Sân khấu của Cung biểu diễn Cá heo Tuần Châu tối 18/8 trở nên lộng lẫy khác thường. Vẫn chừa nhiều khoảng hở mặt nước tạo độ long lanh biến ảo, đạo diễn mạnh tay thiết kế sân khấu theo không gian kiểu cánh sen tạo độ ấm cúng, dù phải hy sinh một số hàng ghế khán giả bên rìa. Theo ý tưởng của Ban Tổ chức, yếu tố hoành tráng không đặt lên hàng đầu, chính sự xuất hiện của các hoa hậu và những người làm nên lịch sử 30 năm Hoa hậu Việt Nam (HHVN) mới là điểm nhấn của đêm Gala.
Tổng đạo diễn đêm Gala chủ đề Nhan sắc hoàng kim - Hoàng Nhật Nam cho biết: "Các biểu tượng nhan sắc một thời gắn với ký ức của nhiều thế hệ khán giả. Công chúng rất lâu mới có dịp gặp họ, nên tôi muốn mang lại một không gian hoài niệm, nhiều màu sắc cảm xúc”. Một bản nhạc Trịnh được bổ sung vào phút chót: Còn tuổi nào cho em do Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga trình bày. Bài hát lắng đọng một nỗi buồn khiến khán giả khá bất ngờ. Không chỉ vì giọng hát không kém gì ca sĩ của hoa hậu đăng quang năm 1996 mà còn vì lựa chọn hơi lệch với hình dung thông thường về một đêm Gala sôi động, thậm chí vui nhộn…
Bài hát Nguyễn Thiên Nga tự chọn, phần nào mang những tâm sự cô muốn gửi đến khán giả: "Bàn tay che giấu lệ nhòa, ôi buồn/Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu…”. Việc bài hát được đưa vào chương trình cũng là một cách chia sẻ của Ban Tổ chức với các hoa hậu. "Cuộc sống đằng sau ánh hào quang của hoa hậu đôi khi cũng có sai lầm, mất mát, những điều không trọn vẹn trong hạnh phúc, họ phải tự mình đứng dậy, vượt qua tất cả” - Hoàng Nhật Nam nói.
Không có gì đảm bảo vương miện hoa hậu sẽ đem lại đời sống toàn màu hồng. Dù sao, hoa hậu Việt Nam 1998 Nguyễn Thị Ngọc Khánh vẫn kết luận: "Tôi trưởng thành cùng với vương miện. Vương miện Hoa hậu với tôi không phải gánh nặng mà là một vinh dự”.
Đặng Thị Ngọc Hân cũng nhất trí với đàn chị và nói thêm: "Có người lao động cả đời cũng không có được vinh quang. Vì thế vinh quang đạt được chỉ sau 15 ngày và một đêm trên sân khấu thực sự rất phù du. Và nếu như không biết đóng góp cho xã hội bằng lao động, bằng những giá trị thật thì danh hiệu mãi mãi chỉ là phù du mà thôi”. Quan điểm của Hân bắt nguồn từ lời cha cô răn con gái khi đã là hoa hậu.
Những khoảnh khắc Gala
Khán giả nào không biết Nguyễn Thị Huyền là hoa hậu sẽ đinh ninh đang nghe ca sĩ khi cô cất tiếng hát. Giọng trung trầm dầy dặn không ngờ, chỉ cần thêm một cây guitar là Huyền có thể chuyển tải đủ các cung bậc cảm xúc. Huyền đã trổ tài đóng phim trước khi thành Hoa hậu.
Nói chung nếu muốn, cô hoàn toàn có thể sải những bước dài trên con đường nghệ thuật. Nhưng Huyền đã chọn học vấn và trở thành một chuyên gia về truyền thông. Bài Million years ago có thể coi như một phút huy hoàng cùng âm nhạc của hoa hậu Việt Nam 2004 gửi tới khán giả trước khi trở lại nhiệm sở - Học viện Báo chí - Tuyên truyền.
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cũng nhận được không ít lời ca tụng khi lần đầu tiên đem bài hát chủ đề HHVN Nhan sắc Việt Nam lên sân khấu. Cô trình diễn cùng dàn thí sinh HHVN 2018 trong trang phục dạ hội làm khán giả cứ gọi là… hoa cả mắt. Chính Phó ban Tổ chức Phạm Kim Dung cũng phải công nhận lứa thí sinh năm nay nổi trội về mọi mặt, mà chị tin rằng sẽ thực sự làm khó cho Ban Giám khảo mà Đỗ Mỹ Linh là thành viên.
Những tà áo dài nền nã, truyền thống có phần giản dị của Ngân An lại cho khán giả một góc nhìn khác về vẻ đẹp của thí sinh năm nay. Các cô gái trình diễn trên nền Một thoáng quê hương - cũng là một giai điệu gắn với các phần thi áo dài của HHVN. "Chọn những bài hát quen thuộc đánh thức hoài niệm của người nghe” là chủ trương của đạo diễn.
Trên nền nhạc trẻ trung sôi động Mắt nai cha cha cha, các thí sinh của vòng chung kết HHVN trình diễn trang phục thể thao. Đây cũng là phong cách thời trang đặc biệt dành riêng cho đêm Gala. Khác với bikini gợi cảm, phần trình diễn này năng động, tươi vui giống kiểu trình diễn của các nữ hoạt náo viên thể thao trong các giải đấu lớn. Các thí sinh phải tập luyện trong suốt thời gian ở Tuần Châu dưới sự chỉ dẫn tận tình của biên đạo Huỳnh Mến để có được mấy phút đồng diễn này.
Để gió cuốn đi - bài hát kinh điển của Trịnh Công Sơn vang lên ngay sau những hình ảnh hành trình nhân ái của các thế hệ HHVN cũng là "thay lời muốn nói” của các hoa hậu và Ban Tổ chức. "Một tấm lòng” trong đời sống là điều cần có, đáng quý nhưng cũng nên "để gió cuốn đi”. Nhất là đối với những người đẹp mang vương miện, sống thiện hạnh, đóng góp cho xã hội là lẽ đương nhiên, không đợi ai phải nhắc nhở hay ca ngợi.
"Hà Kiều Anh - bạn đã là Hoa hậu Việt Nam 1992!” khi nghe xướng ngôn viên tuyên bố, cô gái 16 tuổi đã khóc nức lên, đến nỗi rơi cả lông mi, rơi cả vương miện, vì không bao giờ nghĩ mình có thể thành hoa hậu. "Thật khó tả cảm xúc sung sướng đó. Đến giờ phút này vẫn cảm thấy câu chuyện đó như mới xảy ra hôm qua”, Hà Kiều Anh tâm sự. Chắc đó cũng là cảm xúc chung của nhiều hoa hậu khi tề tựu về Tuần Châu nhân 30 năm HHVN.
Tam ca Bùi Bích Phương - Nguyễn Diệu Hoa và Phạm Thị Mai Phương đã nói hộ nỗi lòng đại gia đình HHVN bằng Rực rỡ tháng năm (Đức Trí). Bài hát kết thúc cũng là lúc các hoa hậu xuất hiện trên sân khấu chào khán giả. Tuy không có sự hiện diện bằng xương bằng thịt của tất cả, nhưng để hội tụ được 14/15 hoa hậu về thành phố Hồ Chí Minh để ghi lại những hình ảnh "nhan sắc hoàng kim” phải nói cũng là một kỳ tích của Ban Tổ chức cuộc thi năm nay.
Tam ca Hoa Hậu hát "Rực rỡ tháng 5”.
Một số hoa hậu cho rằng 30 năm là con số viên mãn, có tính "hiệu triệu” cao. Chứ 10 năm nữa, sự ngại ngần càng tăng lên, nhiều hoa hậu chắc gì đã "dám” xuất hiện trước công chúng. Nhưng người đáng ra phải canh cánh nỗi lo ấy là "chị cả” Bùi Bích Phương lại tuyên bố rất nhẹ nhàng: "Mong có nhiều dịp hơn nữa để hoa hậu được gặp gỡ giao lưu như những người con trong cùng một mái nhà”. Vì thế công chúng vẫn có quyền hy vọng những Gala kỷ niệm 35 - 40 năm HHVN đông đủ và hoành tráng hơn nữa.