Festival Huế 2018: Tổ chức lễ tế trời đất tại đàn Nam Giao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/4/2018 | 9:54:18 AM

Vào lúc 3 giờ ngày 27/4 (tức 12/3 âm lịch), tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức trang trọng Lễ tế Giao (tế trời đất) tại đàn Nam Giao. Đây là một lễ tế có từ thời nhà Nguyễn nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh vượng.

Lễ tế Giao tại đàn Nam Giao.
Lễ tế Giao tại đàn Nam Giao.

Lễ tế Giao là một lễ chính trong Festival Huế 2018, với đầy đủ các nghi lễ trang trọng, thu hút đông đảo du khách và nhân dân đến dự.

Lễ tế Giao có giá trị văn hóa đặc sắc, với các nghi thức tế lễ như lễ quán tẩy, lễ đón các thần, lễ tế ngọc và lụa, lễ tấn trở, lễ hiến tước, lễ truyền chúc, lễ á hiến, lễ ban phúc, lễ triệt hạ.

Chủ lễ cùng dân chúng dâng lên trời, đất và các vị thần linh mâm lễ phẩm có tam sanh (3 con vật quan trọng chuyên cúng tế ở đàn Nam Giao) là trâu, dê và lợn. Đây là lễ phẩm được dâng lên để tỏ lòng thành với thần linh và trời đất.

Theo ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2018, chủ lễ trong Lễ tế Giao, theo quan niệm của người xưa, trời và đất là hai chủ thể sáng tạo ra nhân loại. Nói cách khác, đất trời tượng trưng cho cha và mẹ. Thế nên, dưới các triều đại phong kiến, hằng năm đều có lễ tế trời đất.

Đây là nghi thức được xếp vào hàng Đại tự (lễ lớn) của quốc gia tại các nước trong khu vực. Lễ tế này được gọi là tế Giao. Vào tiết đông chí, vua tế trời ở Nam Giao, tiết hạ chí thì tế đất tại bắc Giao, nên tế trời, đất gọi là tế Giao.

Nếu lấy kinh thành Huế làm trung tâm, người xưa phân biệt Giao gồm có bốn vùng Nam, Bắc, Đông, Tây. Với quan niệm: "Thiên phúc địa tải" (đất chở trời che), từ xa xưa, con người phải cúng trời và đất để cầu "quốc thái dân an," "thái bình thịnh trị" và "phong điều vũ thuận" (mưa thuận gió hoà).

Thời các vua Nguyễn, tế Giao được xem là lễ tế có quy mô và quan trọng nhất của triều đình. Đàn Nam Giao ngày nay được xây dựng vào năm 1906 về phía Nam kinh thành. Ở đây, nhà Nguyễn cho hợp tế cả trời, đất và tổ tiên.

Thời gian đầu, triều Nguyễn tổ chức tế Giao vào mùa xuân hằng năm. Đến năm Thành Thái thứ 2 (1890), triều đình định lại ba năm tế Giao một lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Nghi lễ này được duy trì cho đến năm 1945.

Đàn Nam Giao là đàn tế lớn nhất và duy nhất được xây dựng một cách công phu dưới thời quân chủ. Do lễ tế Giao là một một nét văn hoá đặc trưng của các nước châu Á nên mô thức kiến trúc của đàn Nam Giao cũng thể hiện rõ những triết lý Á Đông, gồm có ba tầng, đại diện cho thuyết "tam tài" Thiên-Địa-Nhân.
 
* Festival Huế 2018 thu hút 24 đoàn nghệ thuật quốc tế

Chiều 26/4, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức họp báo giới thiệu về Festival Huế 2018 với sự tham dự của khoảng 600 phóng viên trong nước và quốc tế.

Theo ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó ban thường trực Ban tổ chức Festival Huế 2018, Festival Huế 2018 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế - 1 điểm đến 5 di sản” diễn ra từ ngày 27/4-2/5, được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (1993-2018); 15 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại (2003-2018).

Festival Huế 2018 quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn của những vùng văn hoá tiêu biểu của Việt Nam với 15 nhà hát, đoàn nghệ thuật và nhóm nghệ sĩ Việt Nam; cùng với 24 đoàn nghệ thuật đến từ 19 quốc gia trên thế giới (gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Sri Lanka, Mông Cổ, Israel, Pháp, Bỉ, Nga, Slovakia, Đan Mạch, Ba Lan, Tây Ban Nha, Colombia, Mexico, Australia và Morocco).

Tổng cộng có 1.296 nghệ sĩ (trong đó có 388 nghệ sĩ quốc tế, 398 nghệ sĩ trong nước, 510 diễn viên không chuyên trong tỉnh) tham gia biểu diễn 38 chương trình nghệ thuật với nhiều loại hình phong phú, đa sắc màu ở các sân khấu trung tâm Thành phố và các huyện thị trong tỉnh. Nhiều nghệ sĩ có mặt tại Festival lần này là những gương mặt nổi tiếng trên thế giới. Tên tuổi và tài năng của họ là hiện tượng độc đáo cho bản sắc văn hóa của dân tộc mình cũng như để lại dấu ấn của nghệ thuật đương đại.

Một trong những điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của Festival Huế là thông qua các kỳ tổ chức lễ hội, Việt Nam nói chung và Thừa Thiên-Huế nói riêng đã giới thiệu với bạn bè quốc tế về những tài nguyên di sản, về những bản sắc vùng miền của mình một cách sống động nhất. Quần thể Di tích kiến trúc Cung đình Huế cùng với các Di sản thế giới là hạt nhân gắn kết với nhiều nội dung trong các hoạt động Festival: Không gian Đông-Tây Điện Thái Hòa, Duyệt Thị Đường, Vườn Cơ Hạ, Vườn Thiệu Phương, sân Điện Cần Chánh, sân Điện Kiến Trung, Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh-Đại Nội, Không gian Cung An Định...

Đặc biệt, tham gia Festival Huế 2018 cũng là cơ hội được tìm hiểu, thăm thú và trải nghiệm những giá trị độc đáo của 5 Di sản đã được UNESCO công nhận: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc Cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2010), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (2016). Huế còn cùng với 9 tỉnh, thành miền Trung đồng chủ sở hữu 1 di sản phi vật thể vừa mới được UNESCO công nhận vào tháng 12/2017 là nghệ thuật Bài Chòi. 

Các chương trình, lễ hội chính gồm: Lễ Khai mạc lúc 20h  ngày 27/4 tại Quảng trường Ngọ Môn; Lễ Tế Giao lúc 3h ngày 27/4 tại Đàn Nam Giao; Chương trình nghệ thuật "Văn hiến Kinh kỳ” 19h15 ngày 28/4 và 30/4 tại Đại Nội Huế; Dạ tiệc Hoàng Cung lúc 18h ngày 27/4 và 19h các ngày 28/4 – 1/5 tại Duyệt Thị Đường – Đại Nội; Lễ hội Đường phố "Sắc màu văn hóa” lúc 16h các ngày 28/4 – 1/5 trên các tuyến phố chính; Liên hoan Hát văn, hát Chầu văn Toàn quốc năm 2018, từ 19h các ngày 26 – 29/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh; Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn lúc 19h  ngày 28/4 tại Phu Văn Lâu; Chương trình nghệ thuật "Âm vọng sông Hương” 20h ngày 29/4 tại Ngã ba sông Đông Ba - Công viên Trịnh Công Sơn; Chương trình nghệ thuật "Tỏa sáng niềm tin”: 20h ngày 1/5 tại Công viên Cầu Dã Viên; Chương trình Áo dài "Huế vàng son”: 20h ngày 1/5 tại Bia Quốc Học; Lễ Bế mạc: 20h ngày 2/5 tại Quảng trường Ngọ Môn.

Bên cạnh các chương trình chính, còn có 37 sự kiện, chương trình hưởng ứng Festival, các chương trình xã hội hóa, các hoạt động văn hóa cộng đồng phục vụ công chúng và du khách.

Festival Huế 2018 hứa hẹn một mùa lễ hội ở Cố đô Huế với nhiều nét mới, đặc sắc, ấn tượng và hấp dẫn đối với du khách gần xa.

Theo ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Festival Huế 2018 được lên kế hoạch các chương trình và lễ hội từ rất sớm nên Ban tổ chức đã chọn lọc, bổ sung được những chương trình nghệ thuật chất lượng, phù hợp với chủ đề, đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị đầu tư lớn và quy mô đối với các chương trình chính của lễ hội. Đến thời điểm này, các khu vực diễn ra các sự kiện lớn đã được đầu tư rất quy mô và bài bản từ sân khấu đến khán đài, hệ thống âm thanh, ánh sáng, hứa hẹn mang đến những chương trình biểu diễn hấp dẫn, đa sắc màu văn hóa.

Ngoài ra, các công trình, địa điểm phục vụ cho lễ khai mạc và chuỗi các sự kiện cũng đã được Ban tổ chức tiến hành kiểm tra, rà soát lại những khâu cuối cùng nhằm bảo đảm chất lượng tốt nhất phục vụ cho lễ hội; nhiều nghệ sĩ và đoàn nghệ thuật cũng đã có thời gian chuẩn bị, tập luyện, chạy thử chương trình từ nhiều ngày nay để sẵn sàng cho các buổi biểu diễn trong thời gian diễn ra Festival Huế 2018. Có thể nói rằng, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành. Tất cả đã sẵn sàng chờ đón ngày khai hội.

* Khai mạc Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2018

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động Festival Huế 2018, tối 26/4, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bộ VHTT&DL đã phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2018.

Dự liên hoan có hơn 400 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 16 đoàn đến từ các đơn vị, tỉnh thành phố như: Phú Thọ, Thừa Thiên-Huế, TPHCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Nhà hát chèo Việt Nam, Hải Dương, Hà Nam, Hải Phòng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hưng Yên.

Liên hoan là hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh, quảng bá và phát huy giá trị nghệ thuật của loại hình hát Văn, hát Chầu văn, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn, kế thừa, giới thiệu với công chúng và du khách về những giá trị của hát Văn, hát Chầu văn trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và thờ Đức Thánh Trần của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Liên hoan còn là nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giới thiệu, quãng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên-Huế nói riêng và cả nước nói chung trong tiến trình hội nhập quốc tế. 

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL), Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan cho biết, đây là lần thứ 2 Liên hoán hát Văn, hát Chầu văn được tổ chức kể từ khi được UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và Đức Thánh Trần của người Việt trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2016. Đây loại hình tín ngưỡng bản địa-một nghi thức quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đồng thời là loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo hội tụ các yếu tố như âm nhạc, trang phục, diễn xướng, múa. 

Sự sáng tạo phong phú của nhân dân đã làm nên biểu thức, cấu trúc, giai điệu, nhịp điệu đạt đến độ hoàn chỉnh làm say đắm lòng người, nội dung lời ca hết sức ý nghĩa gắn liền với truyền thống dân tộc lòng yêu nước đánh đuổi giặc ngoại xâm tinh thần tương thân tương ái, sự gắn kết cộng đồng. Vì vậy, nó có sức sống mãnh liệt, phát triển mạnh mẽ trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam.

"Việc tổ chức liên hoan là một trong những nội dung của chương trình hành động mà Bộ VHTT&DL đã đề ra để giữ gìn phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể này. Đây cũng là giải pháp cụ thể, thiết thực, để định hướng việc thực hành tín ngưỡng, tạo ra cơ hội giao lưu, gặp gỡ giữa các nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ các vùng, miền.

Chúng tôi tin tưởng rằng với tài năng, tâm huyết và niềm đam mê của mình, các nghệ nhân, nghệ sĩ sẽ đem đến cho nhân dân và du khách trong và ngoài nước nhiều chương trình, tiết mục hát Văn, hát Chầu văn đặc sắc, hấp dẫn, để lại những ấn tượng sâu sắc, khó quên, góp phần vào thành công chung của Festival Huế 2018”, Phó Cục trưởng Nguyễn Công Trung, nhấn mạnh.

Liên hoan sẽ diễn ra đến hết ngày 28/4.

(Theo TTXVN - chinhphu.vn)

Các tin khác
Dự thảo bìa bộ sách “Việt Nam theo dấu sử ca” của tác giả Lê Văn Cường.

YBĐT - Sau những thành công ban đầu từ cuốn "Đại cương thế giới sử thi” được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục người viết lịch sử thế giới bằng thơ lục bát dài nhất, thầy giáo Lê Văn Cường - Trường THPT Cảm Ân, huyện Yên Bình lại tiếp tục trăn trở trong tình yêu lịch sử và thơ ca để viết ra bộ sách lịch sử Việt Nam bằng thơ lục bát.

Một cảnh trong bộ phim

Sau hơn một năm ra mắt, bộ phim "Cha cõng con" vẫn gây được chú ý tại Liên hoan phim quốc tế Iran lần thứ 36 (FIFF) khi lọt vào vòng xét giải chính thức. Liên hoan diễn ra tại thủ đô Tehran, Iran từ ngày 19 đến 27-4-2018.

6 giải bạc thuộc về các vở diễn thuộc Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Nhà hát kich TPHCM, Nhà hát Thế giới trẻ, Đoàn kịch nói Công An nhân dân, Nhà hát Kịch Quân đội, CLB Sân khấu thể nghiệm Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

4 giải vàng thuộc về các vở diễn thuộc Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Công ty TNHH Giải trí Hero Film, Nhà hát Kịch Hà Nội.

Cảnh trong phim Những người viết huyền thoại.

Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa công bố chương trình đợt chiếu phim kỷ niệm các ngày lễ diễn ra trên toàn quốc từ ngày 27-4 đến 23-5.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục