Từng kinh qua nhiều nghề, tác giả Dương Soái đã cho ra mắt bạn đọc một số tập thơ, kịch và nay là tập truyện - ký "Lửa vẫn bập bùng" (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân). Tập sách gồm 11 truyện và bài ký ghi lại những cảm nhận về cuộc sống đang ngày càng đổi mới nơi từng đi qua; những con người tác giả đã gặp và để lại ấn tượng sâu sắc.
Đó là thời gian làm anh công nhân địa chất "Ngày ngày với ba lô trên lưng, chiếc búa khảo quặng và chiếc la bàn, chúng tôi lần theo những vách đá cheo leo lên ngọn nguồn dòng suối" và "Mỗi lần chúng tôi về lại đèo thêm một ba lô cóc nặng oằn đá mẫu".
Rồi những khi lều bạt ngủ rừng đêm đêm còn phải thức canh chừng thú dữ hay lúc bất ngờ lũ suối tràn về. Vất vả thế mà cũng có giây phút theo anh Thành, anh Xuyến đi câu cá suối, bắt ba ba, bắt ếch, bắt lươn về cải thiện đời sống hoặc thơ thới thả mình trong dòng nước Ngòi Nhu "trong văn vắt, ăm ắp dòng thao thiết chảy cả trong những tháng mùa khô".
Và cũng kể sao hết niềm vui cái thời điểm tìm ra mỏ sắt Quý Sa, mỏ đồng Sín Quyền hay làm đường vào Sâu Chuô khai hoang mở rộng diện tích trồng su hào giống với cây ăn quả. Anh cùng bạn bè hiểu rõ ý nghĩa công việc mình làm là để xây dựng đất nước mạnh giàu, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào vùng cao.
Xúc động làm sao chứng kiến cụ Giàng A Đoa 82 tuổi, giọng rưng rưng trong nước mắt "... Đúng quá rồi! Đảng bảo có đường ô tô là có đường ô tô thật. Bây giờ thì chết được rồi. Tao bảo con cháu làm thành bài hát ca ngợi cái máy của Đảng đã mở đường lên Sâu Chuô cho chúng nó hát cả huyện Sa Pa này cùng nghe".
Sau này, đến với vùng dâu tằm Trấn Yên có quy mô từ 400 đến 500 ha dâu nguyên liệu, xây dựng nhà máy ươm tơ công suất 165 tấn tơ xuất khẩu/năm tổng vốn đầu tư 34 tỷ đồng, mở ra việc làm cho hàng ngàn lao động thì cảm xúc ấy lại tuôn trào "Một làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông. Điệu hát xe chỉ luồn kim bồng bềnh mê mải ở làng dâu tằm miền Kinh Bắc... Cây dâu, con tằm, cái kén cùng những guồng tơ kéo sợi đã hóa cổ tích làng nghề tự những xửa xưa xa".
Chất liệu cuộc sống phong phú ấy là nguồn cảm hứng để anh viết truyện. Các truyện ngắn: Chuyện ở làng khai hoang, Những mùa xuân không chờ, Lửa vẫn bập bùng, Chuyện tình bà Đoan hầu là những điều tai nghe, mắt thấy được tái hiện qua lăng kính chủ quan của người viết mà tạo dấu ấn sâu đậm về đời sống, con người một thời đã qua. Đó là câu chuyện gần như cổ tích của cặp đôi Bông - Hoàn (Lửa vẫn bập bùng) trên cung đường Nậm Chấu.
Hoàn cảnh thời chiến tranh khiến họ xích lại gần nhau dù trai đã có vợ mà gái chưa chồng. Trốn tránh dư luận và nhất là búa rìu của thứ định kiến hằn sâu trong lớp người thuở ấy, họ lặng lẽ rời nhiệm sở lên ẩn cư trên đỉnh đèo Khau Phạ. Không tiền lương, không được cung cấp lương thực, thực phẩm nhưng vẫn tự nguyện làm phần việc của người công nhân bảo dưỡng giao thông.
Tinh thần trách nhiệm hay chính ý thức công dân giúp hai người vượt qua khó khăn để bảo đảm thông xe vào các thời điểm gay cấn nhất. Rồi chính lòng tốt là nguyên cớ để Trưởng ty Bùi nhận ra chân giá trị của con người dám nhận khuyết điểm, dám hy sinh mà phục hồi nhân phẩm và vị trí công tác cho họ.
Truyện "Những mùa xuân không chờ đợi" lại xoay quanh cuộc đời lão Sậu, một người dân vùng cao nghèo khổ từng bị bọn thực dân, bang tá mua chuộc biến thành thứ công cụ ác độc đàn áp dân lành. Tuy thoát khỏi sự trừng trị của cách mạng song cũng bị chém rách tai và vết thương như nỗi nhục không thể rửa.
Bản Là giải phóng, lão Sậu được khoan dung mà vẫn ngựa theo đường cũ học làm thầy cúng lừa gạt người lương thiện. Rồi đoàn địa chất về, tương lai tươi sáng mở ra đã giúp lão nhận thức "cần phải thay đổi số kiếp, còn chờ đến bao giờ nữa". Còn "Chuyện ở làng khai hoang" là cuộc đấu tranh giữa đầu óc tư hữu và chủ nghĩa tập thể.
Ông Tuần mơ ước xây dựng một cơ ngơi khang trang có nhà gỗ khang trang, vườn cây, ao cá. Nhưng chính mảnh đất ông chọn và đầu tư lại bị anh con trai Sơn là đảng viên, bộ đội xuất ngũ đề xuất xây đập ngăn làm hồ thủy lợi tưới cho cánh đồng khô hạn của hợp tác xã. Mâu thuẫn được giải quyết, gia đình đoàn tụ và Sơn tìm thấy tình yêu bên cô An hàng xóm.
Là người làm thơ viết truyện nên trong văn của tác giả Dương Soái dễ gặp những đoạn mang sắc thái thơ thới của tâm hồn người viết. Để ta có dịp hòa mình vào cảnh sắc quang lâng một buổi sớm nơi vùng cao "Nắng chợt hửng giữa làng Mông. Ô không, hoa đào đấy. Giữa khoảng quang lâng của các đợt sương mù, một rừng đào hoa như muôn rừng đào đang nở rộ hoa, vươn dài tới tận chân núi" (Lên Sâu Chuô).
Cái chất thơ ấy khi gắn với đời sống con người có tác dụng gợi mở tâm trạng nhân vật. Đó là cảm xúc của Sơn trước vùng quê mới "Sơn đi thăm quê mới của mình. Những ngọn đồi dứa, những thung lũng mía, những cánh đồng lúa đột ngột mở ra xanh rờn, bát ngát xô dồn tới tận chân trời xa. Ruộng bậc thang cứ đổ dồn về suối, xuôi xuống cuối nguồn.
Những dòng mương nước luôn tuôn chảy, nước gợn, nước reo chứ không láng bạc như những dòng mương phẳng lặng dưới đồng bằng. Đất núi hình như luôn ẩn dấu niềm vui để bất ngờ mở vào lòng Sơn những cảm xúc mới lạ" (Chuyện ở làng khai hoang). Hay nỗi lòng chứa nhiều u ẩn của bà Đoan vào buổi tuổi chiều xế bóng "Trăng hạ tuần treo chênh đầu núi. Ánh trăng bàng bạc đổ nhòe khoảng sân lấp loáng bóng cau.
Chiếc ao nhỏ nhưng đủ nước ra, nước vào tiếp giáp sân, một bờ là con đường dẫn ra cổng nhỏ. Chả biết kiếm ăn hay nổi hứng đớp trăng, thỉnh thoảng lũ cá lại quẫy lên thành tiếng. Mọi ngày nghe tiếng cá quẫy bà Đoan đều hé mắt nhìn, lòng dạ như giãn nở ra. Hôm nay nghe tiếng cá quẫy chỉ nhoe nhoét bóng trăng làm bà thêm bực" (Chuyện tình bà Đoan).
Ngôn ngữ văn xuôi của anh cũng khá dung dị, hầu là lời ăn tiếng nói hàng ngày trong đời sống của người lao động. Vậy mà, sự chắt lọc lại tạo ra cách nói riêng, độc đáo. Ví như miêu tả mặc cảm tội lỗi của lão Sậu "Mọi người đối với lão bình thường như mọi người bình thường khác. Nhưng lão lúc nào cũng cảm thấy cô đơn. Ấy là bởi cuộc sống trước đây cứ trĩu nặng trong tâm trí lão. Nó như nhựa cây chết đứng cứ quyện vào thớ gỗ mà khô kiệt, không chịu góp sức bật nẩy những chồi mầm".
Tuy số lượng chưa nhiều nhưng những gì tác giả Dương Soái gửi đến bạn đọc qua tập sách cũng giúp chúng ta hiểu thêm về một thời điểm còn nhiều khó khăn, gian khổ của đất nước. Để từ đó càng thêm tin yêu cuộc sống như tác giả từng tin tưởng "Duy một điều chúng tôi chắc chắn tin tưởng, rồi đây Sâu Chuô sẽ vàng rực sắc hoa su hào; trắng muốt hoa lê, hoa mận; hồng thắm hoa đào mỗi độ xuân sang".
Thế Quynh