Nét đẹp văn hóa 12 con giáp của người Dao Yên Thành

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/7/2018 | 8:03:18 AM

YBĐT - Dân tộc Dao ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình chiếm trên 95% dân số. Trong kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống của người Dao Yên Thành, nghi lễ cúng 12 con giáp là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Thầy cúng và 12 con giáp trong lễ cúng.
Thầy cúng và 12 con giáp trong lễ cúng.

Theo quan niệm của người Dao, mỗi một tháng trong năm sẽ có một vị thần cai quản. 12 tháng là 12 vị thần, mỗi vị thần sẽ trông nom một con giáp, gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Muốn gia đình bình yên, an lành và mùa màng bội thu thì hàng năm dân làng phải tổ chức cúng 12 vị thần con giáp.

Một năm, người Dao tổ chức ba lần lễ, gồm: lễ đầu năm được tổ chức vào ngày mùng 2/2, gọi là lễ cúng cầu; lễ giữa năm được tổ chức vào mùng 6/6, gọi là lễ cúng báo cáo; lễ cuối năm được tổ chức vào ngày 12/12, gọi là cúng tạ ơn. Trong ba lần lễ, lễ cúng đầu năm được người dân coi trọng nhất vì đây là lễ cúng mở đầu cho một năm mới cầu cho cả năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân làng yên vui, nhà nhà ấm no hạnh phúc.

Lễ cúng 12 con giáp nhất thiết phải có 3 thầy cúng thực hiện, trong đó có 1 người chủ tế và 2 phụ lễ, ngoài ra còn có 12 người được lựa chọn hóa thân thành 12 con giáp. Lễ vật trong cúng 12 con giáp gồm: lợn, gà, hoa, quả, xôi, rượu, đèn, nhang, gừng, muối… Tất cả các thực phẩm đem cúng đều được chọn lựa kỹ lưỡng và phải là do người dân nuôi trồng.
 
Lễ cúng trải qua 3 phần. Trước tiên là cúng trên sàn nhà: thầy cúng gọi lần lượt từng con giáp về thụ lộc; các con giáp lần lượt ra trước ban thờ biểu diễn các hành động tượng trưng tính chất từng con vật và động chạm vào từng đồ lễ trên mâm cúng và mâm lễ.
 
Sau mỗi lần biểu diễn, thầy cúng khấn cầu 12 con giáp, yểm bùa cho từng con vật, ban lộc nước thánh và cuối cùng đưa vào miếu thờ để trông coi mùa màng theo mùa vụ. Trong thời gian cúng trên nhà, ngoài các nghi thức cúng cầu còn có đoàn bê lễ, đoàn biểu diễn múa chũm chọe, đánh não bạt phụ họa cho lễ cúng thêm sinh động. Phần thứ 2 là cúng ngoài miếu làng.
 
Sau khi hoàn tất các thủ tục cúng trên nhà sàn, những người tham gia làm lễ cúng thành lập đoàn đi cúng ngoài miếu làng. Đoàn gồm 6 người: thầy cúng chính, chủ nhà làm lễ cúng, nam thanh niên cầm xẻng đựng than đỏ và 3 người tham gia cúng theo sau đến miếu đầu làng thực hiện lễ cúng.
 
Tại đây, thầy cúng thực hiện cúng khấn cầu các thánh thần, các con giáp về cai quản vùng đất làng bản, phù hộ cho dân làng bình yên, mùa màng quanh năm tươi tốt. Phần cuối cùng của lễ cúng là thụ lộc. Sau khi lễ cúng kết thúc, những gia đình tham gia làm lễ cúng tổ chức hội ăn mừng, mời thầy cúng, bà con lối xóm ở lại ăn cơm, uống rượu, chúc nhau những lời tốt đẹp cho một năm mới.

Lễ cúng 12 con giáp là một phong tục truyền thống của người Dao,  thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng và chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và giáo dục. Hiện nay, lễ cúng này vẫn đang được đồng bào dân tộc Dao xã Yên Thành gìn giữ và phát huy, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống trong cộng đồng các dân tộc .

Thu Hạnh

Các tin khác

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, trong 2 ngày 27, 28/7, đại sứ quán các nước châu Á tại Slovakia phối hợp với chính quyền thủ đô Bratislava đã tổ chức sự kiện "Những ngày cuối tuần châu Á” (Asia Weekend) nhằm giới thiệu những nét đa dạng, phong phú của các nền văn hóa châu Á, trong đó có Việt Nam.

Võ Minh Quang cùng các giám khảo.

Võ Minh Quang - cậu học sinh 12 tuổi đang theo học Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội), đã vượt qua nhiều đối thủ hơn tuổi để giành giải Nhất cuộc thi "Piano quốc tế Mozart” lần thứ 8, diễn ra tại Bangkok (Thái Lan), từ ngày 22 đến 24-7.

Các đoàn viên, thanh niên thực hiện nghi lễ rước đuốc ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9.

Nhân Kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2018), tối 26/7, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, Cục Chính trị Quân khu 4, Tỉnh đoàn Quảng Trị tổ chức Chương trình nghệ thuật "Vang mãi bản hùng ca Đường 9” và Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 - nơi an nghỉ của gần 11.000 Anh hùng liệt sỹ đã từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu và hy sinh trên mặt trận Đường 9.

3 nghệ sĩ gạo cội Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu đã có tên trong danh sách xét tặng NSND, NSƯT sau được Hội đồng chuyên ngành xét lại vào ngày 26-7.

Ngày 26-7, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lĩnh vực sân khấu đã tiến hành họp toàn thể để xét lại 22 hồ sơ NSND và 24 hồ sơ NSƯT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục