Để các tuần văn hóa - du lịch thêm hấp dẫn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/8/2018 | 1:45:55 PM

YBĐT - Tuần văn hóa – du lịch (VH-DL) là sự kiện văn hóa nhằm tôn vinh và quảng bá những giá trị độc đáo của tự nhiên, văn hóa địa phương với bạn bè trong nước và quốc tế, là hoạt động kích cầu cần thiết của du lịch các địa phương. Tuy vậy, gần đây, hoạt động này đang đi vào lối mòn trong khâu tổ chức.

Dân vũ dân tộc Thái trên sân khấu.
Dân vũ dân tộc Thái trên sân khấu.

Tuần văn hóa – du lịch (VH-DL) là sự kiện văn hóa nhằm tôn vinh và quảng bá những giá trị độc đáo của tự nhiên, văn hóa địa phương với bạn bè trong nước và quốc tế. Bản chất của nó là hoạt động marketing địa phương với kế hoạch ngắn ngày (trong vòng một tuần). Xét ở một góc độ nào đó, tuần VH-DL là hoạt động kích cầu cần thiết của du lịch các địa phương.

Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã khai thác những ưu điểm đó của các tuần VH-DL nhằm kích cầu du lịch, kinh phí bỏ ra không ít và kết quả thu lại cũng khả quan. Tuy vậy, gần đây, hoạt động này đang đi vào lối mòn trong khâu tổ chức, rất cần một sự đổi mới.

Có lẽ được tổ chức nhiều lần nhất là Tuần VH-DL Mường Lò, được tổ chức liên tục từ năm 2013 đến nay. Không thể phủ nhận được hiệu quả của nó, khi Mường Lò ngày càng được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn. Trên bản đồ du lịch Việt Nam, Mường Lò có một ví trí tốt như chính thương hiệu của du lịch Mường Lò. Khách đến đây thường xuyên hơn, không chỉ vào các tuần VH-DL, mùa du lịch mà quanh năm.
 
Thạc sỹ Hoàng Phương Nga - Phó trưởng Bộ môn Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Khoa Du lịch, Đại học Khoa học Thái Nguyên, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Lai Châu chia sẻ: "Các tuần VH-DL của tỉnh Yên Bái cơ bản cho hiệu quả tốt nhờ kết hợp nhiều hoạt động đa dạng, phong phú thể hiện được bản sắc của địa phương.
 
Đặc biệt, Tuần VH-DL Mường Lò, Tuần VH-DL khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và của khách du lịch về việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị bản sắc của địa phương”. Tuy vậy, qua theo dõi liên tục các tuần VH-DL gần đây, có thể nhận thấy, tuần VH-DL Mường Lò dường như đang đi vào lối mòn, thiếu sáng tạo, vẫn tập trung chủ yếu vào chương trình nghệ thuật đêm khai mạc, ít chú trọng vào những hoạt động VH-DL khác.
 
Đơn cử như noạt động đua ngựa được đưa vào nhiều năm nay được kỳ vọng có thể mang tới cho du khách những trải nghiệm thú vị thì hiệu quả dường như vẫn chưa như mong đợi. Tại Tuần VH-DL Mường Lò 2017, gia đình anh Duy Hùng ở Hoàng Mai, Hà Nội đưa cả gia đình lên tham gia bởi anh muốn các con anh có những trải nghiệm về văn hóa Tây Bắc.
 
Sau một hồi vào trường đua, anh đưa các con ra và chia sẻ: "Giá vé không đắt, có điều dịch vụ bên trong đi kèm thì hơi kém. Không có chỗ ngồi đã đành, khoảng đất mấp mô, muốn trải cái gì xuống ngồi cũng khó. Nắng quá không có cây che nên không chỉ trẻ con đâu mà ngay cả người lớn cũng có thể bị say nắng. Giá như cái bờ đất được đánh thành bậc ngồi thì dễ hơn, thêm vài cái ô to xung quanh là được”.
 
Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, không chỉ các hoạt động, dịch vụ đi kèm không được chú trọng nhiều mà ngay cả nội dung cũng dường như đang đi vào lối mòn. Không ít du khách đã từng chia sẻ rằng, hết đêm khai mạc là tuần VH-DL kết thúc. Phải thật lòng mà nói, ngoài đêm khai mạc được đầu tư về tài chính cũng như ý tưởng thì các hoạt động song hành không được chú trọng, dẫn đến việc tổ chức thiếu chuyên nghiệp. Du khách thưởng thức bao nhiêu tinh hoa trong đêm khai mạc rồi thấy hụt hẫng thất vọng bấy nhiêu với các hoạt động, dịch vụ đi kèm.
 
Chị Nguyễn Thúy Hạnh – một du khách ở Hà Nội chia sẻ: "Tôi cảm thấy thật tuyệt khi xem màn diễu diễn tại đêm khai mạc lễ hội Mường Lò, trong đó tôi ấn tượng một trích đoạn trong lễ Tằng cẩu của phụ nữ Thái. Tôi muốn tìm hiểu, ngỏ ý muốn được tham quan chiêm ngưỡng, tham gia vào lễ đó thì không thể nào. Chị chủ homestay tôi ở nói rằng, vào lễ cưới của bà con thì sẽ được xem chứ dựng lại cả một cái lễ đó cũng khá tốn kém. Tôi cảm thấy tiếc và hụt hẫng, nếu như sau đêm khai mạc ấy, có những sân khấu nhỏ lẻ cho du khách tìm hiểu sâu hơn về văn hóa bản địa thì tốt biết bao”.

Tuần VH-DL là sự kiện hấp dẫn khách du lịch đến với địa phương, từ đó gia tăng cơ hội việc làm từ du lịch cho cộng đồng, giúp "xuất khẩu văn hóa tại chỗ”, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân địa phương. Có thể nói, đây là bàn đạp cho du lịch của địa phương.
 
Song hiệu quả dường như chưa cao, khi tư duy làm du lịch của cộng đồng thay đổi chậm, thiếu sự định hướng. Phải chăng chúng ta đang đi theo hướng "ba thu dồn lại một ngày”, tư duy làm du lịch ngân sách vẫn còn nặng.
 
Thạc sỹ Hoàng Phương Nga chia sẻ thêm: "Những năm gần đây, Yên Bái khá linh hoạt trong việc tiếp cận các yếu tố văn hóa hiện đại vào các tuần VH-DL, tuy nhiên thể hiện lại đôi khi khá gượng ép. Các chuỗi hoạt động tổ chức dồn dập, hiệu ứng cao nhưng thời gian lan tỏa hiệu ứng ngắn, thiếu tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn trong các kế hoạch tổ chức”.
 
Cũng theo bà Nga, để các tuần VH-DL đạt hiệu quả, công tác phối hợp giữa các đơn vị cần nhịp nhàng và chặt chẽ hơn nữa. Các sản phẩm du lịch cần được xây dựng sớm hơn và quảng bá tốt hơn; cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa vấn đề giá cả và chất lượng các dịch vụ được cung ứng trong quá trình diễn ra cũng như trước và sau sự kiện.
 
Việc tổ chức lễ khai mạc và lễ bế mạc nên gắn với hoạt động cộng đồng mạnh mẽ hơn nữa để tạo thành hoạt động sự kiện, không mang nặng hình thức hành chính. Mỗi năm nên thay đổi các nội dung trong tuần VH-DL, tránh lặp lại gây sự nhàm chán.
 
Đặc biệt, cần đầu tư mạnh mẽ cho việc quảng bá tuần VH-DL trên tất cả các kênh truyền thông, đặc biệt nên tận dụng tối đa marketing online thời đại 4.0 để quảng bá cho sự kiện này; đầu tư nghiên cứu việc phục dựng, tái hiện các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương trong sự kiện.
 
Đây không chỉ là yêu cầu bảo tồn văn hóa mà còn là yêu cầu đổi mới trong phát triển du lịch, tránh đi vào lối mòn của các sản phẩm sao chép/lặp lại. Ngoài ra, nên tổ chức hành trình du lịch miễn phí cho các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn trong khuôn khổ tuần VH-DL nhằm kích cầu du lịch và quảng bá hình ảnh của địa phương. Cần hạn chế nguồn lực tài chính của Nhà nước và cộng đồng địa phương trong tổ chức tuần VH-DL mà phải đẩy mạnh "xã hội hóa” nguồn lực tài chính này từ chính các doanh nghiệp.

Sau tuần VH-DL, việc làm ngay là phải xây dựng kế hoạch dài hạn hơn cho các sự kiện tương tự nhằm phát huy hiệu ứng, tránh việc sau sự kiện kinh tế du lịch của địa phương lại "dậm chân tại chỗ”. Trong đó, việc làm cần thiết là tiến hành tổng hợp phản hồi của doanh nghiệp, khách du lịch, cộng đồng địa phương, các chuyên gia...
 
Từ đó, phân tích thành tựu và hạn chế nhằm rút kinh nghiệm sâu sắc, tránh những sai lầm không đáng có. Địa phương cũng tiến hành điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc thù nhằm phát huy tối đa giá trị của những sản phẩm ấy, hướng tới tăng sức hấp dẫn đối với thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế.
 
Địa phương cần phải định hướng cụ thể những hoạt động cần làm, cần triển khai như tổ chức các show phô diễn văn hóa bản địa như: múa, hát, diễn xướng dân gian, hay đơn giản chỉ là những tập tục đặc sắc... có thể bán vé, không nên để hộ kinh doanh du lịch homestay tự xoay xở trong việc giới thiệu những nét đẹp văn hóa của bản địa.

Không còn nhiều thời gian nữa sẽ vào mùa các tuần VH-DL phía Tây của tỉnh, nhất thiết việc truyền thông phải được thực hiện từ ngay bây giờ chứ không phải sát ngày tổ chức. Sẽ có rất nhiều việc phải làm nếu chính quyền địa phương, các ngành liên quan thực sự mong muốn về những hiệu quả cao hơn từ các tuần văn hóa.

Thanh Vy

Các tin khác
Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại; tạo động lực, khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực tham gia tuyên truyền thông tin đối ngoại thông qua các tác phẩm, sản phẩm mang hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, trí tuệ Việt Nam đến với thế giới, cũng như đưa thế giới đến với Việt Nam.

Thổi kèn đưa dâu trong đám cưới người Dao đỏ.

"Đừng thấy nhiều hoa mà phân tâm, đừng thấy nhiều bướm mà phản ý, hoa đẹp cũng chỉ hái một bông, bướm xinh cũng chỉ ghép một cặp". Tiếng kèn của người Dao đỏ ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên là niềm vui, niềm hạnh phúc lứa đôi nên chỉ sử dụng trong lễ cưới xin và lễ cấp sắc mà không sử dụng trong các lễ hội, ma chay như nhiều dân tộc khác.

Lễ mừng cơm mới đã thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng và trở thành sự kiện du lịch hằng năm.

Ở Yên Bái, người Mông có dân số khoảng trên 110.000 người, đứng thứ tư về số dân trong tỉnh gồm 4 nhóm chính là: Mông Hoa, Mông Đen, Mông Trắng và Mông Si. Trong đó, người Mông Hoa và Mông Si chiếm đa số và đều cư trú chủ yếu tập trung trên các triền núi cao ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu và các xã vùng cao huyện Văn Chấn, Văn Yên.

Các đội bóng chuyền tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trấn Yên hăng hái tham gia Giải bóng chuyền do huyện tổ chức dịp đầu tháng 3, chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (15/3/1947 - 15/3/2024), kỷ niệm 78 năm Ngày thể thao Việt Nam 27/3.

Thời gian qua, huyện Trấn Yên chú trọng công tác tuyên truyền, phát động Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với nhiều hoạt động cụ thể, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục