Người lính trong thơ Đoàn Đức Bình
- Cập nhật: Thứ hai, 14/5/2018 | 8:33:14 AM
YBĐT - Như nhiều thanh niên thuộc thế hệ chống Mỹ cứu nước, Đoàn Đức Bình đã lên đường tham gia chiến đấu và trở thành cán bộ tuyên huấn Sư đoàn 377 – Quân chủng Phòng không không quân. Công tác tuyên truyền cùng khí thế hừng hực "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã hun đúc nên hồn thơ người lính.
|
Đọc thơ Đoàn Đức Bình, ta như được sống lại một thời tuổi trẻ gian nan song cũng vô cùng lãng mạn:
"Chúng tôi đi, đi ngược với dòng sông
Sáng ánh sao trên màu xanh quân phục
Với quê hương tình yêu căng lồng ngực
Với quân thù súng đạn chặt ba lô.
(Điểm gặp tình yêu)
Chiến tranh đã để lại dấu ấn không mờ phai trong ký ức. Đó là những ngày đạn réo, bom rơi, cái chết rình rập và "Những ngày sốt rét dọc Trường Sơn/Cả đại đội muối không còn một hạt/Nồi cháo loãng chia ba người một bát/Thương nhau măng đắng ấm lòng". Vậy mà vẫn hồn nhiên yêu đời, vẫn rạo rực trước mùa xuân đất trời và nhất là vầng trăng quê hương:
Xa quê hương vời vợi
Có trăng như nhịp cầu
Ta với trăng cùng thức
Thắp nỗi niềm sang nhau
(Vầng trăng và người lính)
Hình ảnh hào hùng, đẹp làm sao: Trăng là thiên nhiên, là tình yêu đôi lứa; trăng là quê hương đất nước cùng khát vọng hòa bình. Tứ này ta đã gặp trong thơ Chính Hữu ở cuộc kháng chiến chống Pháp "Đêm nay rừng hoang sương muối/Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo" nhưng tới Đoàn Đức Bình vẫn tươi mới sức trẻ của thế hệ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Bước chân người lính suốt cuộc trường chinh qua những chấm bản đồ: Dốc Miếu, Khe Sanh, Gio Linh, Cam Lộ... để đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến Sài Gòn "hát vang bài giải phóng":
Giữa rừng cờ và một rừng hoa
Mừng đất nước vui ngày thống nhất
Đêm thành phố chúng tôi nằm thao thức
Nghe bước chân bao đồng đội chưa về
(Đêm đầu tiên ở Sài Gòn giải phóng)
Trở về sau cuộc chiến, có người thân không còn vẹn "Trở về với một bàn chân/Một cánh tay, một tấm thân chẳng lành". Rồi cuộc sống "áo cơm nặng những tháng ngày mưu sinh" nhưng những cựu chiến binh vẫn biết phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ” vượt lên tất cả:
Trước đói nghèo cần mẫn kiên trung
Dẫu gian nguy lòng không đổi khác
Nửa chiến tranh vùi trong trận mạc
Nửa đời thường vẫn hát tình ca.
(Đồng đội)
Cũng từ trong chiến tranh đi ra mà Đoàn Đức Bình cảm nhận rõ giá trị sâu nặng của tình cảm con người. Nửa đời xa quê, "hồn quê” dường như lúc nào cũng váng vất "Bờ tre phủ tấm sương mờ/ Vẳng nghe chim cuốc trong mơ gọi bầy/ Cành roi giục bước trâu gầy/ Đồng xa vọng tiếng điếu cày non trưa”.
Sinh ra và lớn lên từ làng quê, cái chất quê cứ thấm đẫm trong thơ anh. Nhìn cái nắng thu vàng, gặp lại bến cũ bên dòng sông vắng hay phiên chợ quê đều gợi tứ để bật thành lời:
Trang sách thơm nghe tiếng lòng phấp phỏng
Nắng thu vàng nhuộm tóc mấy hàng cau
Chùm xoan chín rủ chào mào đánh võng
Khăn quàng bay theo nhịp trống khai trường
(Dòng sông ký ức)
Cũng chính chất quê đã cho anh thi liệu và nhất là giọng lục bát gần gũi với ca dao mà người mẹ truyền cho đứa con từ thuở trong nôi qua lời ru ngọt ngào. Gần gũi mà không cũ bởi Đoàn Đức Bình có cách cảm nhận và bộc lộ riêng. Ta có thể gặp ở đây khá nhiều hình ảnh quen thuộc mà cảm động:
Quê mình tháng tám ngày ba
Đồng gần trắng nước, đồng xa ngập bờ
Ngập ngừng cái rét chưa xa
Đã trông cây gạo làng ta đỏ đèn
Cũng không ru được lời thề ngủ yên
Khi cuộc sống có nhiều thay đổi, kinh tế thị trường tác động vào mọi chốn, mọi lĩnh vực khiến tác giả không khỏi không trăn trở. Ở đôi bài cảm xúc đã bắt kịp nhịp thời đại song nhìn chung chưa thật nhuyễn "Cảnh nhà chồng vợ chia li/Người lên phố chợ, kẻ thì tha hương/Đường đời vạn nẻo muôn phương/Ấm no chỉ một con đường dài lâu/Mùa về hỏi lúa đi đâu/Đồng ta hết đất làm giàu bằng chi" (Đất quê).
Một ngày kia cây không còn xanh nữa
Gió lôi đi từng chiếc lá bạc màu
Thân của lá tan vào trong lòng đất
Dâng cho đời hoa trái những mùa sau
(Nói với em)
Đánh giá về Đoàn Đức Bình, bạn đọc cho rằng, anh là một gương mặt thơ đang có nhiều triển vọng và sung sức trong làng thơ Yên Bái. Với phong cách trầm tư suy ngẫm và bộc bạch bằng tất cả tấm lòng sẽ là chất men say để anh có những thành công mới.
Thế Quynh
Các tin khác
"Quà tháng Năm dâng Người” diễn ra vào tối 18/5 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội) là món quà nghệ thuật nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2018).
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí trung ương xây dựng các chuyên mục, chuyên đề, trang tin, tăng thời lượng phát sóng, tăng số lượng tin, bài, hình ảnh để thông tin, tuyên truyền kịp thời các hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Ngày 11/5, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức triển lãm và Hội thảo khoa học với chủ đề "60 năm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch" nhân kỷ niệm 60 năm Nhà sàn Bác Hồ (5/1958-5/2018); kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2018).
Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư; bảo đảm tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư...