Mùa thi cũ không quên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/7/2018 | 8:19:16 AM

YBĐT - Câu chuyện của 2 cậu học trò đánh thức một ký ức trong anh, nhắc nhớ trong anh những hoài niệm, những niềm tin nuôi dưỡng ước mơ cho ngày hôm nay.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Nắng hè như tấm lưới dát vàng trải dài, trùm kín cả không gian. Màu vàng óng ả kiêu hãnh xuyên qua từng vòm cây, kẽ lá, luồn lách vào từng ô cửa, mái hiên khiến nhiệt độ cứ thế mà tăng lên từng giờ, từng phút. Những chú ve cả năm nằm im lìm như tỉnh giấc đồng thanh tấu lên bản tình ca muôn thuở của mùa hè. Lời ca ngân vang ấy như thúc giục, nhắc nhở cây phượng già nơi cuối sân trường rằng: hè đã đến, hãy thắp lửa cho mùa thi!

Dưới sân trường, phía ghế đá xa xa, có hai cậu học trò đang say sưa với trang sách. Cả hai mải mê chinh phục những dãy số chằng chịt trên trang vở. Một người đăm chiêu trước những ẩn số của đường hypebol, parabol, còn người kia đang hóa giải những phương trình hóa học. Một làn gió lướt qua, lật tung trang sách. Cậu trai đeo kính, ngước mắt lên nói khẽ:

- Giờ này sang năm thì sao nhỉ? Mỗi đứa một nơi, nếu chúng mình cùng đỗ vào đại học thì có lẽ lại là mùa thi nhỉ?

- Ừ, chắc chắn nhưng phải là ở giảng đường Đại học Xây dựng và Đại học Y chứ nhỉ. Tớ ước mơ, tốt nghiệp đại học sẽ tích lũy, xây cho bố mẹ một ngôi nhà đẹp, tiện nghi. Cả đời bố mẹ đi làm phụ xây cho nhà người ta, còn nhà mình vẫn phải ở tạm bợ quá!

- Mình cũng ước mơ sau này học xong, xin được việc vào một bệnh viện, tớ sẽ chăm sóc mẹ tốt hơn, mẹ tớ sẽ không còn chịu những cơn đau tim hành hạ và lo lắng kiếm tiền đi khám bệnh nữa.

Im lặng. Mỗi người một suy nghĩ. Họ lại tập trung vào những trang giấy. Đằng xa, có một người cũng đang chăm chú vào trang sách. Nhưng anh đã dừng đọc từ bao giờ. Câu chuyện của 2 cậu học trò đánh thức một ký ức trong anh...

Mùa hè năm 1992, bấy giờ đương tuổi 18 sôi nổi, học giỏi. Cũng như đôi bạn kia, anh đã từng mơ ước đỗ Đại học Xây dựng, ra trường, có việc làm tốt, xây nhà cho bố mẹ. Nhưng cuộc đời quả là khó đoán trước. Nhiều khi ước mơ cũng chỉ là ước mơ và muốn đạt được nó là cả một con đường vòng trong "ma trận” không ai đoán định được.
 
Anh khẽ mỉm cười. Những ký ức ngày qua cứ lần lượt hiện ra như một thước phim chầm chậm, chầm chậm. Tốt nghiệp THPT, anh thi đỗ vào 3 trường đại học: Đại học Giao thông vận tải, Đại học Xây dựng và Đại học Kinh tế quốc dân. Trong 3 trường đó, anh mê nhất Đại học Xây dựng.
 
Những viễn cảnh trong ca khúc "Bài ca xây dựng” của nhạc sĩ Hoàng Vân về một thành phố với những ngôi nhà cao tầng, đèn hoa sáng bừng, nhiều gia đình ấm êm hạnh phúc... như xây thành lũy trong tâm trí anh. Anh nghĩ tới một ngày tốt nghiệp đại học, trở thành kỹ sư sẽ xây cho mình một ngôi biệt thự có nhiều phòng, đầy đủ tiện nghi để cả đại gia đình được chung sống bên nhau, khi ấy bố mẹ anh không còn phải đóng gạch ba vanh nữa, các chị gái anh không phải theo bạn đội than, bốc vác thuê ở ngoài Quảng Ninh.
 
Song, cuộc đời chẳng thể nào như ý muốn và với anh hoàn toàn giống như một bài toán với nhiều biến cố, những bước ngoặt mà anh đã và đang chia lẻ để hóa giải cho cuộc đời mình.

Bước ngoặt đầu tiên có lẽ bắt đầu từ mùa hè năm 1992. Một tuần trước khi nhập học ngôi trường mơ ước, anh đến chào và thông báo tin vui cho thầy giáo chủ nhiệm. Cả buổi chiều, hai thầy trò nói rất nhiều về tương lai, con đường sắp tới cùng với hoàn cảnh của anh.
 
Thầy khuyên anh nên chọn Đại học Kinh tế quốc dân bởi vì đó là con đường nhanh nhất có thể đạt được ước nguyện (học có 4 năm, ít hơn các trường còn lại 1 năm và thời điểm đó nghề kế toán doanh nghiệp, quản trị kinh doanh dễ xin việc). Nghe thầy, anh lựa chọn đi theo con đường kinh tế.

Đúng như bài toán nhiều ẩn số với xác suất cao, đến giờ anh vẫn tin là như thế. Bởi ngẫm lại có lúc tưởng chừng số phận đã đến vô cực vậy, đó là bước ngoặt thứ hai.
 
Ngày ra trường cũng là ngày anh đối diện với sự nghiệt ngã: bố mất vì lao lực, mẹ bị tai nạn giao thông phải bỏ mất cánh tay trái. Hai chị gái lần lượt bỏ đi làm thuê, về quê lấy chồng làm nông nghiệp. Khó khăn chồng chất khó khăn khi trụ cột gia đình mất, mẹ mất sức lao động, tiền vay học đại học vẫn chưa trả xong, nhà cửa chẳng có thứ gì giá trị.
 
Anh như người vỡ mộng, mọi khát khao tuổi trẻ như bị mối dây gia đình ràng buộc kéo ngược trở lại về con số không. Biết làm gì đây với hoàn cảnh gia đình neo người, vốn không có gì ngoài tấm bằng đại học? Trước tình thế đó, lại một lần nữa, anh phải từ chối những lời mời của các doanh nghiệp ở thủ đô do nhà trường giới thiệu để về quê gần mẹ, chăm lo gia đình.

Nhớ những ngày đầu đi xin việc, đến đâu, người ta cũng xem hồ sơ khen anh học giỏi nhưng đều dặn: "Phải chờ vì chưa có biên chế”. Một năm, hai năm rồi ba năm, bạn bè đã có chỗ làm việc ổn định, còn anh vẫn ngày ngày đào ao, đóng gạch ba vanh chờ câu trả lời... Chờ mãi, chờ hoài rồi anh lại đạp xe đến những nơi đã nộp hồ sơ, lại gặp điệp khúc "Phải chờ thôi, bao giờ có biên chế thì gọi”.
 
Cuối cùng, không trông chờ được nữa, anh quyết định cắm sổ đỏ vay vốn ngân hàng, mở rộng khu vực đóng gạch ba vanh. Đó là bước ngoặt thứ ba.

"Sẽ không đi xin việc nữa, chỉ ở nhà lao động thôi” - đó là nhắc nhở bản thân. Anh lao vào lao động hăng say như quên đi mọi thứ. Những viên gạch ngày ngày cứ chất cao lên, ban đầu là hàng xóm, mỗi nhà vài trăm rồi hàng nghìn, họ mua đỡ cho anh rồi dần dần, tiếng lành đồn xa, những gia đình có nhu cầu xây dựng các công trình nhỏ, chăn nuôi tìm đến anh.
 
Cứ thế, sau năm năm tằn tiện, trừ chi phí anh cũng trả hết nợ. Từ chàng trai thư sinh, mảnh khảnh, sau 8 năm ra trường, anh đã trở thành một người hoàn toàn thay đổi: bờ vai u lên, đôi bàn tay thon dài giờ đã đầy chai cục, mái tóc đã trắng xóa hai bên mai và làn da trở lên rám sạm... Nhìn mình trong gương, anh thấy mình không đủ tự tin để tìm hiểu bạn gái.

Nhưng có lẽ trong cái rủi lại có cái may. Cái may này anh tự cho phép gọi là bước ngoặt thứ tư. Bởi dạo đó, xã tiến hành mở rộng quy mô trường lớp học, trường tiểu học và trường mầm non được xây dựng chung trong một khuôn viên.
 
Thêm lớp, thêm trò và cả thêm thầy cô. Trong đó, có cô giáo trẻ dạy tiểu học ở gần nhà, bao năm chứng kiến gia cảnh, sự kiên cường của anh đã đồng ý lấy anh. Từ dạo đó, mẹ anh như trẻ ra, nói cười vui vẻ. Có người phụ nữ trong nhà, cơm dẻo canh ngọt, mẹ con thuận hòa, anh dần lấy lại sự tự tin với người, tự tin với đời.

"Qua cơn bĩ cực, tới tuần thái lai”, kể từ ngày lấy được cô vợ hợp duyên, hợp số, thần may mắn dường như đã chạm mặt anh. Một lần đưa vợ về Hà Nội khám thai, anh đến thăm thầy giáo cũ. Gặp lại trò ngoan, lại nghe kể về những tháng năm vất vả. Ông đã ngỏ lời giúp đỡ anh bằng cách đưa anh vào làm giám sát tài chính cho một tập đoàn kinh tế do một cựu học sinh của ông làm thành viên hội đồng quản trị. Đây là bước ngoặt thứ năm.

Như diều gặp gió, được thỏa sức vẫy vùng trong những kiến thức đã học, cùng với sự tin yêu gửi gắm của thầy và sự dìu dắt của chủ tịch, anh đã chứng tỏ bản thân qua từng bản kế hoạch, từng công trình, từng dự án trong và ngoài nước.
 
Sau 8 năm công tác tại tập đoàn, anh đã có một vị trí nhất định được nhiều người nể trọng. Anh được đi nhiều nơi và dần biến ước mơ thành hiện thực. Mua được nhà cho mẹ và vợ con ở Hà Nội. Xin chuyển công tác giảng dạy cho vợ về làm giáo viên tiểu học tập đoàn Vingroup.
 
Ngôi nhà ở quê được xây sửa theo lối nhà ba gian xưa, lợp ngói đỏ, hiên tây, có sân rộng, vườn cây, ao cá, hàng rào vây quanh để những ngày nghỉ gia đình về tề tựu. Anh cũng có điều kiện giúp các chị xây sửa nhà cửa và những người khó khăn...

Lần đến Yên Bái khảo sát Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, vui chơi, giải trí và nhà phố thương mại Shop - House, tại khu vực công viên Yên Hòa, vô tình nghe được câu chuyện của 2 cậu trò quả là niềm vui với anh. Đôi bạn trẻ kia như nhắc nhớ trong anh những hoài niệm, những niềm tin nuôi dưỡng ước mơ cho ngày hôm nay.
 
Bỗng dưng, anh muốn chạy tới, ôm lấy hai cậu trai kia để nói rằng, chia sẻ rằng: "Các em cứ ước mơ đi, cứ chiến thắng bản thân để chinh phục nó. Các em có biết không? Hơn 20 năm trước, anh cũng đã từng ước mơ và đã chạm tay vào mơ ước đó rồi. Khi phố núi Yên Bái này có một trung tâm thương mại, vui chơi, giải trí và nhà phố thương mại Shop - House, với quy mô xây dựng gồm 1 trung tâm thương mại 5 tầng, khu vui chơi giải trí và nhà phố thương mại Shop – House, đó chính là những việc anh đã làm được cũng từ những ước mơ từ khi ngồi trên ghế nhà trường như các em đó”.

Thanh Thủy

Các tin khác
Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Lễ rước Mẫu sang sông trong Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên.

Việc bảo tồn và khai thác hiệu quả giá trị văn hoá bản địa đã trở thành một xu hướng quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững. Với sự đa dạng về văn hóa bản địa, Yên Bái không chỉ thu hút du khách, bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn là một điểm đến lý tưởng để khám phá và trải nghiệm văn hóa độc đáo của địa phương.

Độc giả nhỏ tuổi lựa chọn các ấn phẩm tại Phố sách Hà Nội.

Hôm nay (21-4), đánh dấu 10 năm nước ta tổ chức Ngày Sách Việt Nam (2014-2024) và sau này được nâng tầm lên là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (từ năm 2022).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục