Tín ngưỡng cầu phồn thực trong nhà sàn người Mường

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/9/2018 | 1:49:47 PM

YBĐT - Nhà sàn của người Mường mang nhiều nét tương đồng với nhà sàn nhiều dân tộc khác. Tuy vậy, về tín ngưỡng dân gian nói chung và tín ngưỡng phồn thực nói riêng thì họ lại có những nét độc đáo riêng có.

Trước hết, đối với cửa ra vào ngôi nhà, người Mường cũng chung quan niệm là số bậc cầu thang phải là số lẻ (5 bậc, 7 bậc, 9 bậc), chứ không thể là số chẵn, vì chẵn nghĩa là đã hoàn thiện, đầy đủ; còn lẻ thì mang ý nghĩa về sự vận động của cuộc sống luôn luôn phát triển. Số gian nhà cũng phải là số lẻ là 3 gian hoặc 5 gian.
 
Cùng đó, người Mường kiêng không làm cửa trước và cửa sau ở hai đầu chái nhà đối nhau, vì làm như thế thì "của cải đi vào cửa trước lại đi ra cửa sau” không có tích lũy. Còn một cửa nữa được coi như cửa thiêng (cửa voong, voóng) nghĩa là cửa dành cho vong, ma khi đưa quan tài người chết đi chôn và để tổ tiên đi vào cửa này.
 
Đây là cửa sổ đầu tiên ở phía trước ngôi nhà sàn ở bên phía cầu thang chính và cũng gần với nơi đặt bàn thờ gia tiên ở góc chái nhà. Cửa này không được tùy tiện ngồi ăn cơm hàng ngày hoặc làm những công việc khác ở đây, trừ khi nhà có đám cỗ nhưng cũng chỉ bậc cao niên hay chủ nhà mới được ngồi ở đó. Nếu vi phạm vào những điều kiêng kỵ ấy, trong nhà dễ sinh ốm đau, làm ăn thất bát.

Về thờ tự, ngoài ban thờ tổ tiên, người Mường còn thờ ma nhà (ma xó), là ban thờ nhỏ đặt khá cao ở góc nhà phía trước, đối diện về phía cầu thang. Quan niệm của người Mường, đây là vị thần trông nom nhà cửa để cho gia chủ yên tâm đi làm, hay lúc ban đêm ngủ say.
 
Vì thế, người Mường xưa thường thêu dệt nên những câu chuyện huyền bí như kẻ trộm lẻn vào nhà bị ma nhà che mắt không tìm thấy lối ra; ma nhà làm cho kẻ trộm bị ốm yếu; hoặc kẻ trộm đang lấy đồ vật thì bỗng nghe có tiếng gọi đúng tên mình từ phía góc nhà... 

Cùng những ban thờ trên, ai làm nghề thầy mo thì có thêm ban thờ "réng” phía trên cao góc trong ngôi nhà. Đây là nơi thờ các vị thần nhà trời bảo trợ, nâng cao quyền năng pháp thuật để thầy mo hành nghề cúng bái.

Trong gian bếp, bếp lửa được coi là linh hồn của ngôi nhà. Cửa bếp lửa phải quay vào trong lòng nhà chứ không được quay ra cổng. Lửa được giữ đỏ quanh năm bằng cây củi cái (cây củi to chắc) chứ không được để tắt, nên khi cúng vào các dịp lễ tết người Mường thường khấn các thế lực siêu nhiên và tổ tiên phù hộ cho "quanh năm đỏ lửa", nghĩa là không bị mất mùa, đói kém không có gì để nấu.
 
Cùng đó, không được ném lá bánh, lá tươi vào bếp, tưới nước lã vào bếp; không hong quần áo ướt của phụ nữ gần bếp lửa... để vua bếp nổi giận sẽ không phù hộ cho cuộc sống được sung túc. Tết Nguyên đán, người Mường có tục cúng vua bếp vào ngày mổ lợn ăn tết (từ 27 đến 30 tết).
 
Lễ cúng không cần bày đồ lễ mà gia chủ chỉ cần cái rổ lót lá chuối đựng ít đồ ăn rồi quỳ ở cửa bếp khấn ngỏ lời cảm tạ vua bếp đã ban cho gia đình được no đủ. Khấn xong, gia chủ thả miếng thịt nhỏ, xôi, bánh vào lòng bếp, rót rượu vào cửa bếp để tạ ơn và mời vua bếp cùng ăn tết với gia đình.
 
Ngoài ra, khu vực bếp còn được treo những bộ xương hàm, sừng, đuôi những con thú to săn bắt được, hay đuôi cá to dán lên cột bếp để thể hiện tài nghệ săn bắn của gia chủ và một cuộc sống sung túc; đồng thời, cũng là vật mang tính chất cầu may khi săn bắt.

Người Mường còn có quan niệm ngôi nhà cũng giống như một thực thể sống có xương có thịt. Bởi vậy, họ kiêng đóng vật cứng lên những cây cột cái. Làm như vậy, xương thịt ngôi nhà sẽ bị đau đớn; kiêng buộc những mối lạt buộc đòn tay để cho mắt lạt quay xuống lòng nhà khiến lắm kẻ soi mói, nhòm ngó dẫn đến cuộc sống không được bình yên, hòa thuận, dễ gặp điềm xấu gây ốm đau và làm ăn thất bát.
 
Trong tín ngưỡng phồn thực, người Mường có điểm độc đáo nữa là trên thân một cây cột ở gian trong cùng của ngôi nhà sàn, xưa kia thường được gắn vật tượng trưng cho sinh thực khí nam và nữ. Hình tượng sinh thực khí nam là một đoạn gốc tre để nguyên củ, rễ gắn vào cột rồi úp vào đầu đoạn tre một chiếc giỏ tượng trưng cho sinh thực khí nữ. Hình tượng này thể hiện âm dương giao hòa, làm cho vạn vật sinh sôi, sinh đẻ có trai, có gái, con người khỏe mạnh, cuộc sống đủ đầy.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục