“Bóng núi” - một nét mới của thơ ca Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/11/2018 | 8:09:56 AM

YBĐT - Tập thơ "Bóng núi”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2018 là tập thơ thứ 2 của tác giả Phạm Quỳnh Loan, hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái.

Tập thơ có 47 bài, xoay quanh những cảm xúc, suy ngẫm của tác giả về quê hương, cuộc đời và thế sự. Mảng chiếm tỷ lệ nhiều nhất cũng thành công nhất là thơ viết về cuộc đời, đặc biệt là thân phận của người phụ nữ. 

Nhân vật trữ tình luôn đau đáu về thân phận của mình: Thánh năm/ Nước đổ về đâu/ Tím chiều loang/ Ướt đẫm câu hẹn thề (Ngược bờ ký ức); Ngược đường/ Giăng mắc vương tơ/ Đá gai góc đá lòng chơ vơ lòng/ Ngược sông/ Sông chảy gập dòng/ Mười hai bến nước dòng trong lặng tìm/ Ngược vào tim nghẹn con tim/ Chút đáu đau, chút nổi chìm lênh đênh (Ngược); Mây bồng bềnh lả lướt hoang trôi/ Người ở đâu câu thì thầm lạc lối/... Chiều đổ bóng cõi riêng mình em đợi (Em về); Người đàn bà/... Đau đáu mùa hoa lửa chói chang/ Nắng ung trưa tháng Sáu/... Mưa bong bóng phập phồng vỡ vụn/ Nắng cạn ngày khôn dại nửa vần thơ (Viết cho ngày sinh); Bằng lăng tím lại bên đồi/ Tôi về mót lại khoảng trời không nhau/ Cuối đường vuông cỏ nát nhàu/ Lạc tôi với phố ẩn sâu trong chiều (Khoảng trời không nhau); Vòng kí tự gập ghềnh/ bẻ cong miền hoang hoải/ Em gom về.../ lặng lẽ/ nẻo không anh (Nẻo không anh); Khi yêu con mắt lưng tròng/ Nhắm hay mở giữa tơ lòng rối ren (Nhắm hay mở);  Mình đừng yêu nhau anh nhé/ Sợ rồi con sóng bạc đầu/ Cơn say... xé toang bờ cát/ Mặn mòi... tít tắp khơi sâu/ Cõi trần sân si ở tạm/ Xin đừng ngoái lại phía sau (Mình xa nhau anh nhé); Hạnh phúc giản đơn/ Mà đâu dễ thành lời/ Chút giận hờn bầm câu thơ dang dở (Hạnh phúc); Giận chi/ Sấp ngửa cuộc người/ Câu thơ nghẹn giữa bời bời nét xuân (Giận); Trái tim em rất mỏng/ Dễ vỡ và mong manh/ Đừng làm em tan nát/ Kim nào khâu cho lành (Đừng).

Với những bài thơ về thiên nhiên, tác giả cũng luôn liên tưởng, gửi gắm nỗi niềm nhân sinh: Tôi đi về phía hư vô/ Khoảng mênh mông ấy câu thơ bỏ bùa/... Màu trôi lá cũ thay mầm/ Cay cay mắt cỏ đêm chầm chậm buông/... Khát tôi một ánh trăng suông/ Tìm trong bóng núi một vuông vắn mình/ Chim kêu vỡ ánh bình minh/ Núi vờn bóng núi, tôi hình hài tôi (Bóng núi); Dải ngân hà ngàn vạn ánh sao sa/ Lung linh thế cũng có vì cô lẻ/ Nước sông Hồng cứ ngầu lên sắc đỏ/ Vẫn đơn thân mặc sóng mãi gầm gào (Le lói một vầng đông); Mây lưng lửng/ Nắng ngủ quên/ Gió lay phay gió/ trơ thềm/ xuân rơi/ Một tôi/ bạn với chính tôi/ Một ly/ chạm với/ một vời vợi thương/ Ngoài kia/ Gạo thắp đỏ đường/ Lạc tôi/ giữa chốn/ vô thường vắng em (Lãng đãng xuân), tôi chưa dám đánh giá những tư tưởng về thân phận ấy. Điều đáng quý là tác giả đã phơi mở nó một cách chân thực, cũng không sướt mướt, ủy mỵ hay cuồng loạn, phá phách.

Cách nhìn nhận hiện thực và sáng tạo hình ảnh thơ của Phạm Quỳnh Loan cũng có nhiều điều đáng bàn. Tác giả luôn có ý thức khám phá hiện thực trên nhiều bình diện, tầng bậc để phát hiện ra những nét mới trong những cái quen thuộc hàng ngày, tạo nên nhiều hình ảnh thơ ấn tượng: Cúc trắng họa mi vồng cong bãi đá (Le lói một vầng đông); Dậy thì vỡ một tiếng ve/ Nắng thoai thoải nắng tóc thề hương bay (Tìm lại ngày xưa); Mây lưng lửng/ Gió ngủ quên (Lãng đãng xuân); Núi cựa mình cong lệch nỗi đa đoan (Câu thơ tháng Ba); Nắng ung trưa tháng Sáu/ Xô nghiêng chiều vỡ òa ngày cũ (Viết cho ngày sinh)... 

Phạm Quỳnh Loan cũng rất kỳ công trong ngôn ngữ thơ. Trước hết là sử dụng các biện pháp tu từ. Trong "Bóng núi”, thiên nhiên hầu như đều được nhân cách hóa: Lệch vai bóng đổ ngang chiều/... Cay cay mắt cỏ (Bóng núi); rồi nữa: bông đa đoan, núi cựa mình, chiếc cọn xoay trần thay cha cõng nước, ô cửa tháng Hai gửi trao lời thương nhớ, gió vô duyên, sóng cồn cào, dao cau liếc lệch, gốc phượng già xõa tóc hai vai... 

Còn rất nhiều những nhân hóa như thế làm cho thiên nhiên sống động, có hồn, gần gũi hơn với con người, cũng là để "mượn cảnh ngụ tình”. 

Tác giả cũng sử dụng khá nhiều các từ láy toàn phần và láy bộ phận để tạo hình, gợi cảm: cay cay, chầm chậm, vuông vắn, mỏng mảnh, nhồn nhột, thoai thoải, liêu xiêu, mơn mởn... Biện pháp đảo từ, đảo ngữ cũng được tác giả khai thác: xác xao, đáu đau, nhĩ nhàu, trịa tròn, lạc tôi, lay phay gió, nã nồng hương hoa sữa... Nhiều bài thơ, kể cả thơ lục bát, câu thơ được cắt ra thành những dòng thơ ngắn khi đọc buộc phải ngắt âm để tạo nên nhịp điệu nhằm diễn tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình: Mây lưng lửng/ nắng ngủ quên/ gió lay phay gió/ trơ thềm/ xuân rơi (Lãng đãng xuân); Rét chi/ chẳng cắt/ thịt da/ Mà thăm thẳm/ tận nơi xa/ vợi vời (Rét).

Có thể khẳng định, Phạm Quỳnh Loan viết thơ có nghề, lối viết khá hiện đại, dụng công trong sử dụng ngôn từ, thiên về suy ngẫm, trải nghiệm. Song cũng vì thế mà bài thiếu cảm xúc hồn nhiên, tươi mát; lối diễn đạt bị lặp lại nhiều, tạo nên sự đơn giọng. 

Có thể đó là cái "tạng” riêng của từng người viết chăng? Điều đáng nói "Bóng núi” là một tập thơ chững chạc, mang tới nét mới cho thơ ca Yên Bái. Hy vọng, tác giả sẽ còn vươn xa trên con đường đi tới những giá trị chân – thiện – mỹ của văn học nghệ thuật. 

Nguyễn Hiền Lương

Các tin khác
Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ V- 2018 đã thành công tốt đẹp.

Tối 31-10, tại Cung văn hoá lao động hữu nghị Việt-Xô Hà Nội, sau 5 ngày ngày diễn ra với các hoạt động sôi nổi, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ V- 2018 (LHP HANIFF 2018) đã chính thức khép lại với Lễ Trao giải và bế mạc trang trọng và ấm áp.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trao quyết định bổ nhiệm Đại sứ du lịch Việt Nam cho ông Greg Norman.

Sáng 31/10, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) trao quyết định bổ nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam cho huyền thoại golf - Greg Norman.

Lễ hội Cầu ngư ở Quảng Bình.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện đã ký ban hành Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL ngày 30/10/2018 về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đợt XXV.

Xuất hiện tại sân bay lúc nửa đêm, người đẹp Bùi Lý Thiên Hương khoe nhan sắc nổi bật lên đường dự thi Hoa hậu Việt Nam toàn thế giới 2018 (Miss Vietnam Worldwide 2018).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục