"Thiếu nữ cầm quạt" của Nguyễn Nam Sơn gõ búa mức kỷ lục gần 12 tỷ đồng

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/10/2018 | 1:59:40 PM

Bức tranh lụa Thiếu nữ cầm quạt của họa sĩ tài danh Nguyễn Nam Sơn - người đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - vừa tạo cú sốc lớn khi bán 440.000 euro (gần 12 tỷ đồng), chưa kể mức phí gần 30% mà người mua phải chi trả thêm.

Thiếu nữ cầm quạt, vẽ khoảng năm 1935-1936 của Nguyễn Nam Sơn.
Thiếu nữ cầm quạt, vẽ khoảng năm 1935-1936 của Nguyễn Nam Sơn.

Đây là những thông tin mới nhất được nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho biết từ phiên đấu giá "Họa sĩ Á châu - Họa sĩ đương đại Trung Quốc - Tranh thế kỷ 19 - Ấn tượng và hiện đại - Nghệ thuật đương đại” của nhà đấu giá danh tiếng Aguttes, Pháp vừa diễn ra từ lúc 14 giờ 30 ngày hôm nay 22-10 (giờ Paris), tức khai cuộc khoảng 19 giờ 30 (giờ Việt Nam).

Tại phiên đấu, bức tranh của Nguyễn Nam Sơn được giới thiệu có tên tiếng Pháp là Tonkinoise à l’éventail (Thiếu nữ cầm quạt, mực nho với màu nước trên lụa, 61,5cm x 43cm, vẽ khoảng năm 1935-1936).

Với giá ước đoán từ 50.000 - 80.000 euro, kết quả tăng giá đến 550%. Thiếu nữ cầm quạt cũng đã lập nên một kỷ lục mới, trở thành tác phẩm cao giá nhất của Nguyễn Nam Sơn trên sàn quốc tế và thị trường giao dịch công khai.

"Điều đáng lưu ý là nền tranh vẽ nét vân thủy (雲水) làm hậu cảnh, như một tấm màn gấm, mang lại cho Thiếu nữ cầm quạt nét quý phái, xưa cổ. Phong cách vẽ trang trí này đã được nhìn thấy trong một bức tranh lụa khác của Nam Sơn, chứng tỏ khả năng bậc thầy của ông khi dạy môn trang trí (art décoratif) tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương” - Ngô Kim Khôi nhận định.

Bức Thiếu nữ cầm quạt từng thuộc bộ sưu tập của Tiểu đoàn trưởng Fernand Mallet, đóng quân tại Hà Nội từ ngày 24-1-1936 đến ngày 28-4-1938. Từ năm 1938, bức tranh này được mang về Pháp và được gia đình lưu giữ từ đó cho đến nay.

Cách đây không lâu, ngày 26-3 vừa qua cũng tại sàn giao dịch của Nhà đấu giá nghệ thuật Aguttes, bức tranh lụa Thôn nữ Bắc kỳ (mực nho với màu nước trên lụa, 65cm x 52,5cm, 1935) của Nguyễn Nam Sơn đã được Aguttes bán với giá 205.000 euro (gần 6 tỷ đồng) - thời điểm ấy, đây là bức tranh cao giá nhất của Nam Sơn.

Ngoài ra tại phiên đấu, bức tranh Đi chợ về (mực nho và màu nước trên lụa, 47,5 x 35,5 cm, vẽ năm 1936) của bậc thầy Trần Văn Cẩn với giá ước đoán từ 40.000 đến 60.000 euro đã được bán với giá 230.000 euro.

Tại phiên đấu này có tổng cộng 141 lô hàng, trong đó những họa sĩ liên quan trực tiếp đến Việt Nam (kể cả họa sĩ người Pháp) có 28 lô hàng.

Ngoài Nguyễn Nam Sơn, còn có các tên tuổi bậc thầy: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tiến Chung, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Alix Aymé, Trần Văn Thọ... Các họa sĩ Pháp từng sống và vẽ tại Việt Nam có Jean-Louis Paguenaud (1876-1952), Henri Mège (France, 1904-1984), Maurice Menardeau (1897-1977)...

(Theo SGGP)

Các tin khác
Họp báo giới thiệu Liên hoan phim Khoa học lần thứ 8 tại Việt Nam.

Liên hoan phim Khoa học lần thứ 8 tại Việt Nam với chủ đề "Cuộc cách mạng thực phẩm” sẽ diễn ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ ngày 22-10 đến 23-12. Chương trình do Viện Goethe tổ chức.

Người đẹp Trung Quốc đăng quang Miss Globe 2018.

Chung kết Miss Globe 2018 (Hoa hậu Hoàn cầu thế giới) vừa kết thúc tại Thủ đô Tirana, Cộng hoà Albania. Đại diện Việt Nam là Yến Nhi chỉ dừng ở top 15.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phát hành bộ tem "Bảo vật quốc gia Việt Nam (bộ 1): Đồ đồng”, bao gồm bốn mẫu do họa sĩ Trần Thế Vinh thiết kế. Bộ tem có kích thước hình vuông 37 mm x 37 mm với bốn mẫu giá mặt: 3.000 đồng, 4.000 đồng, 6.000 đồng và 8.000 đồng.

Các mộc bản quý có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá quá trình tự chủ trong tư tưởng, văn hóa của dân tộc; giúp nghiên cứu sự phát triển về ngôn ngữ, hệ thống văn tự Việt, từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm, ngôn ngữ của người Việt ra đời từ thế kỷ XI.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục