Mưa núi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/8/2018 | 7:50:43 AM

Đêm. Sấm chớp ì ùng làm Sếnh tỉnh giấc. Mưa quất ràn rạt ngoài phên nứa, đánh lộp độp trên mái cọ. Gió thốc ù ù làm căn nhà rung lên, cuốn theo cả những hạt mưa táp vào mặt Sếnh. Con thác Tốc Tát ầm ầm réo như trời lở. Vậy là mùa mưa đã bắt đầu!

Mùa mưa ở quê Sếnh cứ lê thê ngày này sang ngày khác. Mưa mềm đất, om đá. Chỉ cần một trận mưa to ập đến là đất lở, núi sạt. Mưa tạo thành những trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng. Trận lũ ống năm nào vẫn còn ám ảnh trong đầu Sếnh. 

Hôm ấy, Sếnh đi chăn trâu và ở trên lều canh ngô. Mưa lũ ập đến. Dòng nước đỏ ngầu, ùng ục dồn từ các khe xuống khe núi lớn, cuốn theo dòng đất đá, cây cối và cuốn luôn cả con trâu của Sếnh đang ăn cỏ ở chân dốc. Chiều tối ngớt mưa, Sếnh về, ngôi nhà thân yêu của Sếnh chỉ còn là một bãi trống tan hoang. Bố mẹ và em của Sếnh đều bị lũ cuốn đi. Hôm trước, mẹ vừa cõng hai yến ngô xuống chợ mua cho đứa em Sếnh bộ sách vở mới, nó hí hửng chạy ra chạy vào mong hết ngày để hôm sau đi học buổi đầu tiên, vậy mà… Sếnh ngồi trên nền nhà trống, khóc lịm đi. Chú Lềnh lên, bế Sếnh về nhà ông bà nội.

Mưa to quá. Sếnh ngồi dậy, trong lòng như có trăm ngàn con kiến đang bò. Sếnh lo cô giáo Mai giờ đang một mình ở trường, không biết ra sao. Trường của Sếnh nằm chon von trên ngọn đồi lớn, nơi hứng chịu sức gió mạnh. Trận bão nào trường cũng bị tốc mái, đổ vách hoặc xiêu vẹo. 

Những điểm trường lẻ khác đều đã được sáp nhập, riêng trường của Sếnh chưa thể sáp nhập vì sáp nhập thì học sinh phải đi học quá xa. Trường chỉ có ba lớp học, ba giáo viên, một phòng ở. Hai giáo viên là người Tày nhà dưới chân núi, cách trường hai mươi cây số, sáng đi chiều về. Riêng cô Mai - chủ nhiệm lớp Sếnh là người Kinh, nhà ở tận thị trấn, xa quá nên phải ở lại trường…

Sếnh cứ ngồi như thế, không tài nào ngủ được. Mưa mỗi lúc một to. Gian trong, chú Lềnh cũng không ngủ được, ngồi dựa vào cột nhà như tảng đá. Đợi mãi trời cũng sáng. Sếnh đi xuống dưới sàn, ôm con gà tắc vào lòng. Gọi là gà tắc vì nó là con gà mồ côi, mẹ và anh em cùng đàn của nó bị đất sạt, vùi chết vào mùa lũ năm ngoái, Sếnh coi nó như một người bạn. Sếnh vuốt mãi vào bộ lông óng mượt của nó, nước mắt chực ứa ra. Sáng nay, Sếnh sẽ đem con gà tắc này biếu cho cô Mai. Mấy hôm trước, Sếnh thấy thùng gạo của cô Mai chỉ còn chừng hai bát. Thùng mì tôm và cá khô không được cho vào hòm khóa lại nên bị lũ chuột tha hết lên rừng. Mưa gió thế, không xuống núi lấy thức ăn được, không biết cô sẽ sống ra sao.

Mưa ngớt dần. Sếnh đội chiếc nón lá của bà nội, xùm xụp chạy đi dưới mưa, tay ôm chặt con gà tắc. Đường đến trường phải qua một con suối, nước lũ chảy xiết quá, Sếnh ngồi mãi ở bờ suối. Gần trưa, lũ mới rút, qua được suối, Sếnh hộc tốc chạy lên trường. Lớp học bị bay mất mái, trống hoác. Phòng cô Mai bị bão quật đổ nghiêng, dựa vào lớp học. Sếnh nhấc tấm cửa phòng ra, không thấy cô Mai đâu.
 
Sếnh nhìn quanh, đã thấy chú Lềnh đứng đó từ khi nào. Sếnh ôm lấy chú Lềnh, òa khóc: "Chú ơi! Cô Mai bị lũ cuốn? Bỏ trường? Hay bị làm sao?… Cháu không thấy cô Mai đâu!”.
 
Chú Lềnh vỗ nhẹ vào vai Sếnh: "Chú xem xét kỹ rồi, khu vực này lũ ống, lũ quét không đi qua… Còn cô bỏ trường đi ư?!... Chú tin là không”. Nói chắc chắn thế nhưng vẻ mặt chú Lềnh vẫn đầy âu lo. Lo quá! Sếnh lo cô Mai một ngày nào đấy sẽ bỏ trường đi như mấy cô giáo trước.
 
Có đợt, lớp Sếnh phải nghỉ học cả nửa tháng đợi cô giáo mới lên thay. Sếnh thấy mấy người trong bản bảo: "Cô Mai trẻ đẹp thế, lại là người ở phố, làm sao chịu nổi cực khổ, trước sau cô cũng bỏ về lấy chồng thôi”.
 
Càng nghĩ Sếnh lại càng lo. Làm giáo viên ở đây cực khổ lắm. Sếnh nhớ ngày đầu tiên đến dạy học, không quen đường, lại gặp trời mưa, xe máy lên dốc trơn, cô Mai ngã liên tục, có đoạn suýt trượt xuống vực. Có đoạn, cô vừa đi qua thì đất sạt ở đằng sau. Cô Mai vào lớp, vừa khóc vừa cười, người bê bết bùn từ tóc đến chân, đôi dép bị rách một bên.
 
Cả tuần trời mưa, không xuống núi mua thức ăn được, cô Mai phải ăn cơm không cả tuần. Cực khổ thế nhưng Sếnh không lo vì cực khổ mà cô sẽ bỏ trường đi. Sếnh lo lý do khác kia. Giáo viên ở đây không chỉ dạy học mà còn cùng địa phương tham gia vận động học sinh không bỏ học, vận động bà con bỏ trồng cây thuốc phiện, xây dựng văn hóa mới…
 
Cứ ngày nghỉ, cô Mai lại cùng chú Lềnh là công an xã leo bộ đến từng nhà để vận động. Có lần, Sếnh bắt gặp thằng Lù vần một hòn đá to ở đầu dốc, phía trên con đường cô Mai đi lấy nước. Sếnh hỏi:

- Mày làm gì đấy?

- Tao phải lăn đá cho cô Mai què chân đi - Lù bảo.

- Cô Mai dạy mày chữ, cô còn giúp nhà mày trồng sắn, tìm đàn dê lạc, sao mày lại ác với cô thế?

- Chính cô Mai, cả chú Lềnh của mày dẫn người đến phá nương thuốc phiện của nhà tao đấy.

- Mày có biết nương thuốc phiện nhà mày làm hại biết bao người không? Mày có biết bao nhiêu người nghe theo cô Mai và chú Lềnh bỏ nương thuốc phiện, trồng thêm ngô, thêm lúa, thảo quả, có ai chết đói đâu?

- Tao không biết!

Ức quá, Sếnh đấm thằng Lù một cái, thế là hai thằng lao vào đánh nhau, cây cỏ, đá núi làm xây xước hết cả chân tay mặt mũi. Giờ Sếnh lo sự trả thù và thiếu hiểu biết của bố con thằng Lù chẳng khác gì lo mưa núi.

Cô Mai đâu rồi! Lũ cuốn? Bỏ trường? Hay bị thằng Lù làm hại? Sếnh vừa tìm vừa khóc. Kìa! Sếnh không tin vào mắt mình nữa. Cô Mai từ dưới suối đi lên, tay dắt thằng Lù, người ướt nhoẹt. Thằng Lù mặt tái mét, người run bần bật bước theo cô, vẻ như không còn căm hận cô Mai nữa. Sếnh vui sướng reo lên: "Cô Mai! Cô không sao rồi...”.
 
Cô Mai trìu mến: "Cô không sao. Gió to, phòng ở sắp đổ, cô trải chiếu dưới gầm giường ngủ, chả làm sao cả…”.
 
Cô vẫn cười tươi. Quay sang Lù, cô giải thích: "Tạnh mưa, cô đến nhà các em xem có làm sao không. Khi đến suối thì thấy Lù đang vớt củi, chẳng may sảy chân ngã xuống suối, bị nước cuốn đi. May Lù trôi qua chỗ đường đi, con suối bành rộng ra, lực chảy yếu hơn nên cô mới lội ra, kéo Lù lên được…”.
 
Cô Mai trở thành ân nhân của thằng Lù. Như vậy, thằng Lù và bố nó chắc sẽ không làm hại cô Mai nữa. Sếnh thấy lòng nhẹ nhõm như vừa trải qua một cơn mưa núi. Sếnh bước lại bên cô, hai tay nâng con gà tắc lên trước mặt: "Cô ơi! Con gà…”.
 
Cô Mai ngạc nhiên: "Con gà bị làm sao?”. "Dạ, con gà… em biếu cô!”. Cô Mai xúc động nhìn Sếnh và con gà đang ướt nhoẹt vì mưa. Cô cúi xuống cầm lên một xâu cua đá, bảo: "Đây này, cô có đặc sản đây rồi nhé! Sếnh để con gà lại mà làm bạn”. Sếnh đứng đó tần ngần. Cô Mai giục: "Thôi, Sếnh về cho đỡ mưa…”.
 
Sếnh nhìn căn phòng đổ nát của cô Mai, lo lắng nói với chú Lềnh: "Chú dựng lại chỗ ở cho cô Mai nhé!”. "Ừ! Tạnh mưa, chú sẽ dựng một căn nhà mới, cho cô Mai, cho cả chú và Sếnh nữa nhé. Giờ ta mời cô Mai về nhà ta ở tạm”.
 
Nói rồi chú Lềnh dắt tay cô Mai đi. Cô Mai đỏ mặt đi sau chú Lềnh, mọi động tác đều trở nên ngượng nghịu. Sếnh thì vui lắm! Sếnh mong cho trời mau mau hết mưa, chú Lềnh sẽ dựng một căn nhà mới.

Q.V

Các tin khác
Các hiện vật được Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Chiều 9/8, tại Hà Nội, ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức đã ban giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia 18 cổ vật Việt Nam ở một số thời kỳ văn hóa khác nhau.

Ban tổ chức Oscar đã công bố 3 thay đổi quan trọng nhằm thu hút người xem và đưa giải thưởng điện ảnh này đến gần hơn với khán giả đại chúng. 

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh.

Ông Trần Vũ Khiêm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình cho biết tối 18/8, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt "Hát câu hò khoan nhớ về Đại tướng” tại Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Vượt qua 50 thí sinh, Phan Thị Mơ vừa chính thức đăng quang ngôi vị Hoa hậu Đại sứ Du lịch Thế giới 2018.

Vượt qua 50 thí sinh, Phan Thị Mơ vừa chính thức đăng quang ngôi vị Hoa hậu Đại sứ Du lịch Thế giới 2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục