho dân làng mang về trộn lẫn với hạt giống của gia đình mình trước khi mang đi gieo trồng và người dân tin rằng, làm như vậy mùa màng sẽ được bội thu, người người ăn thứ ngũ cốc này sẽ được khỏe mạnh và may mắn.
 
Với ý nghĩa như thế, nên nghi lễ kỳ yên được bảo tồn khá bền vững trong cộng đồng các dân tộc ở miền núi để mọi người có được một niềm tin ngay từ đầu năm cho một năm mới lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống sẽ đạt được những điều như mong muốn.

Sơn Nam

Các tin khác
Tỉnh đoàn Yên Bái trao quà các lưu học sinh Lào đang học tập tại Yên Bái.

Trường Cao đẳng Yên Bái, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Văn nghệ Trường Sơn tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh vừa tổ chức Chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Lào và ra mắt Câu lạc bộ “Kết nối thế hệ”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam thông tin tại chương trình

Chương trình Nghệ thuật tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng có sự tham gia, trình diễn của các nghệ sĩ, ca sỹ nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và thành phố. Dự kiến gồm NSND Thanh Lam, Thu Phương, Tùng Dương, NSND Khánh Hòa, Phương Linh, Phạm Thu Hà, Isacc, Hòa Minzy, Erik, cùng gần 1.000 nghệ sỹ, diễn viên...

Một tiết mục văn nghệ biểu diễn tại thôn Nà Khà, xã Minh Xuân.

Thiết thực kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), 138 năm Ngày Quốc tế lao động và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), từ ngày 22 đến 26/4, Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Lục Yên tổ chức tuyên truyền lưu động tại các xã Khánh Thiện, Minh Xuân, Khánh Hòa, Phúc Lợi và thị trấn Yên Thế huyện Lục Yên.

Các mẫu tem trong bộ tem

Ngày 26-4-2024, Bộ Thông tin- Truyền thông sẽ phát hành bộ tem chủ đề “Hà Nội 12 mùa hoa”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục