Xuất bản cuốn “Thời tôi sống” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/8/2018 | 9:04:35 AM

Theo Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, "Thời tôi sống” là những trang văn rung động sâu xa và ám ảnh về một thời đạn bom hào hùng, thấm đẫm nước mắt và sự hy sinh hằn sâu trong ký ức của dân tộc.

“Thời tôi sống” - tác phẩm mới của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh vừa ra mắt.
“Thời tôi sống” - tác phẩm mới của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh vừa ra mắt.

Nhân kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật ấn hành cuốn "Thời tôi sống” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh. Sách dày hơn 300 trang, khổ 16x24 cm, trình bày, in ấn đẹp, sang trọng, ấn tượng.

Về giá trị của "Thời tôi sống”, và việc chọn ra mắt tác phẩm vào đúng dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Lời giới thiệu của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật in trên trang đầu cuốn sách viết: "Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đề tài về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn như một dòng chảy không ngừng trong đời sống văn học nước nhà. Vì sao dân tộc Việt Nam đã dám đánh và đã đánh thắng một kẻ địch có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh nhất phe đế quốc, quân đông, vũ khí, trang bị kỹ thuật hơn mình gấp nhiều lần? Rất nhiều công trình khoa học, tác phẩm văn học, nghệ thuật, điện ảnh, trong đó có những tác phẩm của những người đã trực tiếp chứng kiến và tham gia cuộc chiến đã nghiên cứu, tái hiện, luận giải các chiều cạnh của cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ, kết thúc thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam ta. Và "Thời tôi sống” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã góp thêm một lời giải cho câu hỏi đó”.

"Thời tôi sống” giới thiệu với bạn đọc 16 tác phẩm là truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, thư từ, nhật ký ghi chép về chiến tranh và ngày đầu hòa bình, nhiều tác phẩm lần đầu được công bố, gồm: Đất mùa xuân, Anh Đấu, Bài thơ tình đẫm máu, Những mảnh trời xao xuyến, Suối đầu mùa, Danh dự người lính, Nắng Thu Bồn, Như thể là tình yêu, Sao Bắc Đẩu, Thần chết , thần khổ ải, Một thoáng buồn rầu, Trời sáng trong mưa, Câu chuyện về một bản hợp xướng, Côn Đảo một ngày tháng bẩy.

Sự kiện, cảnh ngộ, tình huống các nhân vật trong tác phẩm đều là những chuyện xảy ra trong đời thực mà tác giả đã sống, đã may mắn được chứng kiến, tiếp xúc trong quãng đời 10 năm làm phóng viên chiến tranh của Thông tấn xã Việt Nam trên các mặt trận, chiến trường trong Nam, ngoài Bắc. Thói quen ghi chép và viết nhật ký hàng ngày đã giúp ông lưu lại được những khoảnh khắc dữ dội, sâu lắng và đáng nhớ của một thời bom đạn đã qua.

Trong bốn năm (2014-2018) nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã liên tiếp cho ra đời ba tác phẩm: Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Lời tựa một tình yêu, Thời tôi sống được dư luận chào đón. Đọc Thời tôi sống, chúng ta thêm hiểu vì sao Trần Mai Hạnh xây dựng thành công cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 giành được Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015, đã được dịch sang tiếng Anh và đang tiếp tục dịch ra ngôn ngữ khác.
Trong "Thời tôi sống", nhiều câu chuyện là người  thật, việc thật được giữ nguyên tên thật như: Nhà báo, nhà thơ-Liệt sĩ Nguyễn Trọng Định trong "Bài thơ tình đẫm máu", nhạc sĩ Phan Miêng trong "Câu chuyện về một bản hợp xướng”, phóng viên nhiếp ảnh Lâm Hồng Long trong "Trời sáng trong mưa", ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu trong "Côn Đảo, một ngày tháng bẩy", các cán bộ, chiến sĩ và nhà báo trong  "Danh dự người lính" và "Thần chết, thần khổ ải" (hai tập nhật ký được viết tại trận trong hai cuộc chiến đấu trong vòng vây). Nhiều nhân vật và câu chuyện khác cũng là người thật việc thật, nhưng vì những lý do riêng tác giả không để tên thật.

Hai năm 1968, 1969 làm phóng viên biệt phái của Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Đà (Bắc Quảng Nam-Đà Nẵng), một trong những chiến trường vô cùng ác liệt có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Trần Mai Hạnh. Ông đã được kết nạp Đảng tại mặt trận. Đặc biệt ông đã hai lần phải cùng với các chiến sĩ và đồng đội chiến đấu trong vòng vây dày đặc của quân thù. Gần 60 ngày đêm cận kề với cái chết trong vòng vây, tận mắt chứng kiến tinh thần chiến đấu anh dũng, sự hy sinh quả cảm của người lính "Bộ đội Cụ Hồ" đã giúp ông thấu hiểu các cung bậc tàn khốc của chiến tranh và khát vọng chiến thắng, thống nhất đất nước.

Những trang nhật ký ghi chép tại trận, những bức thư tình ông viết ngay ranh giới giữa sự sống và cái chết cháy xém lửa đạn, được lưu giữ suốt 50 năm qua, đã làm nên hai tác phẩm đặc sắc "Danh dự người lính” và "Thần chết, thần khổ ải”.

"Danh dự người lính” là nhật ký 21 ngày đêm chiến đấu bi tráng trong vòng vây dày đặc 7.000 quân Mỹ, Ngụy và chư hầu của Tiểu đoàn 3 chủ lực miền Bắc - đơn vị "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, gồm 6 chương: Vào vòng vây, Kịch chiến gò cây đa, Anh nuôi Vương Tử Bành và hầm thương Vũ Cửu, Đêm nay sao mà yên tĩnh thế, Định mệnh, Hoàng hôn máu. 

"Thần chết, thần khổ ải” là tập nhật ký về 40 ngày đêm ròng rã đói khát, cực khổ, hiểm nguy, sống chết trong vòng vây rình rập, lùng sục gắt gao của kẻ thù của tổ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam biệt phái tại Quảng Đà. Tổ trưởng và một phóng viên bị thương nặng, một thanh niên địa phương là cơ sở sát cánh với tổ phóng viên suốt những ngày trong vòng vây bị lính Mỹ phục kích bắn chết…

Trong Lời giới thiệu trân trọng với bạn đọc về tác phẩm này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật viết: "Trong Lời tác giả, Trần Mai Hạnh bày tỏ sự "hàm ơn sâu sắc khi bạn đọc dành chút thời gian cho "Thời tôi sống”. Nhưng chắc chắn rằng, sau khi đọc xong tác phẩm này, bạn đọc cũng sẽ cảm ơn ông, bằng tâm huyết, tài năng, vốn sống và sự lao động không mệt mỏi đã viết nên những trang văn rung động sâu xa và ám ảnh về một thời đạn bom hào hùng, thấm đẫm nước mắt và sự hy sinh hằn sâu trong ký ức của dân tộc”.
 
(Theo chinhphu.vn)

Các tin khác
Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại; tạo động lực, khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực tham gia tuyên truyền thông tin đối ngoại thông qua các tác phẩm, sản phẩm mang hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, trí tuệ Việt Nam đến với thế giới, cũng như đưa thế giới đến với Việt Nam.

Thổi kèn đưa dâu trong đám cưới người Dao đỏ.

"Đừng thấy nhiều hoa mà phân tâm, đừng thấy nhiều bướm mà phản ý, hoa đẹp cũng chỉ hái một bông, bướm xinh cũng chỉ ghép một cặp". Tiếng kèn của người Dao đỏ ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên là niềm vui, niềm hạnh phúc lứa đôi nên chỉ sử dụng trong lễ cưới xin và lễ cấp sắc mà không sử dụng trong các lễ hội, ma chay như nhiều dân tộc khác.

Lễ mừng cơm mới đã thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng và trở thành sự kiện du lịch hằng năm.

Ở Yên Bái, người Mông có dân số khoảng trên 110.000 người, đứng thứ tư về số dân trong tỉnh gồm 4 nhóm chính là: Mông Hoa, Mông Đen, Mông Trắng và Mông Si. Trong đó, người Mông Hoa và Mông Si chiếm đa số và đều cư trú chủ yếu tập trung trên các triền núi cao ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu và các xã vùng cao huyện Văn Chấn, Văn Yên.

Các đội bóng chuyền tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trấn Yên hăng hái tham gia Giải bóng chuyền do huyện tổ chức dịp đầu tháng 3, chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (15/3/1947 - 15/3/2024), kỷ niệm 78 năm Ngày thể thao Việt Nam 27/3.

Thời gian qua, huyện Trấn Yên chú trọng công tác tuyên truyền, phát động Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với nhiều hoạt động cụ thể, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục